Indonesia hấp dẫn nhà đầu tư Mỹ?

Trương Khắc Trà 19/05/2020 11:05

Rất âm thầm, nhưng đã có 27 nhà máy từ Trung Quốc sắp chuyển qua Indonesia sau cuộc trò chuyện "bí mật" giữa hai Tổng thống J. Widodo và D. Trump.

Tôi vừa đi "du lịch online" một vòng quanh thành phố Jakarta - thủ đô Indonesia, đó là một “siêu đô thị” không khác mấy với Hà Nội hay TPHCM của nước ta.

Phố phường khá lộn xộn, khu “ổ chuột” xen kẽ với khu “đất vàng”. Ngổn ngang công trường, khói bụi, ô nhiễm. Nhưng đó là minh chứng đầy hứa hẹn cho một trung tâm kinh tế có tầm cỡ trong tương lai.

Thêm một hình ảnh đặc sắc, đó là nhiều nhóm thanh niên tụm năm tụm bảy, khoác trên mình chiếc áo của các hãng xe ôm công nghệ - Go-Jek. Cũng như các đô thị lớn của Việt Nam, ở Jakarta, dòng người di cư từ nông thôn tràn ngập, họ làm đủ mọi nghề, tạo ra sức sống rất trẻ trung cho thành phố.

Thủ đô Jakarta, Indonesia

Thủ đô Jakarta, Indonesia

Đó là thế hệ “dân số vàng” của quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, họ bị hạn chế tay nghề, ít biết ngoại ngữ, thất nghiệp, nhưng rất đông trong số họ có bằng cử nhân - rất giống với tình hình tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đó là môi trường rất thuận lợi để hàng chục triệu lao động trẻ Indonesia gia nhập “đội quân công nghiệp dự trữ”, sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp nhất để có việc làm. Nó cũng rất giống với tình hình tại Trung Quốc chục năm trước.

Khoảng 68% trong tổng số hơn 273 triệu dân tại xứ vạn đảo đang trong độ tuổi lao động, rơi vào khoảng 185 triệu người, gấp gần 4 lần Việt Nam. Cùng với đặc điểm như trên, Indonesia sở hữu nguồn lực con người khổng lồ, chỉ thua Ấn Độ và Trung Quốc.

Nếu trước đây, thành phố Jarkarta đóng góp tới ¼ GDP cho cả nước, thì nay nhiệm vụ đó đã được san sẻ cho nhiều trung tâm công nghiệp mới nổi như Bandung, Medan - những “cục nam châm” hút vốn nước ngoài.

Các thành phố có số dân từ 2 - 5 triệu người, điển hình như Bekasi và Surabaya, đang phát triển chóng mặt và được dự báo đến năm 2030 sẽ chiếm khoảng 27% GDP!

Đã có một cuộc trò chuyện “bí mật” giữa Tổng thống Indonesia, J. Widodo và Tổng thống Mỹ, D. Trump. Hai bên trao đổi về các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm ở Indonesia. Bước đầu sẽ di chuyển 27 nhà máy từ Trung Quốc sang Indonesia ngay sau cuộc điện đàm...!

Khác với nhiều nền kinh tế tại châu Á, Indonesia không dựa hoàn toàn vào xuất khẩu, tăng trưởng chủ yếu dựa vào tiêu dùng nội địa. Với tốc độ tăng dân số 5 - 6%/năm như hiện nay, 90 triệu dân có thể gia nhập đội ngũ người tiêu dùng vào năm 2030 (người tiêu dùng được định nghĩa là các cá nhân có thu nhập hàng ngày từ 10 USD trở lên).

Không đâu trên thế giới có tốc độ tăng trưởng giới trung lưu nhanh thần kỳ như Indonesia, hiện nay ước đạt khoảng 140 triệu người. Đây là động lực quan trọng cho tiêu dùng, trải nghiệm xu hướng mới, tạo ra 60% GDP.

Bộ mặt kinh tế Indonesia ngày nay được đặt nền tảng từ những năm 70 cho đến khi chế độ độc tài Suharto sụp đổ vào những năm 90. Điều làm người ta quan tâm là mô hình tăng trưởng dựa vào dân số đông.

Ở trên cùng của tháp dân số là tầng lớp tinh hoa, tỷ phú, triệu phú, họ rất quan tâm tới tình hình đất nước, ở giữa là tầng lớp trung lưu-cột trụ chính cả về phương diện chính trị, xã hội lẫn kinh tế của mô hình Indonesia. Và dưới cùng là đội ngũ nhân công dồi dào, sẵn sàng cạnh tranh với Trung Quốc, Ấn Độ.

