Cá ngừ vây xanh và bài học từ ngành thủy sản chất lượng cao Nhật Bản
Phiên chợ bán đấu giá cá ngừ Nhật Bản luôn được chứng kiến phần đấu giá cá ngừ vây xanh, thức ăn chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và có hương vị đặc biệt.
Là loại thực phẩm cao cấp, cá ngừ vây xanh có thịt màu đỏ hồng là nguồn nguyên liệu cao cấp để làm món sushi và sashimi. Với giá trị dinh dưỡng cao, loại cá này luôn được bán với giá hàng triệu USD. Cá ngừ vây xanh khác hoàn toàn so với cá ngừ đóng hộp thường thấy ở các siêu thị về kích thước lẫn hương vị.
Theo Derek Wilcok, đầu bếp 10 năm kinh nghiệm trong một nhà hàng Nhật ở New York đánh giá, ngành đánh bắt hải sản của Nhật Bản là một trong những ngành kinh tế quan trọng của đất nước này. Với đặc trưng điều kiện tự nhiên bốn phía đều là biển, nghề đánh bắt cà tại Nhật Bản đã đạt đến mức chuyên nghiệp và công nghiêp hóa.
Có thể bạn quan tâm
Gỡ vướng mắc phát sinh trong thực hiện chính sách phát triển thủy sản
00:02, 28/12/2019
Nâng cao năng suất ngành thủy sản trước rào cản áp ‘thẻ vàng’
02:10, 16/11/2019
Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ thuận lợi xuất khẩu cá tra vào Mỹ
12:22, 04/11/2019
70% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam
17:08, 04/12/2019
Cách làm của ngư dân Nhật Bản đã góp phần nâng tầm chất lượng và giá cả của loại cá ngừ vây xanh nói chung và nhiều loại thủy hải sản khác nói riêng. Có nhiều mặt hàng để đáp ứng yêu cầu của nhiều phân khúc khách hàng khác nhau.
Cụ thể, các nhà hàng bình thường chế biến từ những con cá nhỏ, có thể đánh bắt đại trà, trong khi đó, tại nhà hàng cao cấp chuyên phục vụ cá ngừ vây xanh có kích cỡ lớn với mức giá cao cho những khách hàng trung lưu trở lên, những người sẵn sàng chi tiêu để thưởng thức những thực phẩm đắt tiền, đánh bắt khó, cách bảo quản cũng tốn công hơn.
Giá cá cũng thay đổi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đầu tiên, con cá càng to thì thịt cá có vân càng đẹp, trông như thịt bò và mang hương vị đặc biệt. Bên cạnh đó, nơi xuất xứ cũng quyết định mức giá. Ở Nhật Bản, một con cá được bắt tại bờ biển phía Đông sẽ có giá tầm 1 - 2 triệu đồng/kg, nhưng loại cá đánh bắt tại bờ biển phía Bắc sẽ có giá khoảng 10 triệu đồng.
Nhưng đáng chú ý, sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại trong lĩnh vực thủy sản đã mở ra hướng đi mới trong kỹ thuật sản xuất và cách thức kinh doanh của các ngư dân Nhật Bản. Từ khâu đánh bắt cho tới chế biến thủy sản rất được coi trọng ở Nhật Bản và được ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng cá, đặc biệt là các loại cá đắt tiền.
Các doanh nghiệp tại Nhật Bản cũng đang tham gia tích cực vào lĩnh vực này. Các hộ nuôi cá hồi tại tỉnh Tottori đã sử dụng robot cho ăn tự động của công ty Nissui để cung cấp đủ lượng thức ăn để duy trì tốc độ tăng trưởng của cá nuôi ngay cả khi điều kiện thời tiết xấu. Những chú robot này cũng giúp ngăn ngừa lượng thức ăn thừa tạo ra chất thải và gây ô nhiễm môi trường biển.
Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong việc quản lý nuôi trồng thủy sản để phân tích điều kiện nước, thay đổi môi trường và tình trạng cá. Và không nơi nào những công nghệ công nghiệp đánh bắt mới nổi này quan trọng hơn ở Nhật Bản.
Nippon Steel và các đối tác đang thử nghiệm và triển khai một hệ thống chụp ảnh tự động dưới nước tự động bằng camera stereo. Sau đó, những hình ảnh sẽ được xử lý theo từng khung hình bằng hệ thống AI để có thể xác định kích thước và trọng lượng cá bằng cách phân tích các điểm đặc trưng, chẳng hạn như chóp mũi và kích thước cột sống của cá. Hệ thống này có thể tiết kiệm thời gian và giảm chi phí lao động cũng như cải thiện độ chính xác trong việc xác định chất lượng thủy sản.
Umitron, startup được thành lập bởi các kỹ sư Nhật Bản ngành phần mềm và công nghệ hàng không, chuyên phát triển IoT và phân tích dữ liệu vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã sử dụng kết hợp cảm biến dưới nước và phân tích dữ liệu để kiểm soát hoạt động của vật nuôi.
Đội ngũ xử lý số liệu dựa trên các thuật toán, từ đó khuyến nghị người nông dân thời điểm chính xác cần cho cá ăn, phân phối lượng thức ăn hợp lý. Giải pháp này giúp người nông dân giảm thiểu chi phí, tránh lãng phí và ngăn chặn những tác hại đến môi trường.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu tư nhân thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Yano, dự kiến thị trường nuôi trồng thủy sản của Nhật Bản sẽ đạt 20,3 tỷ yên vào năm 2021, tăng 53% so với năm 2016. Trong đó, thủy sản thông minh được hỗ trợ bởi AI sẽ chiếm 1,3 tỷ yên.
Có thể thấy, sự chuyên nghiệp cũng như nền tảng khoa học công nghệ phát triển đã góp phần mang lại những bước tiến đột phá trong ngành khai thác thủy sản tại Nhật Bản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm không chỉ trong nước mà còn tại các thị trường khó tính như Mỹ, EU...
Đây sẽ là một trong những kinh nghiệm để Việt Nam có thể phối hợp và học hỏi để phát triển ngành thuỷ sản trong nước để tiếp tục giữ vững lợi thế là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của đất nước.