Thấy gì từ việc Philippines gửi 100 công hàm phản đối hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông?
Từ 2016 đến nay, Philippines đã đệ trình tổng cộng 100 công hàm ngoại giao phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Các công hàm này được tính kể từ thời điểm ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền hồi tháng 6/2016.
Bộ Ngoại giao Philippines hôm 28/5 đã gửi công hàm ngoại giao thứ 100 phản đối "việc triển khai không ngừng, sự hiện diện kéo dài và các hoạt động bất hợp pháp" của các tàu Trung Quốc đặc biệt ở ngoài khơi đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Philippines chiếm đóng trái phép từ năm 1971).
Trước đó, Manila đã gửi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc hầu như hàng ngày trong tháng 4/2021, khi ít nhất 220 tàu của Bắc Kinh liên tục hiện diện trái phép tại khu vực đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr trước đó đã tuyên bố sẽ "gửi công hàm ngoại giao" phản đối Trung Quốc mỗi ngày cho đến khi Bắc Kinh rút toàn bộ tàu của nước này khỏi khu vực tranh chấp.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo chiến lược Hạ viện Philippines Johnny Pimentel hôm 30-5 đã trình dự luật chi khoảng 104 triệu USD để xây dựng 12 căn cứ hoạt động tiền phương (FOB) nhằm bảo vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Trong đó, bốn FOB được nhắm tới cho việc bảo vệ vùng biển ở Biển Đông mà Philippines tuyên bố thuộc EEZ của nước này sẽ được xây ở đảo Lubang (tỉnh Mindoro Occidental), vịnh Subic (tỉnh Zambales) và hai thị trấn Busuanga và Balabac (tỉnh Palawan).
Theo Dự luật Hạ viện số 9420, hay còn gọi là Dự luật về Căn cứ hoạt động tiền phương của hải quân Philippines, FOB là tiền đồn mà hải quân Philippines có thể thực hiện các nhiệm vụ cơ bản và sau này có thể được mở rộng để phục vụ các mục đích an ninh quốc gia. “Chúng tôi kỳ vọng các tiền đồn này sẽ đóng vai trò là nơi tập kết và tiếp tế trong tương lai cho các tàu chiến thế hệ mới của hải quân” – ông Pimentel cho biết.
Hồi cuối tháng 4/2021, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố sẽ không rút các tàu hải quân và tuần duyên đang tuần tra trên Biển Đông, khẳng định không "mặc cả" với Trung Quốc về vấn đề mà ông gọi là “chủ quyền của Philippines”.
Theo Tổng thống Duterte, mặc dù Philippines còn "nợ ân tình" Trung Quốc nhiều thứ, trong đó có 1 triệu liều vaccine Covid-19 miễn phí, nhưng tuyên bố của Philippines đối với Biển Đông là "không thể mặc cả".
Nhà lãnh đạo Philippines cho biết, có những điều "thực sự không thể thỏa hiệp, như việc chúng tôi rút tàu. Điều đó rất khó. Tôi mong họ sẽ hiểu, tôi phải bảo vệ lợi ích của đất nước mình".
Tuyên bố của ông Duterte được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông leo thang khi Bắc Kinh từ chối rút tàu ra khỏi nhiều khu vực ở Biển Đông, cũng như Philippines tăng cường tuần tra hàng hải tại khu vực.
Trong những tuần gần đây, Philippines đã có một giọng điệu cứng rắn hơn trước sự hiện diện kéo dài của hàng trăm tàu thuyền Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Ông Duterte cho rằng Mỹ đã không gửi được tàu đến khu vực trong thời gian xảy ra căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc. Nhưng dù Mỹ có giúp Philippines lần này hay không thì ông Duterte vẫn nhấn mạnh rằng các tàu sẽ tiếp tục ở lại trong khu vực.
Mối quan hệ căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đã tan băng dưới thời ông Duterte, người đã gác lại phán quyết tòa trọng tài năm 2016 về biển Đông để đổi lấy những hứa hẹn về thương mại và đầu tư của Trung Quốc. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đến nay điều đó vẫn chưa thành hiện thực.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết, ông sẽ điều "tàu vỏ xám", tức loại tàu quân sự được ngụy trang đến Biển Đông nếu Trung Quốc tìm cách khai thác dầu mỏ, niken, đá quý... tại các khu vực tranh chấp.
Mặc dù vẫn muốn “là bạn” vớ Bắc Kinh, song Tổng thống Duterte khẳng định các quan điểm của Philippines đối với các nguồn tài nguyên như dầu mỏ và khoáng sản ở Biển Đông.
Ở thời điểm hiện tại, ông Tổng thống Philippines cho biết "không quan tâm nhiều tới việc đánh bắt cá" và cho rằng tranh chấp về nghề cá không phải vấn đề đủ lớn để tranh cãi với Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tìm cách khai thác dầu mỏ, niken, đá quý... tại các khu vực tranh chấp, thì Manila chắc chắn sẽ điều "tàu vỏ xám", tức loại tàu quân sự được ngụy trang đến Biển Đông để đối phó.
Cho ý kiến về vấn đề này, mới đây, một nhóm luật sư và giáo sư Philippines cũng đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành động được cho là “khiêu khích” ở Biển Đông, thay vào đó là giúp các quốc gia chống lại đại dịch Covid-19.
Nhóm này kêu gọi Trung Quốc ngừng hành động khiêu khích trên Biển Đông và cùng các nước ASEAN chống lại đại dịch Covid-19 toàn cầu.
Những người đứng tên trong tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana trong việc yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu ra khỏi khu vực đang hiện diện và kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ các nguyên tắc luật pháp quốc tế với tư cách là một bên ký Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Có thể bạn quan tâm
Nước Anh làm gì để phản ứng hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông?
05:05, 28/05/2021
Biến Biển Đông thành “ao nhà”: Trung Quốc đang tự hủy lợi ích của đất nước mình!
05:00, 25/05/2021
Nguy cơ “chiến tranh nóng” trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc
05:30, 18/05/2021
Trung Quốc tiếp tục công khai mưu đồ bá chủ Biển Đông
05:00, 04/05/2021
Trung Quốc lại tập trận ở Biển Đông
11:00, 26/04/2021
EU bất ngờ cảnh báo Trung Quốc về vấn đề biển Đông
05:08, 26/04/2021
Philippines sẽ điều "tàu vỏ xám" đối phó Trung Quốc trên Biển Đông
05:04, 21/04/2021
Bức ảnh hạm trưởng và vai trò của Mỹ ở Biển Đông
05:26, 20/04/2021
Đang có quan hệ hữu hảo, vì sao Nhật Bản vẫn “nắn gân” Trung Quốc ở Biển Đông?
04:50, 15/04/2021
Mỹ tiếp tục phản đối Trung Quốc đe dọa các nước ở Biển Đông
14:40, 07/04/2021
Mỹ và các đồng minh "hợp lực" ngăn Trung Quốc thống trị Biển Đông
11:00, 07/04/2021