Sức nóng từ thị trường khẩu trang Trung Quốc

Cẩm Anh 27/04/2020 06:00

Việc thiếu hụt nguyên liệu sản xuất tại Trung Quốc đang đẩy quốc gia này vào tình trạng hỗn loạn sản xuất các trang thiết bị y tế chống COVID-19.

Nhu cầu tăng cao dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu

Nhu cầu tăng cao dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu

Nhiều doanh nghiệp sản xuất hoặc kinh doanh thiết bị y tế ở Trung Quốc xác nhận khó tiếp cận nguồn vải không dệt và polypropylene (nhựa PP) trong sản xuất khẩu trang y tế, đồ bảo hộ, hay nitrile để sản xuất găng tay, cũng như linh kiện cho máy thở và nhiệt kế khi chỉ tính riêng giá nguyên liệu sản xuất cho mỗi bộ đồ bảo hộ đã tăng vọt từ 80 cent lên hơn 3 USD chỉ trong vài tuần.

Hiện tại, giá của vải không dệt trước khi dịch xảy ra khoảng 200.000 nhân dân tệ (2.825 USD)/tấn. Bây giờ, nếu công ty có thư giới thiệu của chính phủ thì được mua với giá dưới 28.300 USD/tấn. Thế nhưng nếu không có, giá thị trường có thể là 500.000 nhân dân tệ (70.700 USD)/tấn. Một chủ doanh nghiệp khác cho biết ông đã được báo giá 600.000 nhân dân tệ cho một tấn vải không dệt, tăng 2.900% so với giá trước đó.

Có thể bạn quan tâm

  • Khẩu trang xuất khẩu đang bị

    Khẩu trang xuất khẩu đang bị "tắc" vì vướng cơ chế

    03:33, 25/04/2020

  • Cần hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung cầu khẩu trang

    Cần hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung cầu khẩu trang

    08:36, 23/04/2020

  • Startup sản xuất khẩu trang đang hốt bạc

    Startup sản xuất khẩu trang đang hốt bạc

    05:23, 23/04/2020

  • Vingroup nghiên cứu thành công công nghệ nhận diện khi dùng khẩu trang

    Vingroup nghiên cứu thành công công nghệ nhận diện khi dùng khẩu trang

    13:21, 20/04/2020

Có thể thấy, việc sản xuất vượt quá công suất thông thường đã dẫn đến việc cạn kiệt lượng hóa chất và hóa dầu dự trữ cần thiết để sản xuất vải. Đặc biệt, trong tháng 3, Trung Quốc ghi nhận đã xuất khẩu gần 4 tỉ khẩu trang, 37,5 triệu quần áo bảo hộ, 16.000 máy thở và gần 4 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 sau khi đại dịch lan rộng ra các khu vực trên toàn thế giới. 

Trong khi đó, lệnh giãn cách xã hội được Trung Quốc thực thi triệt để đã làm phần lớn các doanh nghiệp đóng băng hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp nguyên liệu. Chính vì vậy, khi quốc gia này đẩy mạnh sản xuất các trang thiết bị vật tư y tế, chỉ có một số ít các doanh nghiệp có thể nhanh chóng quay lại hoạt động để đáp ứng "cơn khát", dẫn đến tình trạng cầu vượt quá cung và sản xuất quá mức từ các kho dự trữ tại Trung Quốc. 

Mặt khác, yếu tố khách quan tác động vào cơn sốt này là việc các quốc gia sẵn sàng chi tiền mặt để sở hữu các lô hàng khẩu trang và vật tư y tế đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc tham gia vào thị trường này khi doanh thu từ xuất khẩu trong thời gian qua tại Trung Quốc đã đạt 10,2 tỉ nhân dân tệ (tương đương 1,45 tỉ USD hay 33.895 tỉ đồng). Đồng thời, tình trạng thiếu máy bay chở khách, phương thức giúp vận chuyển 50% số hàng hóa bằng đường hàng không, khiến giá của các chuyến bay chở hàng tăng cao.

Nhiều chuyên gia phân tích, tình hình hiện nay tạo ra một thị trường thiết bị y tế mà tất cả nằm trong tay người bán. Đây là một ngành công nghiệp sinh lợi hấp dẫn. Với mỗi tấn vải được mua với giá khoảng 20.000 nhân dân tệ (2.840 USD), một chiếc khẩu trang sẽ chỉ có giá 0,2 nhân dân tệ. Ngay cả khi cộng phí nhân công và hậu cần, công ty vẫn kiếm lợi nhuận tốt. Một chiếc khẩu trang y tế hiện được bán ở Bắc Kinh với giá 4 nhân dân tệ và ở Thượng Hải là 3 nhân dân tệ.

Do đó, mỗi ngày lại có thêm nhiều công ty Trung Quốc bắt đầu sản xuất khẩu trang cùng những thiết bị khác. Dù chính quyền trung ương và địa phương đang tìm nguồn cung nguyên liệu bổ sung từ khắp nơi trên thế giới như Nga, Ukraine...giữa cuộc khủng hoảng, nhưng vẫn không thể bù đắp vào tình trạng thiếu hụt như hiện nay.

Chính vì vậy, tình trạng nhiều doanh nghiệp tại quốc gia này buộc phải sử dụng nguyên liệu với chất lượng kém hơn và tuồn vào thị trường hàng loạt các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn đang ngày một gia tăng. Hà Lan, Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha từng phàn nàn về tình trạng sản phẩm chất lượng kém hoặc bị lỗi. Tuần trước, Hà Lan thu hồi 600.000 khẩu trang Trung Quốc không đạt chất lượng.

Hầu hết những lô hàng khẩu trang này không chứa một lớp vải tan chảy cần thiết để chống lại các giọt bắn trong không khí và đẩy các nhân viên y tế tuyến đầu vào tình trạng dễ bị nhiễm bệnh. Thậm chí, các nhà sản xuất đều không nhận được chứng nhận chất lượng để xuất khẩu của EU và Mỹ.

Các nhà chức trách ở Trung Quốc và nước ngoài mới đây đã ban hành luật xuất khẩu mới cứng rắn, yêu cầu hàng hóa phải được hải quan Trung Quốc kiểm tra trước khi xuất khẩu để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, với mối lo ngại về chính sách "ngoại giao khẩu trang" của Trung Quốc, hiện nay nhiều nước đang đẩy mạnh đa dạng nguồn cung khẩu trang và vật tư y tế bằng cách huy động sản xuất từ các doanh nghiệp nội địa hoặc đặt mua và nhận viện trợ từ các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Cẩm Anh