Mỹ "gỡ mác" thao túng tiền tệ cho Trung Quốc
Càng gần ngày ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Mỹ và Trung Quốc càng "xuống thang" căng thẳng thương mại.
Theo đó, Mỹ đã chính thức bãi bỏ quyết định “gắn mác” thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc mà Washington áp đặt lên Bắc Kinh vào năm 2019, chỉ 2 ngày trước khi Tổng thống Mỹ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 theo kế hoạch với Trung Quốc.
Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ trình Quốc hội rằng, đồng Nhân dân tệ (NDT) đã mạnh lên và Bắc Kinh không còn bị coi là một quốc gia thao túng tiền tệ. Trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Trung Quốc đã đưa ra những cam kết có thể thực thi nhằm kiềm chế hành động phá giá mang tính cạnh tranh và không sử dụng tỷ giá hối đoái của họ vì những mục đích cạnh tranh; cũng như đảm bảo tính minh bạch trong các chính sách tiền tệ.
Có thể bạn quan tâm
Tránh bị “gắn mác” thao túng tiền tệ
11:00, 13/08/2019
Trung Quốc bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ, Việt Nam nên làm gì?
15:44, 06/08/2019
Nóng! Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách thao túng tiền tệ
14:15, 06/08/2019
Thoát bẫy thao túng tiền tệ
09:00, 03/06/2019
Sàn chứng khoán S&P 500 đã tăng lên mức cao kỷ lục sau khi báo cáo từ phía Bộ Tài chính được đưa ra. Trên sàn giao dịch Tokyo (Nhật Bản) sáng sớm 14/1, đồng USD đã tăng giá so với đồng yên lên mức 110 yên đổi 1 USD, mức cao nhất trong 8 tháng.
Là một phần của thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đồng ý tránh phá giá tiền tệ của họ để đạt được lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của họ. Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết vào tháng trước rằng, thỏa thuận sẽ bao gồm một chương về tiền tệ, bao gồm những chi tiết với các cam kết tiêu chuẩn cao để kiềm chế sự mất giá.
Hiệp định thương mại sắp tới cũng sẽ bao gồm một cơ chế thực thi góp phần đảm bảo rằng Trung Quốc không thể sử dụng các hoạt động tiền tệ của mình để tiến hành các hoạt động cạnh tranh thương mại không lành mạnh với các nhà xuất khẩu của Mỹ.
Tuy nhiên, quyết định này của chính quyền Mỹ đã khiến những Nghị sĩ Mỹ và các nhà lập pháp khác tức giận, khi họ cho rằng Tổng thống đã làm giảm uy tín của những báo cáo ngoại hối bằng cách đưa ra những quyết định không chắc chắn về việc quốc gia nào đã có hoạt động thao túng tiền tệ. Đồng thời, nhiều thành viên đảng Dân chủ cũng cáo buộc ông Trump đang sử dụng điều này để giành ưu thế về mặt chính trị.
Lí giải điều này, có thể thấy, việc cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ là lời hứa tranh cử của Tổng thống Trump. Nhưng trong 5 báo cáo đầu tiên của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Steven Mnuchin đã quyết định độc lập với tổng thống, từ chối gắn mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc.
Chỉ đến khi thương chiến gay gắt vào mùa hè năm ngoái, và Tổng thống Trump tiếp tục lấy việc Trung Quốc để đồng tệ rớt giá làm cớ để leo thang thương chiến, Bắc kinh mới được đưa vào danh sách thao túng tiền tệ. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, hành động xóa tên Trung Quốc khỏi danh sách này chỉ nhằm xoa dịu Bắc Kinh khi ngày ký kết đang đến gần.
Đồng thời, trước đây các chuyên gia nhận định, ngay từ ban đầu việc gắn mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc phần lớn là phục vụ việc gia tăng sức ép trong cuộc chiến thương mại. Với thặng dư tài khoản vãng lai nhỏ, can thiệp ít, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã được duy trì khá ổn định trong suốt năm ngoái.
Trong khi Trung Quốc có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, cán cân tổng gần ở mức cân bằng. Đồng nhân dân tệ cũng được kiểm soát trong phạm vi phù hợp với các yếu tố cơ bản về kinh tế và cung cầu thị trường Trung Quốc, không đủ yếu để gây ảnh hưởng đến các đối tác thương mại, cho thấy cáo buộc thao túng tiền tệ là thiếu cơ sở.
Mặc dù vậy, giới đầu tư vẫn cho rằng, đây là tín hiệu lạc quan để chờ đón sự hồi phục của nền kinh tế thế giới khi thỏa thuận thương mại giai đoạn một sắp được ký kết. Việc thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ rất quan trọng đối với việc xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia, tạo cơ sở cho thành công của các cuộc đàm phán giai đoạn 2.
Hiện tại, sau quá trình dịch thuật, hững cam kết của Trung Quốc trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ không thay đổi. Dự kiến, Tổng thống Trump và đặc phái viên thương mại hàng đầu Trung Quốc, ông Lưu Hạc sẽ ký thỏa thuận giai đoạn một vào khoảng 11 giờ 30 trưa 14/1 (theo giờ bờ Đông nước Mỹ) tại Nhà Trắng.