Tia hy vọng mới trong cuộc chiến chống COVID-19

Cẩm Anh 18/03/2020 03:00

Nhiều kết quả tích cực đang mang lại động lực cho các quốc gia tiếp tục thúc đẩy việc nghiên cứu và điều chế vắc-xin cũng như kháng thể chống dịch COVID-19.

Nhiều loại vắc xin chống COVID-19 đang được thử nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới

Nhiều loại vắc xin chống COVID-19 đang được thử nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới đang cho những kết quả tích cực

Gần đây, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện một số con khỉ nhiễm virus SARS-CoV-2 đã phát triển khả năng miễn dịch hiệu quả. Sau khi xét nghiệm cho kết quả âm tính và X-quang cho thấy các cơ quan nội tạng của chúng đã hồi phục hoàn toàn. 

Thậm chí, sau khi cho nhiễm lại virus SARS- CoV-2, thân nhiệt của chúng chỉ tăng nhẹ, mọi thứ khác bình thường. Hai tuần sau, các nhà khoa học không tìm thấy dấu hiệu virus trong cơ thể chúng, nhưng mức kháng thể khá cao, cho thấy hệ miễn dịch đã sẵn sàng. 

Có thể bạn quan tâm

  • [COVID-19] Kinh tế thế giới đang về đâu?

    [COVID-19] Kinh tế thế giới đang về đâu?

    12:46, 17/03/2020

  • Thông điệp của Đại sứ Anh gửi Việt Nam về dịch COVID-19

    Thông điệp của Đại sứ Anh gửi Việt Nam về dịch COVID-19

    10:24, 17/03/2020

  • [COVID-19] Mỹ sản xuất thành công lô vắc xin đầu tiên

    [COVID-19] Mỹ sản xuất thành công lô vắc xin đầu tiên

    15:03, 27/02/2020

  • Thử nghiệm vắc-xin chống COVID-19: Mỹ giải cứu thế giới?

    Thử nghiệm vắc-xin chống COVID-19: Mỹ giải cứu thế giới?

    18:30, 16/03/2020

Theo Giáo sư Qin Chuan, đại diện nhóm nghiên cứu nhận định, qua theo dõi thí nghiệm cho thấy, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá sự phát triển của vắc-xin.

Đồng thời, cơ thể các bệnh nhân đã hồi phục có mức kháng thể cao, và khó bị lây nhiễm trở lại. Việc một số người bệnh dương tính trở lại sau khi âm tính có thể do các nguyên nhân khác, chẳng hạn sai sót khiến xét nghiệm ban đầu cho kết quả âm tính chứ chưa hẳn là do bệnh nhân nhiễm bệnh lại.

Bên cạnh những kết quả đáng tích cực từ Trung Quốc, Viện nghiên cứu công nghệ sinh học Flemish (VIB) của Bỉ cũng vừa công bố đã phát hiện một loại kháng thể có khả năng vô hiệu hóa virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Các kết quả mới đây chỉ ra rằng kháng thể có khả năng ngăn virus chủng mới này xâm nhập tế bào con người. Ngoài ra, kháng thể này cũng có thể được sản xuất trên quy mô lớn bằng cách sử dụng các quy trình sản xuất phổ biến trong ngành công nghiệp dược phẩm sinh học.

Một trong những quốc gia tích cực trong việc tìm kiếm vắc xin là Mỹ cũng đang có nhiều nghiên cứu đáng chú ý. Để đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này, các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện nhi Boston đang ở tuyến đầu phát triển một loại vắc-xin đặc biệt dành cho những người cao tuổi, những người có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 cao nhất.

Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để xác nhận hiệu quả thực sự của các loại virus cũng như các kháng thể này. Nhưng nếu các thí nghiệm sắp tới tiếp tục cho kết quả khả quan hơn, kháng thể sẽ có tác dụng bảo vệ nhanh hơn so với vắc-xin và bệnh nhân không cần phải tự sản xuất kháng thể. Nhân viên y tế hoặc những người có nguy cơ tiếp xúc với virus cũng có thể được hưởng lợi từ sự bảo vệ nhanh chóng.

Có thể thấy, các nhà khoa học trên thế giới đang nỗ lực đẩy nhanh quy trình thử nghiệm cũng như tiến hành hợp tác quốc tế để tìm ra loại vắc xin cũng như kháng thể hiệu quả chống COVID-19.

Tuy nhiên việc phát triển, thử nghiệm và nghiên cứu bất kỳ loại vắc-xin tiềm năng cũng là một nỗ lực lâu dài, phức tạp và tốn kém có thể mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Trước khi các nhà nghiên cứu có thể bắt đầu thử nghiệm trên người, họ phải có hiểu biết vững chắc về mầm bệnh, chạy thử nghiệm an toàn và tìm đủ số lượng tình nguyện viên cần thiết.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra một số loại vắc-xin luôn ẩn chứa tác dụng ngược bởi không hoàn toàn tương thích với cơ thể của tất cả mọi người. Khi đó thay vì giúp hạn chế mắc bệnh, vắc-xin lại tạo điều kiện cho cơ thể dễ nhiễm bệnh ở mức độ nghiêm trọng hơn.

Hiện cơ chế đảo ngược này hiện vẫn chưa được hiểu biết cặn kẽ. Nếu tỉ lệ phản tác dụng trong cộng đồng đáng kể, các loại vắc-xin mới điều chế này sẽ vô tình mang theo hiểm họa.

Đặc biêt, như Ofer Levy, giáo sư nhi khoa tại Đại học Y Harvard phân tích, với các trường hợp bệnh nhân cao tuổi có hệ thống miễn dịch khác với các bệnh nhân ở độ tuổi trẻ hơn, vì vậy cần thử nghiệm nhiều loại vắc-xin khác nhau, cũng như có loại vắc xin chuyên biệt với những người cao tuổi để giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19. 

Do đó, tính đến thời điểm hiện tại, các loại vắc-xin đều đang được thử nghiệm ở giai đoạn 1, nghĩa là mục đích chính nhằm cung cấp thông tin về cách vắc-xin tương tác với cơ thể người bình thường. Đồng thời, ngoài việc theo dõi các tác dụng phụ, các nhà nghiên cứu sẽ kiểm tra xem vắc-xin có kích hoạt phản ứng miễn dịch hay không bằng cách phân tích máu của tình nguyện viên để tìm kháng thể.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong quá trình nghiên cứu vắc-xin, các quốc gia có thể thúc đẩy tìm kiếm và sản xuất các phương pháp hoặc một số chất, thuốc bổ trợ để tăng cường phản ứng miễn dịch mạnh hơn, lâu dài hơn, rộng hơn, đặc biệt là trong số những người có khả năng miễn dịch yếu như nhóm người cao tuổi.

Cẩm Anh