500 tỷ EURO có cứu được tình đoàn kết EU?

NGUYỄN CHUẨN 21/05/2020 07:00

Phải mất khoảng thời gian dài để thuyết phục Angela Merkel thực hiện cái “gật đầu” về một đề xuất khoản tiền mặt 500 tỷ Euro cho các nền kinh tế yếu của Liên Âu.

Bản thân Thủ tướng Đức, Merkel đã lo lắng rất nhiều về tương lai của Liên minh châu Âu (EU) sau khi đại dịch COVID-19 xảy ra vào tháng 2 vừa qua, gây ra làn sóng tử vong và phong tỏa các quốc gia khu vực đồng Euro.

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một cuộc họp video với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Văn phòng Thủ tướng vào ngày 18 tháng 5 năm 2020.

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một cuộc họp video với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Văn phòng Thủ tướng vào ngày 18/5/2020.

Tuy nhiên, thời điểm đó, Merkel đã phản đối đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về một Quỹ phục hồi, ràng buộc tất cả 27 quốc gia thành viên cùng nhau... chịu nợ. Tiếp đó, cũng chính bà đã bác bỏ đề xuất của Italy về việc khu vực đồng Euro đưa ra "Trái phiếu Corona" để giảm nhẹ tác động về kinh tế.

Nhưng sau đó, một loạt các cuộc gọi video giữa Merkel và Macron đã dẫn đến một kế hoạch cho Ủy ban châu Âu, trong đó khoản vay 500 tỷ euro (550 tỷ USD) được coi như một khoản nợ chung và chuyển nó đến các khu vực và ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tất nhiên nó sẽ là một khoản đầu tư nằm trong ngân sách 2021-2027 của EU, gần 1 nghìn tỷ euro.

Theo đó, Ủy ban châu Âu sẽ nhận khoản nợ 500 tỷ euro trên thị trường tài chính để hỗ trợ trực tiếp cho các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất và nhiệm vụ của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen là thuyết phục các nước thành viên về dự án.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, quỹ tái thiết và phục hồi nêu trên sẽ không phải là các khoản cho vay mà là trợ cấp trực tiếp cho các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất trong khu vực đồng Euro. Do đó, khoản tiền này sẽ không phải hoàn trả bởi các nước thụ hưởng.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhất trí rằng, nếu họ không giải cứu được các nền kinh tế đang ở vào tình trạng “rơi tự do” thì nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ 10 năm trước sẽ xuất hiện trở lại. Cuộc khủng hoảng đó đã phơi bày những góc tối, phá tan sự đoàn kết, làm suy yếu đồng euro và gần như thổi bùng lên ngọn lửa suy thoái.

Một Liên minh “không biên giới” sẽ trở lại?

Đại dịch đã làm trật bánh sự phục hồi của các quốc gia “nợ nần” nhiều nhất trong khu vực EU. Nợ của Ý đang rơi vào khoảng 170% sản lượng quốc gia, Hy Lạp đang “chìm sâu” trong khủng hoảng sau nhiều năm “thắt lưng buộc bụng” và trên toàn miền nam châu Âu, sự sụp đổ của ngành du lịch đe dọa hàng triệu việc làm.

Sự đoàn kết liệu có trở lại trong Liên Âu?

Sự đoàn kết liệu có trở lại trong Liên Âu?

Chắc chắn đây là một khoảnh khắc lịch sử để Liên minh sống đúng với tên gọi của nó. Tuy nhiên, sự “cân đo đong đếm” ban đầu của các thành viên trong việc chia sẻ thiết bị y tế và sẵn sàng đóng cửa biên giới của họ, dường như đang cho thấy một liên minh “rời rạc” khi lợi ích quốc gia bị đe dọa. 

Mặc dù trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng cần có sự đồng thuận giữa các quốc gia trong EU và sự cần thiết phải có những "phản ứng mạnh mẽ” từ các quốc gia khu vực này bằng một “công cụ” với “lưng vốn” dự kiến lên đến hàng chục phần trăm GDP.

Ngay khi có vẻ như liên minh sẽ phải chịu thêm một loạt các “cú sốc” khác từ khủng hoảng nợ đến một làn sóng di cư hỗn loạn rồi trước đó là Brexit, những “đòn đánh” có thể xé tan khối liên minh này thì một loạt các cuộc điện đàm nói chuyện giữa hai nhà lãnh đạo của hai thành viên sáng lập đã làm ổn định lại sự “rạn vỡ” trong EU.

Ủy ban Liên minh châu Âu có thể sẽ đưa ra đề xuất của riêng mình vào ngày 27/5 tới. Trên tinh thần chung, EC đã nhiệt liệt hoan nghênh sáng kiến này. Tuy nhiên, để vượt qua các rào cản pháp lý cần được sự ủng hộ từ tất cả 27 thủ đô.

Vẫn còn một “chút gợn” trong sự đoàn kết của EU khi mà nhà lãnh đạo của Áo đã nói rằng, nước này cùng với Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển, sẽ chỉ cung cấp các khoản vay mà không phải tài trợ.

Có thể bạn quan tâm

  • QUỐC TẾ TUẦN QUA: Châu Âu

    QUỐC TẾ TUẦN QUA: Châu Âu "đánh hội đồng", Mỹ trở cờ với Trung Quốc!

    06:17, 10/05/2020

  • Những bất ổn “bủa vây” nền kinh tế châu Âu

    Những bất ổn “bủa vây” nền kinh tế châu Âu

    07:15, 08/05/2020

  • Một “châu Âu không biên giới” trong đại dịch COVID-19

    Một “châu Âu không biên giới” trong đại dịch COVID-19

    11:15, 26/04/2020

NGUYỄN CHUẨN