Tái dịch - bài học từ Singapore
Trước khi trở thành tâm dịch của Đông Nam Á, Singapore vẫn được khen ngợi là một trong những nước có phản ứng tốt nhất với COVID-19.
Sự bùng nổ làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 tại quốc đảo Đông Nam Á chính là bài học được gửi đến cho thế giới, đặc biệt là với các nước trong khu vực châu Á trước quyết định nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.
Trước đây, Sinngapore là một trong số rất ít quốc gia đã khống chế được các ca nhiễm mà không phải áp đặt những biện pháp phong tỏa hạn chế như nhiều nước khác. Tổ chức Y tế khen ngợi vì nỗ lực và các biện pháp khống chế lây nhiễm. Phương pháp phát hiện ca bệnh của Singapore còn được một số nhà dịch tễ học ở Harvard coi như "tiêu chuẩn vàng về cách phát hiện gần như hoàn hảo".
Có thể bạn quan tâm
COVID-19: Sự trỗi dậy của kỷ nguyên robot?
19:12, 20/04/2020
[Inforgraphic] 5 hãng công nghệ Mỹ hào phóng chi tiền tấn chống dịch COVID-19
10:19, 20/04/2020
Thế giới "tăng tốc" trong cuộc chiến chống COVID-19
06:40, 20/04/2020
4 ngày không có ca mới nhiễm COVID-19: Chưa thể vội mừng!
06:04, 20/04/2020
Tuy nhiên, từ 18/4, nước này ghi nhận đến 942 ca nhiễm mới - số ca nhiễm/ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát và tương đương với Hàn Quốc trong thời điểm đỉnh dịch và nhanh chóng trở thành tâm dịch mới của khu vực Đông Nam Á.
Theo phân tích của các chuyên gia y tế, sự hạn chế trong chiến thuật chống dịch đa diện, bao gồm truy tìm mối liên hệ ca nhiễm và giãn cách xã hội đã nhanh chóng hạ gục Singapore. Quốc gia này đã lơ là trong việc kiểm soát chặt chẽ tại những khu vực ít được để ý tới như tại các khu tập thể của những người lao động nhập cư.
Việc thiếu cái nhìn toàn diện về khả năng lây nhiễm của dịch bệnh đã dẫn đến các biện pháp phong tỏa không được áp dụng tại các khu ở cho người nhập cư đã làm số lượng ca nhiễm thuộc nhóm này gia tăng nhanh chóng.
Bên cạnh đó, giãn cách xã hội chỉ phát huy tác dụng khi tình trạng lây nhiễm từ nước ngoài được khống chế và các ca nhiễm mới tiềm tàng được phát hiện, xử lý nhanh chóng. Nhưng trong những môi trường chật chội và đông người sinh sống như tại khu tập thể, nếu xuất hiện một ca nhiễm COVID-19, biện pháp này lại đẩy nhanh tốc độ lây lan từ người này sang người khác.
Chính vì vậy, các ổ dịch liên tiếp được phát hiện, đưa tổng số ca nhiễm ở Singapore đạt mốc 1.000. Và chỉ mất 10 ngày để con số này tăng gấp đôi lên 2.000 và ba ngày để đạt tới mốc 3.000.
Giống như nhiều khu vực khác của châu Á, chỉ bởi vì dịch bệnh ở quy mô địa phương có thể được kiểm soát không có nghĩa là đợt sóng lây nhiễm mới không thể bùng phát bởi một người bệnh từ bên ngoài.
Do đó, việc không có ca nhiễm ở địa phương không có nghĩa là nguy hiểm đã qua. Chính vì vậy, một số nền kinh tế sở hữu nguồn lao động nhập cư lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, kể cả Việt Nam... cần phải thận trọng hơn khi tiến hành mở cửa lại nền kinh tế ngay cả khi dịch bệnh đã được đẩy lùi.
Mặt khác, mặc dù không có số lượng người lao động nhập cư nhiều như Singapore, tuy nhiêu các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á vẫn có những khu ổ chuột, nơi những người lao động nghèo sống trong điều kiện ẩm thấp, chật chội - điều kiện lý tưởng cho dịch bệnh.
Đồng thời, khi các lĩnh vực tái hoạt động trở lại, dự kiến dòng di chuyển của người dân tại các quốc gia đã từng là tâm dịch như Mỹ, châu Âu đến khu vực châu Á sẽ tăng nhanh chóng trong thời gian tới. Chính vì vậy, nếu như các chính phủ không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ và tiến hành vệ sinh khử trùng triệt để, những "quả bom hẹn giờ" nguy hiểm có thể làm bùng phát dịch khi mở cửa lại nền kinh tế.
Các quốc gia đều đang tập trung trong việc "làm phẳng đường cong dịch bệnh" để có thể mở cửa nền kinh tế càng sớm càng tốt. Nhưng để tránh với vào trường hợp của Singapore, việc quan tâm đến cuộc sống và bảo đảm an toàn cho người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế, là việc làm cần được chú trọng đẩy mạnh.
Nhóm nghề phổ thông hiếm có cơ hội để làm việc từ xa, điều này đồng nghĩa với việc họ phải đối diện nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn, trừ khi nơi họ làm việc phải đóng cửa. Cùng với đó, đa số người lao động mắc bệnh lại hạn chế khả năng tiếp cận chăm sóc y tế.
Qua đại dịch COVID-19, đây sẽ là cơ hội giúp các nhà lãnh đạo nâng cao nhận thức tại khu vực và trên thế giới về điều kiện sinh sống của cộng đồng người lao động nhập cư, cũng như những khó khăn mà nhóm này đang phải đối diện.