Trung Quốc có thể thắng Mỹ trong cuộc đua trở thành người dẫn dắt kinh tế thế giới?
Điều không thể phủ nhận là GDP Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về qui mô trong tương lai, và một số lĩnh vực nhất định đã vượt Mỹ, nhưng chung cuộc thì sức mạnh sáng tạo của nền kinh tế Mỹ vẫn là vô địch.
Trung Quốc không có nền công nghiệp chế tạo mạnh như Mỹ. Trung Quốc như Nhật Bản nhờ lợi thế của người đi sau mà phát triển nhanh hơn mảng công nghệ chế biến - đổi mới tiệm tiến, nhỉnh hơn Mỹ trong một số lĩnh vực như chúng ta thấy là công nghệ 5G, thương mại điện tử và thậm chí trí tuệ nhân tạo…
Nhưng xương sống của một quốc gia, sức mạnh khoa học của một quốc gia vẫn luôn là năng lực công nghệ chế tạo. AI, phần mềm, công nghệ thông tin chỉ phát huy tối đa hiệu quả, mang lại lợi ích tối đa cho nền kinh tế khi nó phục vụ cho một nền công nghiệp chế tạo, sản xuất tân tiến nhất. Và điều này chỉ phát huy mạnh ở nơi có nền kinh tế tự do đúng nghĩa, một thị trường tài chính tự do với các thiết chế, luật lệ hoàn thiện - nơi quyền tài sản, quyền kinh doanh, và quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ tốt.
Và hơn hết, là một nền kinh tế dịch vụ phẩm chất cao - cơ chế giúp nền kinh tế vận hành hiệu quả. Một nền kinh tế mà công nghệ phát triển dựa vào nhà nước dù có những bước phát triển tiệm tiến, nhưng chắc chắn không thể có tính đột phá. Chỉ có những thị trường với các doanh nhân sáng tạo, trí tuệ, động cơ cạnh tranh cao mới có thể kiến tạo ra những đột phá về công nghệ, cho ra những giải pháp vĩ đại của tương lai.
Như những Intel, Amazon, Facebook, Tesla, Microsoft, Apple, Uber… thì không thể có ở những thị trường phát triển dựa vào nhà nước, bởi điều đó được nuôi dưỡng và phát huy nhờ chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi.
Trung Quốc cũng sẽ không sụp đổ như nhiều người mơ mộng mà ngày một tốt hơn. Trung Quốc cũng không thể thay thế Mỹ trong vai trò dẫn dắt nền kinh tế thế giới.
Ngoài điểm yếu, Trung Quốc có những điểm mạnh mà phần lớn các nền kinh tế hiện đại khác không có được. Một thị trường nội địa qui mô lớn, tiềm năng còn lớn hơn thị trường Mỹ là yếu tố quyền lực mềm quan trọng thu hút đầu tư quốc tế, là một trong những nhân tố quan trọng cần thiết cấu thành vị thế của một cường quốc kinh tế. Như Mỹ, Trung Quốc sẽ dần phải chuyển dịch chiến lược tăng trưởng từ dựa vào xuất khẩu, tiết kiệm cao sang nền kinh tế tăng trưởng dựa vào tiêu thụ trong nước nhiều hơn.
Để làm được điều đó, dĩ nhiên, Trung Quốc vừa phải mở cửa cho hàng hoá nhập khẩu phẩm chất cao, đồng thời nâng cấp sản xuất trong nước để phục vụ gần 500 triệu dân trung lưu thu nhập khá hiện gia tăng nhanh chóng. Một đồng tiền quốc tế mạnh là đồng tiền có sức mua lớn, và chỉ khi ấy đồng RMB mới dần trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế, tự do chuyển đổi. Cũng nhờ đó mà giảm dần sự can thiệp của nhà nước, vận hành như một nền kinh tế thị trường tự do có điều tiết thực thụ.
Ngoài ý chí dân tộc mạnh mẽ, Trung Quốc có một nền văn hoá giàu bản sắc, hấp dẫn thế giới nhiều hơn khi chuẩn mực văn minh xã hội được nâng cao. Sức mạnh mềm của Trung Quốc sẽ trở nên mạnh hơn khi có hành xử trách nhiệm hơn trong vai trò của nước lớn đối với những vấn đề của thế giới, trong những mối quan hệ láng giềng.
Trung Quốc khác Liên Xô do có một nền kinh tế thị trường tương đối hoàn chỉnh, có nền kinh tế dịch vụ với chi phí giao dịch thấp hỗ trợ hiệu quả tăng trưởng. Trung Quốc cũng không như Nga chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường tư bản chỉ sau một đêm, để rồi gánh chịu suy thoái kéo dài.
