Hàng không toàn cầu mùa COVID-19: Mỏi mắt tìm chỗ đỗ máy bay
Không chỉ chịu thiệt hại do vắng khách do đại dịch, giờ đây các hãng hàng không lại thêm mối bận tâm mới vì khan hiếm điểm đỗ máy bay.
Theo số liệu của Cirium, số máy bay nằm không trên thế giới đã tăng gấp đôi, lên hơn 5.000 chiếc kể từ đầu năm nay. Con số này sẽ còn tăng mạnh trong vài tuần tới, khi các hãng như Qantas Airways và Singapore Airlines cắt giảm thêm lịch trình bay.
Tại Frankfurt (Đức), sân bay lớn nhất nước này đang trở thành nơi chứa máy bay bỏ không. Nhiều đường băng, đường lăn đã được chuyển đổi thành bãi đỗ cho Lufthansa, Condor và nhiều hãng khác. Swiss – hãng bay thuộc Lufthansa thì đã thuê chỗ đỗ tại một sân bay quân sự gần Zurich.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường phủ mây đen, hàng không Việt "điêu đứng" (Bài 1)
05:36, 24/03/2020
[QUỐC TẾ TUẦN QUA] Hàng không "gãy cánh", ô tô "xịt lốp", thương mại số thăng hoa
09:30, 22/03/2020
Hãng hàng không Việt "nghiêng ngả" vì 20 loại phí
05:21, 20/03/2020
Hàng không toàn cầu “thở ô-xy” chờ cứu trợ
07:00, 18/03/2020
Theo số liệu từ FlightRadar24, các sân bay lớn khác trên thế giới cũng có tình cảnh đông đúc tương tự, từ Seoul, Berlin và Vienna đến những nơi trước đây khá vắng vẻ như Victorville, California, Marana, Arizona. Thậm chí, các đường băng, đường lăn... tại các sân bay lớn đang được chuyển đổi thành bãi đỗ khổng lồ cho hơn 2.500 máy bay.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các sân bay nhỏ như Avalon ở Tây Melbourne, Australia, cũng đã nhận được những lời đề nghị chuẩn bị bãi đỗ cho máy bay của các hãng như Qantas. Hãng hàng không này cũng sẽ cử 30 kỹ sư tới Avalon để hỗ trợ bảo trì các máy bay để có thể nhanh chóng trở lại phục vụ khi nhu cầu tăng trở lại. Khoảng 100 máy bay của Qantas đang đỗ tại nhiều sân bay lớn trên toàn Australia.
Có thể thấy, việc các hãng hàng không lớn ngừng hoạt động do nhu cầu đi lại hạn chế đã làm gia tăng nhu cầu này. Các hãng hàng không của Mỹ đã công bố kế hoạch cắt giảm 30% các chuyến bay nội địa và 75% các chuyến bay quốc tế. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 thúc đẩy các hãng ngưng đưa vào sử dụng những chiếc máy bay cũ hơn, kém hiệu quả hơn cũng làm các địa điểm đỗ máy bay trở nên chật chội và khan hiếm hơn.
Mức phí trung bình cho việc đỗ máy bay tại sân đỗ thường được các doanh nghiệp cho thuê phân loại theo trọng lượng của máy bay. Chi phí khoảng 56 USD/tháng đối với máy bay nặng từ 5 đến 11 tấn, 300 USD/tháng cho máy bay nặng từ 45 đến 90 tấn. Tuy nhiên, mức giá này có thể chưa bao gồm các dịch vụ gia tăng.
Mặc dù trên thực tế, đây là một cơ hội kinh doanh có lời khi nhu cầu đang tăng cao và nhiều địa điểm cho thuê nơi đỗ vẫn còn có thể khai thác thêm nhiều điểm đỗ mới, nhưng một số nơi như sân bay tại Melbourne và Brisbane cho biết sẽ chỉ tính mức giá cơ bản hoặc miễn phí đỗ máy bay để hỗ trợ cho các hãng hàng không trong mùa dịch.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là không ai biết dịch COVID-19 sẽ kéo dài bao lâu. Do đó, bên cạnh việc được giảm chi phí đỗ sân bay, các hãng hàng không vẫn phải mất một khoản tương đối lớn là chi phí cho các dịch vụ để giữ cho máy bay sẵn sàng trở lại hoạt động.
Do đó, Pinal County Airpark, một đơn vị quản lý sân bay ở Catalina Foothills, bang Arizona, chuyên cung cấp dịch vụ lưu trữ và bảo dưỡng máy bay, cho biết chi phí tùy thuộc vào các hãng muốn bảo quản máy bay của họ ở mức độ nào.
Điều này liên quan đến việc xả hết chất lỏng, che phủ cửa hút không khí và ống xả của động cơ, che chắn các dụng cụ bên ngoài như ống pitot, che cửa sổ, lốp máy bay, cùng một số công việc khác dành riêng cho từng loại máy bay. Đặc biệt là những loại máy bay hiện đại ngày nay của Airbus hay Boeing cần phải kiểm tra hệ điều hành và thử nghiệm mỗi ngày.
Nếu việc bùng phát COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại trong vài tháng, các hãng bay có thể lên kế hoạch tận dụng và khai thác dịch vụ vận chuyển hàng hóa hoặc thực hiện các chuyến bay nội địa để hạn chế số lượng máy bay phải lưu lại trong nhiều tháng, chi phí sẽ không tăng lên quá cao. Nhưng nếu nhu cầu đi lại dự kiến sẽ gia tăng trong vòng vài tuần, các hãng hàng không sẽ phải chịu một khoản phí cao hơn.
Cho đến thời điểm hiện tại, COVID-19 đã giáng một đòn mạnh vào kinh tế của mọi người dân trên khắp thế giới, đồng nghĩa với việc nhu cầu bay của người dân có thể mất nhiều thời gian để trở lại hoạt động vận chuyển như trước đại dịch.