Thêm một loại thuốc chống sốt rét có thể trị COVID-19

Cẩm Anh 29/03/2020 16:30

Truyền thông Nga loan tin, các nhà khoa học nước này đã công bố nghiên cứu về một loại thuốc có thể điều trị COVID-19.

Các nhà khoa học Nga tuyên bố

Các nhà khoa học Nga đã đưa ra phác đồ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 dựa trên thuốc chống sốt rét Mefloquine 

Cụ thể, Trung tâm nghiên cứu và sản xuất Pharmzashchita đã đưa ra phác đồ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 dựa trên thuốc chống sốt rét Mefloquine sau khi có tham khảo kinh nghiệm của các nước Trung Quốc và Pháp.

Theo các chuyên gia y tế của Nga, thuốc có tính chọn lọc cao, ngăn chặn tác dụng tế bào chất của virus trong nuôi cấy tế bào và ức chế sự nhân lên của nó. Ức chế miễn dịch của thuốc Mefloquine ngăn chặn sự kích hoạt phản ứng viêm do virus gây ra.

Việc bổ sung kháng sinh macrolide và penicillin tổng hợp không chỉ ngăn ngừa sự hình thành của hội chứng vi khuẩn thứ cấp mà còn cho phép tăng nồng độ của các chất chống virus trong huyết tương và phổi.

Có thể bạn quan tâm

  • {COVID-19} TP. HCM tiếp tục cho học sinh nghỉ học để phòng chống COVID-19

    {COVID-19} TP. HCM tiếp tục cho học sinh nghỉ học để phòng chống COVID-19

    14:53, 29/03/2020

  • Hà Nội đề xuất được công bố ca dương tính với COVID-19

    Hà Nội đề xuất được công bố ca dương tính với COVID-19

    13:51, 29/03/2020

  • COVID-19: Trách nhiệm và tình người là “liều thuốc” diệt dịch bệnh!

    COVID-19: Trách nhiệm và tình người là “liều thuốc” diệt dịch bệnh!

    11:00, 29/03/2020

  • [COVID-19]

    [COVID-19] "Cháy" thuốc chữa sốt rét và câu chuyện “bác sĩ mạng”

    05:30, 24/03/2020

Nếu được đưa vào sử dụng, phác đồ điều trị này sẽ giúp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân mắc COVID-19 với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Đặc biệt, phần chẩn đoán COVID-19 trong phòng thí nghiệm đã được cập nhật và chế độ điều trị bằng thuốc được mở rộng. Theo đó, các bác sĩ đã sử dụng một số loại thuốc dùng để điều trị SARS và được khuyến cáo sử dụng kết hợp trong điều trị SARS-CoV-2. 

Ngoài ra, một kế hoạch hiệu quả và an toàn để phòng ngừa virus SARS-CoV-2 đang được phát triển dựa trên cơ sở Mefloquine và đang được đề xuất đưa vào các khuyến nghị của Bộ Y tế để áp dụng tại Nga.

Trước đó, các nhà khoa học Pháp cũng đã có báo cáo về kết quả thành công của nghiên cứu lâm sàng sau khi kết hợp hai loại thuốc hiện có bao gồm hydroxychloroquine (một loại thuốc để điều trị sốt rét) và azithromycin (để điều trị một loạt các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn) để chữa bệnh do nhiễm SARS-CoV-2.

Các nghiên cứu lâm sàng đầu tiên về hiệu quả của việc sử dụng hydroxychloroquine riêng biệt và dưới dạng kết hợp với kháng sinh azithromycin để điều trị COVID-19 tại cơ sở của Bệnh viện truyền nhiễm Méditerranée Infection của Bệnh viện Đại học Marseille trên các bệnh nhân trưởng thành tại Pháp đều cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Có thể thấy, các kết quả thử nghiệm trên đã mang lại những tín hiệu tích cực và làm cơ sở để các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới nghiên cứu thuốc chống COVID-19. Như hai chuyên gia Jeff Colyer và Daniel Hinthorn của Mỹ nhận định, các liệu pháp chữa trị COVID-19 với một số loại thuốc chống sốt rét đang tạo ra sự khác biệt so với một số loại thuốc khác từng được thử nghiệm và có thể được sử dụng để điều trị tuyến đầu.

Tuy nhiên, một số các y bác sĩ và nhà chuyên môn vẫn thận trọng. Các thử nghiệm của Nga và Pháp đều là những nghiên cứu được tiền hành trên quy mô nhỏ. Đáng chú ý, với thuốc hydroxychloroquine cũng không phải là loại thuốc lành tính khi có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng như giảm thị lực, giảm lượng đường trong máu và các vấn đề về tim khác nếu không được thực hiện đúng cách.

Thậm chí, hydroxychloroquine, chloroquine và cả mefloquine có thể gây ra tác dụng phụ về tâm thần ngay chỉ sau một liều. Trong khi một số bệnh nhân cảm thấy lo lắng nhẹ, mất ngủ và ác mộng, những người khác có các triệu chứng nghiêm trọng như thay đổi tính cách, hoang tưởng, ảo giác và thậm chí là tự tử.

Tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ, và không có gì là không có rủi ro. Đây là lý do tại sao để xác nhận tác dụng của thuốc vẫn cần phải tiến hành các thử nghiệm lâm sàng chất lượng cao và có quy mô lớn hơn đủ lâu dài để đảm bảo có đầy đủ các dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của các loại thuốc trước khi kê đơn.

Chính vì vậy, tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 27/3 cảnh báo chính quyền các nước không nên cho phép điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 bằng những loại thuốc chưa được khoa học chứng minh có hiệu quả đối với bệnh này để tránh những trường hợp cho thấy thuốc có tác dụng trên nghiên cứu hoặc trong ống thử nghiệm, nhưng không có tác dụng ở người hoặc thực tế gây tổn hại đến người bệnh.

Cho đến thời điểm hiện tại, người già và những bệnh nhân có bệnh lý nền mãn tính là những người dễ bị tổn thương nhất với COVID-19. Vì vậy, sẽ mất vài tháng hoặc vài năm để xác định chính xác xem một loại thuốc hoặc vắc-xin mới có an toàn và hiệu quả ngay cả với nhóm dễ tổn thương nhất hay không.

Ngay cả khi đối mặt với đại dịch, việc bám sát các phương pháp dựa trên bằng chứng là điều cần thiết. Không nên có đường tắt.

Cẩm Anh