Trung Quốc khác Nhật Bản vì Trung Quốc có Hong Kong, Đài Loan, tuy khác chế độ nhưng cùng dân tộc. Qua hai vùng lãnh thổ này Trung Quốc học hỏi được nhiều tinh hoa công nghệ, kinh tài của thế giới. Trong những thời đầu phát triển kinh tế, sự đóng góp của Đài Loan và Hong Kong là không hề nhỏ trong việc thu nhập thông tin tài chính, khoa học cũng như luôn là những đầu tư FDI lớn nhất vào Trung Quốc trong nhiều năm.
So với Trung Quốc, sức mạnh kinh tế Mỹ là nhờ có một thị trường tiêu thụ to lớn hiện tại và một thị trường tài chính tự do hoàn thiện. Bà đỡ hiệu quả cho những phát minh công nghệ vĩ đại được đi vào cuộc sống là một thị trường tài chính tự do phẩm chất cao. Nhưng với các chế độ độc tài, mặt trái của tự do hoá thị trường tài chính là rủi ro chính trị. Và điều này vừa là mục tiêu vừa là vấn đề của Trung Quốc, là mâu thuẫn trong chiến lược xây dựng vị thế quốc gia. Nền kinh tế tăng trưởng dựa vào tín dụng ngân hàng là không thuận lợi cho đầu tư mạo hiểm, do công nghệ là một ngành đầu tư mạo hiểm bởi thành công có được là dựa vào quá trình thử - sai liên tục. Ngân hàng chỉ ưu tiên cấp tín dụng cho những dự án có mức an toàn vốn cao, thành ra những nền kinh tế phát triển dựa vào tính dụng như Trung Quốc, Nhật Bản, Anh Quốc…ít có những phát kiến công nghệ đột phá, khi so với Mỹ.
Người ta có thể dự đoán được khủng hoảng nhưng không tránh được khủng hoảng. Khủng hoảng theo chu kỳ là hệ quả tất yếu của nền kinh tế tư bản tiền tệ. Sự ưu việt của thể chế kinh tế thị trường tự do có điều tiết là chính phủ đóng vai trò trọng tài, để giải quyết các “thất bại của thị trường”, chứ không phải là người chơi chính trong những nền kinh tế dựa vào nhà nước mà đôi lúc tự tạo nên “thất bại của nhà nước” dẫn đến sụp đổ nhà nước.
Nền kinh tế tư bản tiêu biểu như Mỹ là nền kinh tế tiền tệ hiện cũng đối diện với những vấn đề nghiêm trọng, là một trong những nguyên nhân gây mất cân bằng vĩ mô toàn cầu. Ở Anh, tổng tài sản ngành ngân hàng lên đến 500% GDP, ở Thuỵ sĩ thậm chí còn lớn hơn, Mỹ là trên 100% GDP. Vấn đề của Mỹ là thị trường vốn, trái phiếu và cho vay phi ngân hàng. Tổng gía trị cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu là 180 ngàn tỉ USD, tổng giá trị “chứng khoán tài chính toàn cầu”, bao gồm các công cụ tài chính có thể trao đổi được cộng với các khoản cho vay có giá trị lên tới 200 ngàn tỉ USD. Tổng giá trị bất động sản toàn cầu là 280 ngàn tỉ ~ 3,58 lần GDP toàn cầu (78,000 tỉ USD). Và một thị trường phái sinh cỡ 542 ngàn tỉ USD, lớn hơn 7 lần GDP thế giới.
Thế nên, dù có công kích Trung Quốc, thì phương Tây và Mỹ cũng phải thay đổi sao có trách nhiệm hơn. Một trong những chỉ dấu của sự mất cân bằng là tình trạng giá tài sản tăng rất nhanh, cùng với đó là nợ và đòn bẩy trong hệ thống ngân hàng cao, nhưng tỉ lệ tăng trưởng sản xuất, thất nghiệp và lạm phát đều tương đối ổn định trong các nền kinh tế phát triển, đặc biệt ở Mỹ. Đó là sự bất thường trên mọi qui luật kinh tế thông thường; nhân loại không thể có quá nhiều tiền hơn số của cải làm ra, trong khi vẫn còn hàng tỉ người thiếu đói.
Mỹ chỉ trích Trung Quốc phá giá tiền tệ để có thặng dư thương mại, còn Trung Quốc cho rằng, căn nguyên của mất cân bằng vĩ mô quốc tế là do Mỹ liên tục in tiền (QE-Nới lỏng định lượng) trong những năm qua.
Vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc là yếu tố cơ cấu, nên khó mà điều chỉnh bởi những giải pháp vĩ mô qui chuẩn. Một sự thay đổi cấu trúc ("structural changes") như đề nghị của ông Trump cũng là điều không thể; Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ quá trình chuyển đổi kinh tế vì cho rằng dự kiểm soát của nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định xã hội, nhân tố không thể thiếu đối với tăng trưởng kinh tế. Do vậy, Trung Quốc khó có thể mở cửa hoàn toàn thị trường tài chính, tự do hoá kinh tế toàn phần và dân chủ hoá mà không đối diện với nguy cơ mất ổn định kéo dài, nghĩa là thụt lùi. Nhưng dù gì thì dưới sức ép của phương tây, những đổi mới cần thiết về thể chế là điều mà Trung Quốc đang từng bước triển khai, tuy không thể như mô hình của phương tây, để đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia, trong khi vẫn duy trì được quyền lực của chế độ một đảng thống lĩnh, nhưng thân thiện hơn với xã hội dân sự, kinh tế thị trường tự do.
Nếu một cuộc khủng hoảng toàn cầu có thể thúc đẩy việc tái cân bằng vĩ mô thế giới thuận lợi hơn những thoả thuận chính trị, thì cũng là lúc nên chuẩn bị đối diện với cuộc suy thoái lớn.
Thế giới là vậy.
Sức mạnh kinh tế Việt Nam hiện có gì?
Lịch sử cho thấy Mỹ luôn chiến thắng các cuộc đối đầu kinh tế. Đầu tiên là với Liên Xô, kế đến là với Nhật Bản trong nửa cuối của thế kỷ 20… Vào thời kỳ hoàng kim nhất những năm 60-70 thế kỷ trước, GDP đầu người của Liên Xô đạt gần 10.000 USD, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hơn 4,3% so với Mỹ chỉ khoảng 3,1% (Litan: The paradox of catching up). Dù từng có nhiều dự đoán nền kinh tế Liên Xô sẽ sớm vượt Mỹ, nhưng Liên Xô vẫn phải sụp đổ là do không có một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, bất chấp việc từng sở hữu một lực lượng lao động được đào tạo tốt, nhiều nhà khoa học bằng cấp cao với khả năng nghiên cứu đẳng quốc tế và tất nhiên, một nền giáo dục tiên tiến. Nước Nga hậu Liên Xô thời gian đầu GDP tụt giảm đến hơn 50% trong vòng 10 năm, từ 579 tỉ USD vào năm 1990 xuống còn 251 tỉ USD vào năm 2000, nguyên nhân chính là do thiếu vắng khu vực kinh tế dịch vụ, chi phí giao dịch cao khiến hoạt động của thị trường không hiệu quả. Cũng có ý kiến cho rằng nền kinh tế Liên Xô tự sụp đổ. Điều đó phần nào đúng, nhưng không thể bỏ qua các yếu tố ngoại tác; như các thay đổi của chính sách tiền tệ quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ chủ động làm mất giá đồng USD liên tục kể từ những năm 50, khiến cho việc tích luỹ vốn tư bản của Liên Xô chưa khi nào được như kỳ vọng (hình). Nhật Bản là cuộc đua của đổi mới. Hoạt động đổi mới kinh tế của Nhật Bản chủ yếu là "đổi mới tiệm tiến", đóng vai trò phát huy và phổ biến những đổi mới cơ bản. Nhật Bản hầu như không chuyển hướng từ công nghệ chế biến (đổi mới tiệm tiến) sang công nghệ chế tạo (đổi mới cơ bản) ngay cả vào thời hoàng kim của nước này khi Nhật Bản chiếm ưu thế so với Mỹ trong nhiều lĩnh vực sản xuất. Nhờ những đổi mới trong công nghệ chế biến, Nhật Bản đã trở thành nước đứng đầu thế giới về luyện thép và sản xuất ô tô vào những năm 60,70 thế kỷ trước. Nhiều nghiên cứu kinh tế chỉ ra rằng, chính phủ Nhật Bản đã sai lầm khi đặt cược vào phát triển hệ thống truyền thông analog, trong khi bỏ qua sự trỗi dậy của máy vi tính cá nhân, phần mềm máy tính và tụt hậu về công nghệ không dây, internet. Nói tóm lại, sau nửa thế kỷ, Nhật Bản vẫn chậm chân hơn Mỹ một bước về công nghệ chế tạo. Dù rằng, trí tuệ của nhà nước đã biến Nhật Bản trở thành một quốc gia thịnh vượng, song đã không giúp được Nhật Bản chiếm lĩnh vị trí đi đầu trong tiến bộ công nghệ thế giới. |