"Yếu tố Trung Quốc" là cớ để Mỹ dọa cắt tài trợ cho WHO?
Tối thứ hai vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng đe dọa sẽ rút tài trợ vĩnh viễn với WHO trừ khi tổ chức này cam kết "cải thiện đáng kể trong vòng 30 ngày tới".
Một lời đe dọa quyết liệt từ vị "tổng thống twitter” của Hoa Kỳ. Nỗi “giận dữ” này là một động thái leo thang của việc Trump tuyên bố “đóng băng” tài trợ của Hoa Kỳ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào tháng trước để tiến hành đánh giá phản ứng của tổ chức này đối với sự bùng phát của đại dịch COVID-19.
Tất nhiên, nội dung này được Trump đăng lên tài khoản Twitter của mình vào tối thứ hai, giống như những phản ứng quan trọng của ông trước đây, khi Trump đã chọn Twitter là mạng xã hội duy nhất để phát đi những thông điệp của mình. Ông chủ Nhà Trắng cho biết, bản đánh giá đã xác nhận những lo ngại của ông đối với việc xử lý virus của WHO và "sự thiếu độc lập đáng báo động" từ Trung Quốc.
Lý do vì đâu?
Còn nhớ tháng trước, Donald Trump tuyên bố tạm dừng tài trợ WHO cho đến khi các đánh giá về “vai trò, trách nhiệm” của tổ chức này được rõ ràng.
Thời điểm đó, Trump cho rằng, nếu WHO thực hiện nhiệm vụ của mình một cách “nghiêm túc” và triển khai sớm việc đưa các chuyên gia y tế vào Trung Quốc để đánh giá khách quan tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó là những cảnh báo một cách rõ ràng và minh bạch thì tình hình dịch bệnh đã không trờ nên phức tạp như bây giờ.
Tuy nhiên, thời điểm này, khi mà những đánh giá “không tốt đẹp” về tổ chức này được đưa đến tay Donald Trump và tình hình dịch bệnh tại Mỹ vẫn còn đang rất phức tạp, thêm vào đó là sự suy thoái kinh tế ở mức đáng báo động đang khiến Trump “giận cá chém thớt” và nạn nhân không ai khác chính là tổ chức Y tế thế giới này.
"Rõ ràng những sai lầm lặp đi lặp lại của ông và tổ chức của ông trong việc đối phó với đại dịch đã khiến thế giới vô cùng tốn kém", Trump viết trong bức thư gửi cho Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Mới đây, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của các hãng truyền thông quốc tế, Donald Trump cho rằng, Tổ chức Y tế Thế giới phải cải thiện cách đối xử với Hoa Kỳ và các quốc gia. Nội dung việc “cải thiện” xoay quanh vấn đề WHO phải thanh lọc bộ máy tổ chức và đối xử một cách công bằng hơn với nhiều quốc gia, kể cả Hoa Kỳ.
“Yếu tố Trung Quốc” có phải là cái cớ?
Rất trực tiếp, Trump cho rằng cách duy nhất WHO có thể nhận được tiền tài trợ từ Mỹ nếu tổ chức này thực sự có thể chứng minh sự độc lập khỏi Trung Quốc. Trump cho biết chính quyền của ông đã bắt đầu thảo luận với WHO về vấn đề cải cách.
Đồng thời ông cũng thông báo cho tổ chức này rằng, nếu không thể cam kết cải thiện đáng kể trong vòng 30 ngày tới, nước Mỹ sẽ “đóng băng” vĩnh viễn khoản tài trợ và xem xét lại tư cách thành viên của họ trong tổ chức này.
Để “vạch trần” sự yếu kém của WHO, Trump đã liệt kê theo thứ tự thời gian một số sai lầm mà tổ chức này đã thực hiện, nhiều vấn đề trong số đó có những liên quan với Trung Quốc.
