Điều gì khiến Trung Quốc “bất chấp” ở Biển Đông?
Chắc chắn đó là vì lợi ích kinh tế, nhưng lợi ích kinh tế cao đến đâu mà khiến cho Trung Quốc coi thường cả luật pháp quốc tế?
Vị trí chiến lược của Biển Đông
Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ước tính rằng có khoảng 80% thương mại toàn cầu theo khối lượng và 70% theo giá trị được vận chuyển bằng đường biển. Trong số đó, 60% thương mại hàng hải đi qua châu Á và Biển Đông chiếm 1/3 vận tải biển toàn cầu.
Có thể nói, Biển Đông hiện tại đang là một vùng biển của vị trí địa lý đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á như Philippines, Malaysia hay là Việt Nam. Tất cả đều dựa vào eo biển Malacca, nối liền Biển Đông, mở rộng ra Thái Bình Dương đến với Ấn Độ Dương. Và đương nhiên, với hơn 60% giá trị giao dịch hàng hải, an ninh kinh tế của Trung Quốc đang “sống còn” với Biển Đông.
Ở một vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, Biển Đông đang là một huyết mạch thương mại cốt lõi đối với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, đây đang được coi là điểm "nóng" trên toàn thế giới hiện tại bên cạnh đại dịch COVID-19. Cùng với sự “hung hăng, gây hấn” của Trung Quốc trong thời gian gần đây với các nước láng giềng, các chuyên gia phân tích cho rằng, Bắc Kinh đang cố tình bỏ qua dư luận quốc tế vì những lợi ích kinh tế to lớn mà nước này đang hướng tới.
Có một con số được tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thống kê rằng, tổng giá trị thương mại của hàng hóa đi qua Biển Đông hàng năm lên tới 5,3 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên trên thực tế, theo ước tính từ các tổ chức thống kê, chỉ có khoảng 3,4 nghìn tỷ đô la thương mại đã đi qua Biển Đông vào năm 2016, chiếm 21% thương mại toàn cầu trong năm 2016, nhưng nhỏ hơn 36% so với 5,3 nghìn tỷ đô la từ ước tính ban đầu của WTO.
Ý nghĩa to lớn của thương mại Biển Đông
Đối với nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới, Biển Đông là một ngã tư hàng hải thiết yếu cho thương mại. Hơn 64% thương mại hàng hải của Trung Quốc đã đi qua đường thủy vào năm 2016, trong khi gần 42% giao dịch hàng hải của Nhật Bản đã đi qua Biển Đông trong cùng năm. Mỹ ít phụ thuộc hơn vào Biển Đông, với chỉ hơn 14% giao dịch hàng hải đi qua khu vực này.
Các chuyên gia cho rằng, sự gián đoạn thương mại tại Biển Đông có thể sẽ gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Biển Đông khiến nước này dễ bị tổn thương trước những gián đoạn thương mại hàng hải. Năm 2003, Chủ tịch Trung Quốc khi đó, ông Hu Jintao đã đặc biệt quan tâm đến việc bành trướng của nước này để hướng tới nhằm kiểm soát eo biển Malacca(eo biển nằm giữa đảo Sumatra của Indonesia, Malaysia và Singapore).
Mặc dù có một số tuyến vận chuyển chính hoặc đường liên lạc trên biển (SLOC) cung cấp lối vào Biển Đông như là Eo biển Sunda và Eo biển Lombok. Tuy nhiên, eo biển Malacca được sử dụng rộng rãi nhất. Đây là lối đi ngắn nhất và tiết kiệm nhất giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Do tầm quan trọng của Biển Đông đối với thương mại Trung Quốc, Bắc Kinh đang có xu hướng thực hiện các bước mở rộng tầm ảnh hưởng, khu vực kiểm soát của mình với các tuyến hàng hải thương mại huyết mạch trên Biển Đông. Bắc Kinh đang tìm kiếm sự can thiệp dài hạn với lưu lượng vận chuyển hàng hải.
Theo các chuyên gia kinh tế, điều này đang làm tăng phí bảo hiểm cho các tàu thương mại và buộc các chủ hàng phải xem xét các phương án thay thế tuyến thương mại đắt tiền hơn. Ngoài ra, với việc Trung Quốc đang có những hành động gây hấn trên Biển Đồng có thể sẽ làm suy giảm đáng kể vị thế của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng khác.
Trung Quốc đang cố tình kiểm soát Biển Đông
Có nhiều tình huống có thể làm gián đoạn giao thông vận tải và gây nguy hiểm cho các tàu hàng thương mại từ các nước đi qua eo biển Malacca. Một sự gián đoạn ngắn hạn sẽ buộc các tàu phải đợi cho đến khi quyền truy cập được thiết lập lại hoặc xem xét sử dụng một tuyến đường thay thế, trong khi sự gián đoạn dài hạn có thể gây ra hậu quả sâu rộng cho hàng nghìn tỷ đô la hàng hóa đi qua Biển Đông mỗi năm.
Một eo biển Malacca đóng cửa dài hạn cũng có thể gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu, đặc biệt là giữa các tuyến thương mại liên vùng và các trung tâm sản xuất đa quốc gia gắn liền với Biển Đông. Trong đó, các quốc gia Đông Nam Á sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, sự gián đoạn năng lượng hoặc hàng hóa thậm chí có thể có những hậu quả kinh tế sâu rộng hơn đối với thị trường toàn cầu.
Thời điểm này, khi đại dịch COVID-19 đang bùng phát trên toàn thế giới, kinh tế Trung Quốc cũng đang rơi vào tình trạng “ảm đạm” chưa từng thấy. Bắc Kinh có thể sẽ ngày càng tăng cường hiện diện tại Biển Đông một cách hung hăng hơn, liều lĩnh hơn và bất chấp hơn. Theo các chuyên gia đánh giá, đây chính là một động thái “di hoa tiếp mộc” – một cách chuyển điểm nóng trong nước ra ngoài lãnh thổ của mình.
Ngoài ra, khi Mỹ đang đặt ra một sự chú ý đáng kể với vấn đề tự do hàng hải trên vùng biển này và thêm vào đó sự có mặt thường xuyên của họ trên Biển Đông thời gian gần đây cũng khiến Bắc Kinh cảm giác bị đe dọa. Rất có thể, thời gian tới, Trung Quốc sẽ còn bất chấp hơn nữa khi mà luật pháp quốc tế dường như chỉ là trò chơi chính trị của các nước lớn và việc các tổ chức đa phương đang cho thấy sự yếu thế trên chính trường quốc tế khiến Bắc Kinh ngày càng tỏ ra ngang ngược.
Có thể bạn quan tâm
Căng thẳng ở Biển Đông: Trung Quốc trách người mà không biết tự trách mình!
06:25, 07/07/2020
Vì sao Biển Đông luôn dậy sóng?
11:37, 07/07/2020
TÂM ĐIỂM TUẦN TỪ 22-27/6: Vì sao Trung Quốc vẫn “một mình một đường” với yêu sách trên Biển Đông?
12:00, 27/06/2020
Vì sao Trung Quốc vẫn “một mình một đường” với yêu sách trên Biển Đông?
06:00, 25/06/2020