Kinh tế Mỹ lên hay xuống còn trông chờ vào COVID-19

NGUYỄN CHUẨN 08/06/2020 06:00

Nền kinh tế Mỹ bất ngờ có tín hiệu khả quan trở lại từ báo cáo tình hình việc làm vào tháng 5 vừa qua, những tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự suy thoái do đại dịch COVID-19 có thể đã kết thúc...

Tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng kể

Từ một báo cáo việc làm được theo dõi bởi Bộ Lao động Mỹ vào thứ Sáu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp nước này giảm xuống còn 13,3% trong tháng 5 từ mức 14,7% trong tháng 4, tỉ lệ thất nghiệp cao nhất sau Thế chiến thứ hai. Mặc dù vậy, sự cải thiện là không đồng đều, người da trắng mất việc giảm mạnh trong khi đó, tỉ lệ này lại tăng mạnh đối với người da đen và người châu Á.

Tỷ lệ thất nghiệp nước Mỹ giảm xuống còn 13,3% trong tháng 5. Ảnh Reuters.

Tỷ lệ thất nghiệp nước Mỹ giảm xuống còn 13,3% trong tháng 5. Ảnh Reuters.

Một cuộc khảo sát tiếp theo cho thấy niềm tin của người tiêu dùng, sự trở lại của các ngành sản xuất và việc tăng mạnh trong ngành dịch vụ, nền kinh tế Mỹ đã dần dần lấy lại sự ổn định cần thiết. Dựa trên các số liệu thống kê về chi tiêu cho khách sạn, nhà hàng, hàng không và các ngành công nghiệp khác bị tổn thương bởi việc giãn cách xã hội cho thấy mọi thứ đang trở lại.

Theo ước tính từ của Cơ quan An ninh Giao thông của Mỹ cho thấy, số lượng khách du lịch đi qua các trạm kiểm tra vào cuối tháng năm đã tăng hơn gấp 3 lần so với tháng trước, mặc dù vẫn giảm 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, dữ liệu từ các nhà hàng khách sạn cũng cho thấy thực khách đang bắt đầu quay trở lại.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế, nước Mỹ có lẽ sẽ phải mất khá nhiều năm để nền kinh tế “bù đắp” việc làm cho những người đã thất nghiệp trong cuộc suy thoái kinh tế vừa qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã có một tuần “bối rối” giữa các cuộc biểu tình trên toàn quốc vì sự việc phân biệt chủng tộc, đã nhanh chóng lấy lại được niềm tin khi thị trường lao động bất ngờ có sự khởi sắc trở lại.

Nước Mỹ nằm trên bờ vực của sự khủng hoảng khi mà hơn một tuần vừa qua đã liên tiếp xảy ra các vụ biểu tình và bạo loạn vì lý do phân biệt chủng tộc.

 Một tuần vừa qua đã liên tiếp xảy ra các vụ biểu tình và bạo loạn vì lý do phân biệt chủng tộc tại Mỹ

Cổ phiếu trên Phố Wall đồng loạt tăng điểm trên báo cáo. Đồng đô la đã tăng so với giỏ tiền tệ (SDR). Giá trái phiếu kho bạc Mỹ giảm. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, ngay cả với sự phục hồi của thị trường lao động, sự suy thoái vẫn còn ở trước mặt. Lao động bán thời gian chiếm 2/5 mức tăng việc làm. Gần 20 triệu người đang hưởng lương dưới mức trước COVID-19 của họ. 

Tiếp tục là các gói kích thích từ chính phủ Mỹ.

Các nhà kinh tế cho biết một “Chương trình bảo vệ tiền lương” của chính phủ Mỹ với một phần của gói “tài chính lịch sử” trị giá gần 3 nghìn tỷ đô la, sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp các khoản vay để sử dụng trả lương cho nhân viên và thoát khỏi phá sản trong đại dịch.

Tổng thống Mỹ, Donald Trump đi thăm một nhà máy sản xuất tại Mỹ.

