"Rộng cửa” vào Hoa Kỳ

Quốc Anh 28/01/2020 04:00

Tính tới xuân Canh Tý tròn 25 năm Việt - Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao (1995 – 2020). Thị trường Hoa Kỳ từ con số 0 đã trở thành thị trường lớn nhất đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Mặc dù vậy, thành tích này chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của 2 nước trong lĩnh vực trao đổi thương mại.

Lễ kỷ niệm tròn 25 năm Việt - Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao (1995- 2020).

Dấu mốc không thể quên…

Ngày đầu năm, bên ấm trà, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, Chủ tịch Tổng công ty may Hưng Yên đã có những phút trải lòng nhớ lại những ngày đầu ông và các đồng nghiệp của May Hưng Yên tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.

Ông Dương nhớ lại, năm 1995 khi Mỹ - Việt thiết lập quan hệ ngoại giao, ông là Phó Tổng giám đốc Công ty may Hưng Yên. Lúc đó, may Hưng Yên chủ yếu phục vụ nội địa, một phần xuất khẩu sang các thị trường Tây Âu và Nhật Bản. Dù khi đó Hoa Kỳ là thị trường vô cùng tiềm năng, song vẫn chưa thể tiếp cận bởi không có nhiều thông tin, cũng như rất khó để kết nối. Sau này, được một đối tác Đài Loan giới thiệu, thông qua các thông tin từ các Bộ, ngành, VCCI… về thị trường Hoa Kỳ, may Hưng Yên đã chính thức đặt chân lên thị trường Hoa Kỳ.

Khi đó, cùng với một số doanh nghiệp may phía Nam, May Hưng Yên là một trong những doanh nghiệp dệt may phía Bắc đầu tiên tiếp cận thị trường Hoa Kỳ. Với sản phẩm chủ lực là áo jacket được thị trường Hoa Kỳ đón nhận, kim ngạch xuất khẩu của may Hưng Yên đã tăng trưởng “chóng mặt”. Đặc biệt, kể từ sau khi Hiệp định thương mại BTA được ký kết, từ chỗ là con số 0, chỉ trong vài năm Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu chính của may Hưng Yên từ đó cho đến tận bây giờ.

Chưa tương xứng tiềm năng

Thương mại Việt- Mỹ sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và dỡ bỏ cấm vận, thấy rõ một bức tranh tươi sáng và đầy triển vọng. Từ con số 450 triệu USD vào năm 1994 đến nay đã là hơn 70 tỷ USD năm 2019. Hoa Kỳ luôn giữ vững vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn thứ 11 tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 9,33 tỷ USD với sự hiện diện của các tập đoàn lớn như GE, CocaCola, Microsoft, Nike, AES, Intel… góp phần tạo dựng cho Việt Nam có một chỗ đứng ngày càng vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dệt may là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ.

Dệt may là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, thương mại Việt- Mỹ vẫn còn rất nhiều dư địa mà các doanh nghiệp Việt chưa tận dụng được. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay vào Hoa Kỳ vẫn là các mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử… Trong khi đó, các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao hay các sản phẩm tiêu dùng cao cấp, liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người còn chiếm tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường đặc biệt khó tính này.

Nhiều hàng hóa Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt để vào thị trường Hoa Kỳ, khiến cho việc tận dụng cơ hội từ chiến tranh thương mại của Việt Nam càng khó khăn hơn.

Đặc biệt, kể từ giữa năm 2018 đến nay, cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung bùng nổ, trong đó Hoa Kỳ đang áp thuế cao lên nhiều dòng hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn chưa tận dụng được cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Thậm chí, thông qua thị trường Việt, nhiều hàng hoá Trung Quốc còn “đội lốt” hàng Việt để vào thị trường Hoa Kỳ, khiến quốc gia này áp thuế chống bán phá giá với thép và đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia theo dõi thao túng tiền tệ. Điều này khiến việc tận dụng cơ hội từ chiến tranh thương mại của Việt Nam càng khó khăn hơn.

Trên thực tế, đối với thị trường Hoa Kỳ, các quốc gia dễ bị kiện chống bán phá giá nhất. Đây cũng là thách thức lớn của doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam do hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ đặt ra rất nhiều quy định chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu. Ngoài luật liên bang, mỗi tiểu bang của Hoa Kỳ lại có những quy định, luật định khác nhau. Trong khi đó, xu hướng bảo hộ thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn mới, phức tạp về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông - lâm - thủy sản cũng ngày càng được Hoa Kỳ tăng cường áp dụng, khiến hàng hoá Việt ngày càng khó khăn khi vào thị trường này.

Quốc Anh