Cảnh báo nguy hiểm từ sự cố rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc

CẨM ANH 14/06/2021 16:49

Hiện nay có nhiều báo cáo bày tỏ sự lo ngại về sự cố rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.

Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, ảnh chụp năm 2018

Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn. Ảnh chụp năm 2018

Theo thông tin độc quyền từ CNN, công ty Pháp Framatome đã gửi thư cho Chính phủ Mỹ nhờ giúp đỡ về mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra với nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc. Được biết, công ty này vốn sở hữu một phần và giúp vận hành nhà máy trên.

Trong thư, công ty Framatome cũng đã cảnh báo các quan chức Mỹ rằng lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy trên đang rò rỉ khí phân hạch hạt nhân (fission gas); cũng như cáo buộc cơ quan quản lý an toàn của Trung Quốc đang nâng giới hạn về lượng khí có thể xả ra bên ngoài nhà máy với mức chấp nhận được, để tránh phải đóng cửa nhà máy.

Một trong các nguồn tin cho biết, bất chấp cảnh báo từ Công ty Framatome, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn tin rằng nhà máy trên chưa ở "mức khủng hoảng". Tình hình tại nhà máy trên không đặt ra mối đe dọa an toàn nghiêm trọng cho người làm việc ở đó hoặc công chúng Trung Quốc. Bên cạnh đó, đối tác (vốn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc) của công ty này vẫn chưa thừa nhận có vấn đề.

Nếu vụ rò rỉ trên vẫn tiếp tục xảy ra hoặc diễn biến nghiêm trọng hơn mà không được sửa chữa, kịch bản đó có thể đặt Mỹ vào một tình huống rắc rối. Trước mắt các nguồn tin tại Mỹ cho hay, chính quyền ông Biden đã thảo luận tình hình liên quan nhà máy trên với Chính phủ Pháp cũng như với các chuyên gia tại Bộ Năng lượng Mỹ. Mỹ cũng liên lạc với Chính phủ Trung Quốc, nhưng không rõ liên lạc ở cấp nào.

Các quan chức tại NSC, Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng Mỹ khẳng định, nếu tồn tại bất kỳ rủi ro nào đối với người dân Trung Quốc, Washington sẽ được yêu cầu công bố nó theo các hiệp ước hiện hành liên quan đến tai nạn hạt nhân.

Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc gần Việt Nam nhất. (Ảnh: Power-technology.com).

Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: Power-technology.com

Mới đây, theo bản ghi nhớ của Framatome, lò phản ứng tại nhà máy Taishan đã đạt 90% giới hạn rò rỉ được điều chỉnh cho phép, gây lo ngại nhà vận hành. Có khả năng trong thời gian tới, nhà máy này sẽ gửi kiến nghị cơ quan chịu trách nhiệm tăng cường an ninh quốc gia thông qua ứng dụng quân sự của khoa học hạt nhân và phóng xạ NNSA tăng giới hạn tắt máy trên cơ sở khẩn cấp nhằm nỗ lực tiếp tục được hoạt động.

Các chuyên gia đánh giá, nếu tiếp tục nâng giới hạn rò rỉ sẽ làm tăng rủi ro cho người dân bên ngoài và công nhân tại khu vực nhà máy. Trao đổi với CNN, Cheryl Rofer, nhà khoa học hạt nhân nghỉ hưu của Mỹ, cảnh báo việc rò rỉ khí ga từ nhà máy hạt nhân có thể tiềm ẩn vấn đề lớn hơn.

"Nếu họ bị rò rỉ khí ga thật thì cho thấy một số bồn chứa đã bị nứt," ông phân tích. "Nó cũng thể hiện là có thể một số thành tố nhiên liệu bị hỏng, điều có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn." - vị chuyên gia này nói thêm.

Hiện nay, Bắc Kinh đang đẩy mạnh hoạt động phát triển năng lượng, trong đó điện hạt nhân không chỉ là ưu tiên chiến lược trong nước mà còn nằm trong chiến lược hợp tác ngoại giao. Trước đó, lãnh đạo Trung – Nga đã có cuộc họp trực tuyến diễn ra cùng dịp với lễ khởi công xây dựng 4 lò phản ứng mới tại hai nhà máy hạt nhân ở Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi 4 lò phản ứng mới là thành tựu mang tính bước ngoặt và nhấn mạnh rằng chúng phải được xây dựng, cũng như vận hành theo tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn hạt nhân.

Bên cạnh đó, những nhà mày điện hạt nhân này sẽ giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào nhà máy nhiệt điện than, đảm bảo nhu cầu năng lượng đồng thời đưa quốc gia này hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Tuy nhiên, ngoài các quan chức và công ty Trung Quốc, không ai có thể biết rõ ràng mục đích sử dụng của các dự án điện hạt nhân là phục vụ cho năng lượng dân sự hay cho nhu cầu khác, như củng cố sức mạnh quân sự.

Frank von Hippel, một nhà vật lý nghiên cứu hạt nhân cấp cao và là người đồng sáng lập Chương trình Khoa học & An ninh Toàn cầu của Đại học Princeton cho biết sự thiếu minh bạch của Trung Quốc đang bắt đầu gây lo ngại về tính an toàn cũng như việc không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhà máy hạt nhân Chernobyl có thể phát nổ lần nữa

    Nhà máy hạt nhân Chernobyl có thể phát nổ lần nữa

    05:23, 17/05/2021

  • Mỹ không thể “phi hạt nhân” Triều Tiên!

    Mỹ không thể “phi hạt nhân” Triều Tiên!

    06:03, 08/04/2021

  • Dự đoán giới hạn của hạt nhân nguyên tử: Mô phỏng các vùng rộng của sơ đồ nuclit

    Dự đoán giới hạn của hạt nhân nguyên tử: Mô phỏng các vùng rộng của sơ đồ nuclit

    07:33, 28/01/2021

  • Năng lượng hạt nhân có thể tái tạo không?

    Năng lượng hạt nhân có thể tái tạo không?

    13:48, 25/11/2020

CẨM ANH