Tổng thống Mỹ, Donald Trump đi thăm một nhà máy sản xuất tại Mỹ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, sau khi các doanh nghiệp tiêu hết tiền cho vay ưu đãi hoặc trợ cấp, rất có thể sẽ có một đợt sa thải khác, đặc biệt là từ các nghành dịch vụ, nơi được hưởng lợi lớn từ chương trình kích thích của chính phủ.

Mới đây, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng, Kevin Hassett cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên Fox News rằng, chắc chắn sẽ có một gói kích thích khác, một ngày sau khi một báo cáo tình trạng việc làm nước Mỹ có những dấu hiệu tích cực đáng ngạc nhiên. 

Đáng chú ý là trước đó, quốc hội Mỹ đã thông qua bốn gói kích thích lớn để giải quyết vấn đề kinh tế từ đại dịch COVID-19. Mặc dù vậy, quốc hội Mỹ đang chứng kiến sự chia rẽ về cách giải quyết việc cứu trợ khi nước này bắt đầu mở cửa trở lại. 

Sự bất đồng chủ yếu tập trung vào cái cách mà lưỡng đảng nhìn nhận sự phục hồi của nước Mỹ, đảng Cộng hòa dự đoán sự phục hồi sẽ diễn ra nhanh chóng, tích cực, trong khi đó đảng Dân chủ thấy trước một con đường chậm chạp và nhiều khó khăn phía trước.

Ngoài ra, đảng Cộng hòa, có thể sẽ thông qua một dự luật khác tập trung vào việc giúp người Mỹ trở lại làm việc. Chính đảng đang nắm quyền điều hành nước Mỹ dường như đặc biệt quan tâm đến việc thông qua các biện pháp bảo vệ trách nhiệm đối với người sử dụng lao động khi người lao động trở lại.

Trong khi đó, đảng Dân chủ vẫn ủng hộ việc thông qua các gói viện trợ đến trực tiếp người lao động, bên cạnh đó, đảng này còn muốn có thêm viện trợ từ chính phủ Mỹ cho các chính quyền bang và địa phương đang quay cuồng với đại dịch.

Tuy nhiên, triển vọng hồi phục của nền kinh tế Mỹ vẫn không đem lại niềm tin cho những chuyên gia phân tích thực tế. Một số quan chức của Cục dự trữ Liên Bang Mỹ(Fed) đưa ra cảnh báo tình hình có thể xấu đi một lần nữa nếu đợt bùng phát thứ hai xuất hiện khi nhiều người Mỹ ra khỏi nhà và trở lại cuộc sống bình thường.

Trong một bình luận về triển vọng kinh tế Mỹ năm 2020, Chủ tịch của FED, Jerome Powell khẳng định nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi mạnh mẽ sau những "đòn đánh" từ đại dịch COVID-19 gây ra, tuy nhiên rất có thể sẽ phải mất một khoảng thời gian rất dài.

Bên cạnh đó, Powell cũng nhận định nền kinh tế nước này sẽ trở lại trong khoảng nửa cuối năm nay nếu không có đợt bùng phát dịch bệnh thứ hai. Mặc dù vậy, để có thể phục hồi một cách hoàn toàn thì phải chờ tới khi có vắc-xin cho COVID-19.

Có thể bạn quan tâm

  • QUỐC TẾ TUẦN QUA: Mỹ bất ổn, EU khó khăn, Trung Quốc trước

    QUỐC TẾ TUẦN QUA: Mỹ bất ổn, EU khó khăn, Trung Quốc trước "ngã ba đường"

    06:20, 07/06/2020

  • Toan tính của Mỹ với G7 mở rộng

    Toan tính của Mỹ với G7 mở rộng

    11:00, 06/06/2020

  • Cơ quan phát triển tài chính quốc tế Mỹ mạnh cỡ nào?

    Cơ quan phát triển tài chính quốc tế Mỹ mạnh cỡ nào?

    06:00, 05/06/2020

NGUYỄN CHUẨN