Bị ráo riết cấm vận - vì sao Huawei vẫn mạnh mẽ?
Nhiều chính phủ châu Á đang có quan điểm thực dụng tương tự khi cố gắng cân bằng giữa những lo ngại bảo mật thực sự với nhu cầu đầu tư sử dụng thiết bị Huawei vốn được coi là rẻ và hiệu quả.
Là một thành viên của liên minh chia sẻ tình báo Five Eyes, nước Anh đã sớm ủng hộ các lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei. Tuy nhiên, mọi chuyện đang dần thay đổi khi đương kim thủ tướng Boris Johnson vừa qua đã bật đèn xanh cho Huawei để tham gia xây dựng hạ tầng mạng 5G tại đảo quốc này.
Quyết định này, là một ví dụ rõ ràng cho thấy những rạn nứt trong ngoại giao giữa Anh và Mỹ khi Anh đã cố tình phớt lờ những cảnh báo nghiêm trọng của Washington về rủi ro gián điệp từ các thiết bị của Huawei.
Điểm đáng lưu ý là có vẻ như Anh không phải quốc gia duy nhất mở cửa đối với Huawei. Rõ ràng rằng hầu hết các thị trường viễn thông lớn sẽ cho phép sử dụng một số linh kiện của Huawei khi họ xây dựng mạng 5G. Câu hỏi đặt ra ở đây chỉ là quy trình này sẽ được quản lý như thế nào đối với một lĩnh vực mà nhiều quốc gia châu Á đang tụt lại phía sau so với các đối tác châu Âu?
Các cuộc tranh luận gần đây xung quanh việc sử dụng Huawei cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong thế giới quan giữa các bên.
Ông Matt Pottinger, một quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ chịu trách nhiệm về Trung Quốc đã dẫn đầu một phái đoàn tới London vào giữa tháng 1, mang theo một hồ sơ chi tiết về lỗ hổng an ninh của Huawei, nhằm tiếp tục thuyết phục Anh quay lưng với hãng viễn thông Trung Quốc này.
Thậm chí, ông Pottinger còn đe doạ, trong trường hợp hai bên không tìm được tiếng nói chung thì phía Mỹ sẽ đơn phương xem xét lại hoạt động hợp tác tình báo giữa hai quốc gia.
Có thể bạn quan tâm
Đối tác Apple làm bản đồ cho Huawei
14:00, 21/01/2020
Huawei: Ưu tiên hàng đầu là sự tồn tại
16:00, 02/01/2020
Huawei lập liên minh thách thức sự thống trị của Google
11:00, 31/12/2019
Giải thích về lý do bật đèn xanh cho Huawei, cơ sở an ninh của Anh đã khẳng định rằng quốc gia này đã loại bỏ được các mối đe dọa theo như lời cảnh báo của Mỹ.
Theo phía Anh, công nghệ 5G vừa cực nhanh vừa cực kỳ phức tạp, đòi hỏi phải cập nhật phần mềm thường xuyên để vận hành, do đó các chuyên gia của quốc gia này sẽ sớm củng cố mọi thứ từ robot công nghiệp đến điện toán đám mây của công ty công nghệ.
Các chuyên gia của Anh sẽ tạo ra sự khác biệt trong hệ thống lõi mạng, sẽ không có Huawei trong bộ phận trung tâm này, các hộp vật lý sẽ không được cài đặt trên các tháp viễn thông tại Anh. Trong quyết định vào ngày 28 tháng 1, chính quyền của Thủ tướng Johnson đánh giá, thị phần tiềm năng của Huawei sẽ chỉ ở mức 35%.
Trong bối cảnh đó, nhiều chính phủ châu Á đang có quan điểm thực dụng tương tự khi cố gắng cân bằng giữa những lo ngại bảo mật thực sự với nhu cầu đầu tư sử dụng thiết bị Huawei vốn được coi là rẻ và hiệu quả.
Cụ thể, Ấn Độ đã xác nhận vào tháng 12 năm 2019 rằng quốc gia này sẽ cho phép Huawei tham gia thử nghiệm 5G. Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng đã có các động thái tương tự. Ngay cả các quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ như Singapore hay Hàn Quốc, cũng có vẻ sẽ cho phép việc hợp tác với Huawei dưới một số hình thức.
