“Bấp bênh” thương mại toàn cầu

Trương Khắc Trà 15/12/2019 06:00

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có nguy cơ mất chức năng giải quyết tranh chấp thương mại lần đầu tiên kể từ khi được thành lập vào năm 1995.

Thực tế trên có nguy cơ gây bất ổn thương mại toàn cầu, bởi các quy tắc của WTO hiện đang là nền móng cho 96% hoạt động thương mại toàn cầu.

p/Kể từ ngày 11/12, cơ quan phúc thẩm của WTO không thể giải quyết các tranh chấp thương mại toàn cầu.

Kể từ ngày 11/12, cơ quan phúc thẩm của WTO không thể giải quyết các tranh chấp thương mại toàn cầu.

Tê liệt vai trò thẩm phán

Còn nhớ hồi tháng 12/2013, Trung Quốc đâm đơn lên WTO kiện Mỹ vì áp dụng các phương pháp điều tra chống bán phá giá không hợp lý nhằm vào 25 dòng sản phẩm của Trung Quốc đang lưu hành trên thị trường Mỹ. Đến ngày 1/11/2019, WTO tuyên bố Trung Quốc có quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt trị giá 3,579 tỷ USD mỗi năm lên hàng hóa Mỹ.

Đó chỉ là một trong hàng trăm vụ kiện cáo thương mại có liên quan đến Mỹ. Có điều, Mỹ thua đến 90% những vụ khởi kiện nhằm vào quốc gia này tại WTO - Bloomberg dẫn số liệu từ Viện nghiên cứu Cato. Tuy nhiên, Mỹ cũng thắng đến 90% vụ kiện do nước này khởi xướng, đồng thời là quốc gia khởi kiện nhiều nhất trong số các thành viên WTO.

Người Mỹ cũng cho thấy họ rất “biết cách” tôn trọng phán quyết của WTO, cũng dễ hiểu bởi Mỹ là quốc gia đầu tàu kêu gọi thành lập tổ chức này hồi năm 1994. Nhưng có lẽ, chính Washington cũng không ngờ rằng không phải bất cứ điều gì WTO cũng đứng về phía mình.

  Khi chính quyền Trump đã phớt lờ WTO và tấn công thẳng vào Trung Quốc, có lẽ Mỹ không còn cần đến WTO. Ngày 26/11 vừa qua, Mỹ còn đề xuất ngừng chi trả cho các thẩm phán của tòa phúc thẩm.

Kể từ đầu năm 2018, Mỹ đã ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán thay thế trong cơ quan phúc thẩm của WTO gồm 7 thành viên với cáo buộc cơ quan này đã vượt quá quyền hạn trong một số quyết định. Điều này đã dẫn đến 4 vị trí bị bỏ trống, và vào ngày 10/12 vừa qua, nhiệm kỳ của 2 trong số 3 thẩm phán còn lại đã hết hạn.

Như vậy, vai trò của cơ quan thẩm phán của WTO đã tạm thời bị gián đoạn, bởi theo quy định của WTO, cơ quan này phải có tối thiểu 3 thẩm phán. Có nghĩa, các vấn đề phát sinh trong thương mại toàn cầu kể từ ngày 10/12 vừa qua sẽ không thể giải quyết. Lúc này, các quốc gia thành viên WTO chỉ còn căn cứ vào các điều khoản trong các hiệp định thương mại tự do.

Đối sách của các thành viên

Từ việc bất mãn trong các vụ kiện, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần dọa rút Mỹ khỏi WTO. Tuy nhiên, điều này vẫn không đáng ngại, bởi vì Mỹ chỉ là một trong 164 thành viên của tổ chức này.

Có thể bạn quan tâm

  • WTO “cứu hoả hay tiếp lửa”?

    06:00, 27/10/2019

  • Thương chiến Mỹ-EU: "Phát súng" từ WTO

    03:03, 04/10/2019

  • Ấn Độ đột ngột hạn chế nhập khẩu hương nhang là vi phạm cam kết WTO?

    06:00, 21/09/2019

  • WTO sẽ giải quyết "cấm vận" giữa Nhật Bản và Hàn Quốc như thế nào?

    06:00, 16/07/2019

  • Cơ chế giải quyết tranh chấp trong EVFTA nhanh hơn WTO

    06:16, 25/04/2019

  • Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ "khó hơn" cam kết WTO

    06:00, 20/04/2019

  • Sức ép cải tổ WTO

    11:01, 07/04/2019

Đáng lo hơn chính là bản thân WTO không phát huy được hiệu quả của mình với nhiệm vụ “cảnh sát thương mại toàn cầu” vì áp lực từ phía Mỹ. Bởi Washington luôn là bên cung cấp kinh phí lớn nhất cho hoạt động của tổ chức này.

Với quy mô nền kinh tế lớn nhất thế giới, rõ ràng quyền lực “mềm” của Mỹ không hề nhỏ. Từ năm 2018 đến nay, WTO không bầu được các vị trí thẩm phán bị khuyết cũng phần nào cho thấy WTO không khác gì “sân sau” của Mỹ.

Trước thực trạng trên, một số quốc gia đã bắt đầu chuẩn bị cho tương lai không có WTO. Liên minh Châu Âu (EU), Canada và Na Uy đã thống nhất về cơ chế trọng tài lâm thời, trong đó sẽ sử dụng các thẩm phán đã nghỉ hưu của tòa phúc thẩm WTO. Ngoài ra, EU cũng đang tăng cường thúc đẩy cơ chế xét xử của riêng mình.

Đáng chú ý, có một dòng chảy riêng trong xu thế toàn cầu hóa, đó là các mối quan hệ song phương, đa phương hẹp được nâng cấp rất mạnh mẽ theo chiều sâu trong vòng một thập kỷ trở lại đây. Chẳng hạn như các FTA song phương, FTA giữa một quốc gia và một khối… Theo đó, các mối quan hệ thương mại nội bộ đã được điều chỉnh bởi FTA đã ký kết. Đây phải chăng là lý do mà hàng trăm nước nhỏ còn lại không quan tâm nhiều đến vai trò của WTO (!?).

Thực tế cũng cho thấy, các vấn đề thương mại lớn, bị lồng ghép trong đó là động cơ chính trị - cuộc cạnh tranh chiến lược dài hơi giữa các cường quốc như Mỹ, Trung, Nga, EU, Nhật Bản mới thật sự cần đến vai trò phán quyết của WTO.

Như vậy, đã đến lúc WTO cần xem lại cơ chế hoạt động, sự linh hoạt của mình trong bối cảnh khối lượng thương mại toàn cầu tăng với cấp số nhân so với cách đây 1/4 thế kỷ.

Trương Khắc Trà