Còn nhớ thời điểm giữa đại dịch, chính quyền Trump đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Bắc Kinh về sự thiếu minh bạch và che đậy sự bùng phát ban đầu của đại dịch. Thêm vào đó, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo hồi đầu tháng này đã đổ lỗi cho Trung Quốc và sự thiếu minh bạch của họ đối với cái chết của hàng trăm ngàn người đối với loại virus này trên toàn thế giới.
Ngoài ra, Trump giận dữ cho rằng, sự "thất bại" của WHO là họ không công khai “vạch trần” sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong đại dịch. Và mới đây, hơn 100 quốc gia thành viên WHO đã ủng hộ nghị quyết tại Đại hội đồng Y tế Thế giới đang diễn ra về việc kêu gọi xem xét xử lý khủng hoảng của WHO và tổ chức một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus.
Phản ứng với những cáo buộc từ Washington, ngày 18/5 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, nước này hoàn toàn ủng hộ một cuộc rà soát toàn diện về cách ứng phó toàn cầu đối với dịch bệnh COVID-19 do WHO đứng đầu sau khi dịch bệnh này được kiểm soát.
Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh cũng cam kết tài trợ cho WHO 2 tỷ USD trong 2 năm nhằm giúp tổ chức thế giới này đối phó COVID-19, đồng thời nhấn mạnh, rằng, bất cứ vaccine nào được phát triển tại Trung Quốc "đều sẽ được dùng cho cộng đồng".
Dường như Trung Quốc đã cảm thấy “chạm tự ái” trước những so sánh và cáo buộc của Hoa Kỳ. Còn nhớ thời điểm trước, Trump đưa ra số liệu so sánh: “hàng năm Hoa Kỳ tài trợ khoảng 400 đến 500 triệu đô la cho WHO trong khi đó, lưu ý rằng Trung Quốc chỉ "đóng góp” khoảng 40 triệu đô la".
Thời gian gần đây, Bắc Kinh thường đưa ra những lời khen ngợi với WHO rằng là tổ chức này đang cho thấy sự cởi mở và phản ứng mạnh mẽ, nhanh nhẹn của họ đối với đại dịch.
Còn với Liên Hợp Quốc, sau khi Trump tuyên bố đóng băng tài trợ vào tháng trước, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Antonio Guterres, đã đưa ra một tuyên bố rằng bây giờ không phải là lúc để dừng tài trợ cho tổ chức quốc tế này trong công cuộc chống lại đại dịch.
Theo thống kê từ Đại học Johns Hopkins, kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện từ thành phố Vũ Hán miền trung Trung Quốc vào cuối năm ngoái, hơn 4,8 triệu người trên toàn thế giới đã bị nhiễm bệnh, dẫn đến hơn 318.000 ca tử vong. Và với 1,5 triệu ca nhiễm và 90.000 ca tử vong cho đến nay, Hoa Kỳ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.
Ai mới là mạnh thường quân?
Chắc chắn Washington là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, trong đó đặc biệt ủng hộ các chương trình hỗ trợ giải quyết xử lý bệnh bại liệt, HIV/AIDS và tiêm chủng cho trẻ em.
Trong giai đoạn hai năm, kết thúc vào tháng 12/2021, Hoa Kỳ có thể đóng góp lên tới 553 triệu đô la phí thành viên kết hợp. Bên cạnh đó là đóng góp của các tổ chức tự nguyện nước Mỹ, tương đương với 9% nguồn ngân sách 5,8 tỷ đô la của cơ quan này.
Con số này gần gấp ba lần 187,5 triệu đô la của Trung Quốc. Ngoài ra, các nhà đóng góp lớn khác bao gồm Anh trên 519 triệu đô la, Quỹ Bill và Melinda Gates với 340,9 triệu đô la, Ủy ban châu Âu với 269,8 triệu đô la, Đức với 228,7 triệu đô la và Nhật Bản với 217,2 triệu đô la.
Có thể bạn quan tâm