Ở thời điểm hiện tại, các cuộc thảo luận công khai về vai trò của Huawei đối với việc phát triển mạng viễn thông 5G trên thế giới vẫn chưa ngã ngũ. Quan điểm “Chiến binh Lạnh” được ông Pottinger và các quan chức Mỹ khác theo đuổi, cho rằng có rất ít khả năng có thể quản lý được các rủi ro bảo mật của 5G, do vai trò của Huawei trong hệ thống.
Quan điểm tiếp theo mang tính chất tự mãn hơn thì lập luận rằng vì các điệp viên Mỹ đã có thể truy cập vào nhiều thông tin liên lạc nhạy cảm của thế giới, nên sẽ không có vấn đề gì nếu Trung Quốc có thể sớm triển khai điều tương tự!
Trên thực tế, nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới cho rằng thay vì cứ tranh cãi như vậy thì một cuộc thảo luận nhiều sắc thái sẽ là thiết thực hơn. Và có một thực tế không thể phủ nhận là các mạng 5G an toàn đòi hỏi một loạt các chính sách phức tạp mà hầu hết các nền kinh tế châu Á chưa bắt đầu thực hiện.
Về phía mình, Huawei nhấn mạnh rằng công ty này không liên quan đến hoạt động gián điệp của Bắc Kinh. Huawei cũng khẳng định rằng hãng sẽ từ chối hợp tác với các yêu cầu của Trung Quốc trong tương lai với việc cung cấp quyền truy cập thông tin liên lạc. Mặc dù theo quy định thì tất cả các công ty tại Trung Quốc bắt buộc phải tuân thủ theo Luật Tình báo Quốc gia 2017 của Trung Quốc.
Tuy nhiên có một điểm đáng chú ý rằng Huawei không phải là nhà cung cấp thiết bị viễn thông duy nhất tại Trung Quốc. Nhưng Huawei rơi vào những cáo buộc của Washington do đây là công ty lớn nhất tại Trung Quốc, cùng những nghi vấn về “hoạt động sân sau” của quân đội Bắc Kinh.
Trên thực tế thì việc đối phó với các mối đe dọa an ninh là một phần trong các vấn đề được đặt ra khi lựa chọn nhà cung cấp thiết bị.
Các quốc gia như Anh và Đức, vốn có các cơ quan an ninh với nguồn lực tốt, cùng khả năng kỹ thuật để đánh giá các nhà cung cấp thiết bị viễn thông, đồng thời có khả năng giám sát sự thay đổi trong tương lai giữa các mạng lõi và mạng không lõi.
Các quốc gia khác tại châu Á cũng cần bắt đầu xây dựng các năng lực tương tự như vậy, nếu muốn đảm bảo an ninh quốc gia của mình.
Trong cái rủi lại luôn có cái may. Trụ sở truyền thông chính phủ của Mỹ đã thành lập một Trung tâm đánh giá an ninh mạng Huawei, với các chuyên gia chuyên nghiên cứu về hãng viễn thông này cùng các công nghệ của họ.
Để đối phó với hoạt động của Trung tâm này, Huawei đã và đang chi hàng tỷ USD để sửa các lỗi trong mã của mình. Việc thực hiện các đánh giá tương tự sẽ giúp các quốc gia châu Á cải thiện an ninh mạng của họ.
Cuối cùng, các quốc gia muốn giữ an toàn dữ liệu của mình và người dân khỏi hoạt động tình báo của nước ngoài nên hỗ trợ sử dụng mã hóa đầu cuối, ví dụ bằng cách khuyến khích việc mã hoá này trong các dịch vụ nhắn tin phổ biến.
Mặc dù vậy, điều này có nghĩa là xem xét lại định hướng của các chính sách trong khu vực, nơi các chính phủ chủ yếu thúc đẩy các công ty công nghệ như WhatsApp xây dựng cửa sau cho các dịch vụ được mã hóa, thay vì khuyến khích sử dụng mã hóa rộng hơn.
Quyết định của Anh chỉ đơn thuần xác nhận những đồn đoán, nghi ngờ trong nhiều tháng qua. Rõ ràng, dù muốn hay không thì Huawei vẫn sẽ đóng một phần quan trọng trong hầu hết các mạng 5G trong tương lai của thế giới.
Những nỗ lực của Mỹ để ngăn chặn điều này phần lớn đã thất bại. Nhưng nếu cuộc chiến ngăn chặn Huawei khỏi 5G đã thất bại, thì cuộc chiến để quản lý những rủi ro mà sự thống trị của Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng 5G mang lại chỉ mới bắt đầu.