Indonesia được mệnh danh là “nền kinh tế hai chân”, một là từ ngoại thương, hai là tiêu dùng nội địa. Vì thế, trong khủng hoảng tài chính 2008, kinh tế Indonesia vẫn tăng trưởng 5%, hệ thống ngân hàng tại đây được đánh giá còn vững vàng hơn phố Wall!

Đặc điểm dân số, kết cấu dân cư, lao động tại Indonesia hoàn toàn phù hợp với tiêu chí “giảm thấp nhất chi phí” của nhà đầu tư quốc tế.

Rất nhiều doanh nghiệp Mỹ rời Trung Quốc, liệu có đến Việt Nam

Rất nhiều doanh nghiệp Mỹ rời Trung Quốc, liệu có đến Việt Nam?

Năm ngoái, tại thủ đô Jakarta xuất hiện một hình ảnh khiến không ít người Việt thèm thuồng. Ngài Tổng thống Joko Widodo trong trang phục giản dị dự lễ khánh thành tuyến Metro đầu tiên sau 5 năm xây dựng thần tốc.

Công trình dài 16km kết nối trung tâm Jakarta với khu thương mại sầm uất phía nam thành phố. Điều này sẽ làm hài lòng tất cả những nhà đầu tư quốc tế đến Jakarta. Giấc mơ Metro 35 năm thành hiện thực!

Đó là một minh chứng cho nỗ lực hiện đại hóa hạ tầng tại xứ vạn đảo. Bí quyết của họ chính là SOE - tức là doanh nghiệp nhà nước đặc trách xây dựng hạ tầng cơ sở.

Các SOE có thể áp dụng biện pháp tái cấu trúc và phát triển kinh doanh. Con đường thu phí xuyên đảo Java, kéo dài từ cảng Merak ở Banten đến Surabaya ở tỉnh Đông Java đã được hoàn thành, giảm thời gian di chuyển bằng ô tô từ 14 giờ xuống còn 9 giờ.

Con đường thu phí xuyên đảo Sumatra kéo dài từ Aceh ở mũi phía Tây Sumatra đến Bandar Lampung ở phía Đông. Với chiều dài khoảng 2.700 km có trị giá 250.000 tỷ rupiah (17,79 tỷ USD).

Ngoài đường thu phí, chính phủ đã xây dựng mới 27 cảng biển thương mại kể từ năm 2015 để cải thiện kết nối trên biển; xây dựng 7 sân bay mới chỉ trong vòng 2 năm.

Theo Chỉ số Hiệu suất hậu cần (LPI) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Indonesia đã tăng 17 điểm từ vị trí thứ 63 năm 2016 lên thứ 46 năm 2018. LPI đo lường chuỗi cung ứng hậu cần của một quốc gia.

Tuy vậy, nhưng các nhà lãnh đạo tại đây vẫn chưa thỏa mãn, ho nói rằng, hệ thống giao thông của họ còn kém xa so với Thái Lan, Malaysia.

Đáng nói, thời điểm kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất cũng là khi tỷ lệ thất nghiệp tại Indonesia ở con số trên 8%! Họ đã bật lên, giờ đây là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất thế giới.

Trong khi đó, rất nhiều thứ ở Việt Nam còn lòng vòng tranh cãi, Sân bay Long Thành chậm chạp, hai tuyến Metro ở hai đầu đất nước mãi chưa vận hành. Còn vô số mắc mớ về thể chế, luật pháp chưa được gỡ bỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Cuộc đua điểm hẹn đầu tư, nước nào giành “pole”?

    Cuộc đua điểm hẹn đầu tư, nước nào giành “pole”?

    07:00, 19/05/2020

  • Đón sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc: Việt Nam có

    Đón sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc: Việt Nam có "cửa" vượt Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ?

    11:00, 11/05/2020

  • THẾ GIỚI HẬU COVID-19: Xu hướng

    THẾ GIỚI HẬU COVID-19: Xu hướng "phi Trung Quốc" (Phần 5)

    11:00, 19/05/2020

  • Không còn đe dọa, Mỹ

    Không còn đe dọa, Mỹ "bơm tiền" cho doanh nghiệp rời Trung Quốc!

    06:30, 19/05/2020

Trương Khắc Trà