Cả thế giới cùng chạy đua sản xuất máy thở
Do dịch COVID-19 đang diễn biến bất thường và ngày càng lan rộng, các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã tham gia cuộc đua sản xuất máy thở.
Flex, nhà sản xuất hợp đồng chuyên làm máy tính Apple đang bắt đầu lắp ráp hàng nghìn máy thở nhằm đáp ứng nhu cầu tăng mạnh trong đại dịch COVID-19. Dự kiến, doanh nghiệp này sẽ cho ra đời từ 25.000 - 30.000 máy thở một tháng trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 6/2020. Mức sản lượng này tương đương với sản lượng đầu ra hàng năm của cả ngành công nghiệp Mỹ.
Trước đó, nhiều công ty khác gồm cả các hãng xe hơi lớn của Mỹ như Ford đã tham gia vào cuộc đua này. Thậm chí, cuộc đua này cũng kéo theo nhiều doanh nghiệp hàng đầu thuộc lĩnh vực hàng không, kỹ thuật như nhóm các công ty Airbus, BAE Systems, và 7 đội đua xe Công thức 1 đã hợp tác để đẩy nhanh tiến độ sản xuất một loại máy thở hiện có của Hãng Smiths Group là mẫu máy Smiths Medical paraPAC plus.
Có thể bạn quan tâm
[COVID-19] Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy thở trong nước
21:29, 03/04/2020
VinGroup bắt tay vào sản xuất máy thở và máy đo thân nhiệt
16:41, 03/04/2020
Máy thở trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19
11:00, 02/04/2020
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Trường Đại học Văn Lang tài trợ 2.000 máy thở từ Nhật Bản
16:09, 01/04/2020
Máy thở là gì và vì sao nó rất quan trọng trong cuộc chiến Covid-19?
16:19, 30/03/2020
Bên cạnh đó, nhiều nhóm nghiên cứu như Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) đã phát triển một loại máy thở trị giá 100 USD, rẻ hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất trung bình khoảng 30.000 USD của hầu hết các loại máy thở hiện nay.
Thiết kế sáng tạo của chiếc máy giá rẻ này dựa vào bóng Ambu, một loại bóng thở bóp tay được sử dụng để bơm khí nhân tạo vào phổi bệnh nhân nhằm giúp người bệnh có thể hít thở.
Tại Đông Nam Á, cuộc đua này cũng đang thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp. Trong đó tại Việt Nam, Vingroup đã công bố quyết định triển khai việc sản xuất máy thở các loại (xâm nhập và không xâm nhập) và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp này đã ký kết hợp đồng với hãng Medtronic của Mỹ để được sử dụng thiết kế của họ cho Máy thở Xâm nhập nhãn hiệu PB560.
Đồng thời, Vingroup cũng đã bắt tay vào nghiên cứu máy thở không xâm nhập dựa theo thiết kế do Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng. Dự kiến công suất của các nhà máy VinFast, VinSmart có thể sản xuất tới 45.000 máy thở không xâm nhập và 10.000 máy thở xâm nhập mỗi tháng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, 1/6 số người bệnh COVID-19 sẽ chuyển bệnh nặng hơn, tới giai đoạn khó thở và có thể phải dùng tới máy thở để hỗ trợ hô hấp, duy trì sự sống. Đặc biệt, nhiều chuyên gia cảnh báo, việc có rất nhiều bệnh nhân trẻ, không có bệnh lý nền nhiễm COVID-19 sẽ càng làm tăng nỗi lo về việc thiếu hụt máy thở trên toàn cầu.
Do đó, việc kết hợp giữa các nhà sản xuất máy thở với các nhà sản xuất ô tô, các công ty hàng không vũ trụ và các công ty khác đang mang lại hy vọng sẽ làm tăng sản lượng máy thở nhanh nhất có thể trên toàn cầu. Với ưu điểm số lượng nhà máy nằm rải rác trên toàn cầu cùng kinh nghiệm sản xuất linh kiện của các doanh nghiệp đa quốc gia sẽ góp phần giải quyết bài toán máy thở cho các nước đang bắt đầu rơi vào tình trạng thiếu thiết bị y tế trầm trọng.
Tuy nhiên, khó khăn và nguy hiểm vẫn đang nằm ở phía trước. Việc sản xuất máy thở trên thực tế không hề đơn giản. Một vài linh kiện của máy thở vốn thường được làm bởi những công ty nhỏ, chuyên biệt nên khả năng tăng sản lượng nhanh chóng với một nhà sản xuất không chuyên là rất khó khăn.
Bên cạnh đó, rất nhiều nhóm nghiên cứu đang đẩy mạnh việc sản xuất máy thở dã chiến với thiết kế đơn giản, nhưng điều này làm nhiều chuyên gia phải đưa ra cảnh báo các quốc gia bắt buộc phải cân nhắc trước khi cấp phép và sử dụng các loại máy này vào việc chữa bệnh. Theo nhóm nghiên cứu Viện Công nghệ Massachusetts, máy thở dã chiến không phải là loại sản phẩm dễ chế tạo mà chỉ dành cho các kỹ sư y khoa có kinh nghiệm để giúp mở rộng sản xuất.
Do bản chất kỹ thuật của máy, việc sử dụng các loại máy thở dã chiến cần phải có đội ngũ y bác sĩ có kĩ năng để điều chỉnh không khí và áp suất cho bệnh nhân cho phù hợp với nhu cầu của người bệnh. Ngoài ra, chiếc máy phải có khả năng hoạt động liên tục vì bất kỳ sự cố nào cũng có thể gây chết người.
Đặc biệt, máy thở cũng có thể làm những việc khác, chẳng hạn như giúp bệnh nhân bắt đầu tự thở. Do đó, những máy thở có thể có giá lên tới 50.000 USD khi được tích hợp cảm biến và các tính năng chăm sóc bệnh nhân. Nhưng ngay cả khi được sử dụng bởi các nhân viên được đào tạo chuyên sâu, máy thở cũng có khả năng gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Mặc dù vậy, cả thế giới đang nỗ lực giải quyết vấn đề này và các chuyên gia đều tin rằng lượng máy thở sẽ nhanh chóng đáp ứng kịp thời nhu cầu của từng quốc gia, góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.