Thế giới chạy đua phát triển thuốc vaccine phòng Covid-19
Mới đây, hãng dược Oramed của Israel cho biết sẽ bắt đầu cuộc thử nghiệm lâm sàng thuốc vaccine Covid-19 đường uống đầu tiên vào đầu tháng 8.
Theo Giám đốc điều hành của Oramed, ông Nadav Kidron cho biết một loại vaccine có thể uống được sẽ phù hợp với các nước đang phát triển, giúp giảm gánh nặng hậu cần trong các chiến dịch tiêm chủng đại trà khi không cần điều kiện bảo quản lạnh như vaccine dạng tiêm, vận chuyển dễ dàng hơn.
“Tuy nhiên, giải pháp này cũng thích hợp với các nước phát triển, nơi nhiều người không muốn đi tiêm phòng vaccine. Các lợi ích khác của vaccine dạng viên là giảm lượng xi-lanh và rác thải nhựa, đồng thời có thể giảm các tác dụng phụ”, ông Kidron cho biết thêm.
Theo một cuộc thăm dò gần đây, 19 triệu người Mỹ chưa tiêm chủng cho biết sẽ tiếp nhận vaccine ngừa COVID-19 nếu có một loại vaccine dạng viên để uống. Oramed tin rằng hãng sẽ vượt qua các rào cản kỹ thuật trên bằng cách thiết kế một viên nang có thể tồn tại trong môi trường axit cao của ruột.
Trước đó, công ty này đã áp dụng công nghệ này để sản xuất dạng insulin uống thử nghiệm cho người mắc bệnh tiểu đường thay vì tiêm. Viên nang này có một lớp phủ ngoài có khả năng bảo vệ cao khiến nó chậm bị tiêu hóa trong đường ruột và còn sinh ra các phân tử chống virus. Dự kiến, thuốc viên nang này đã được kê cho hàng trăm bệnh nhân tiểu đường trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối tại Mỹ, kết quả sẽ được công bố vào tháng 12/2022.
Hiện nay, nhiều công ty dược phẩm khác cũng bắt đầu đẩy mạnh quá trình sản xuất thuốc viên vaccine phòng Covid-19. Hãng công nghệ dược phẩm Vaxart có trụ sở tại San Francisco thông báo, vaccine Covid-19 dạng viên tiềm năng của hãng đang được thử nghiệm giai đoạn hai.
Tương tự, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Ấn Độ (IISc) và startup công nghệ sinh học Mynvax phát triển đã tạo ra bước tiến đáng chú ý trong hướng đi này. Các nhà nghiên cứu, bao gồm cơ quan khoa học quốc gia Australia, ghi nhận vaccine dạng viên vẫn ổn định ở 37 độ C trong tối đa một tháng và 100 độ C trong tối đa 90 phút. Kết quả thử nghiệm trên chuột hồi tháng trước cho thấy vaccine có thể tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ với Covid-19, vô hiệu hóa được 4 biến chủng nCoV, bao gồm Delta.
Các chuyên gia nhận định, loại vaccine dạng thuốc viên cho phép vaccine được đưa đến ruột, nơi chứa hầu hết các tế bào miễn dịch, và cũng có thêm lợi ích là dễ dàng vận chuyển mà không cần đến dây chuyền bảo quản phức tạp.
Như Patrick Soon-Shiong, Chủ tịch và giám đốc điều hành của ImmunityBio đánh giá, công nghệ sản xuất vaccine qua đường uống có tiềm năng thay đổi cách mọi người sử dụng vaccine và giải quyết những thách thức trong việc bảo quản và phân phối trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Javeed Siddiqui, đồng sáng lập và giám đốc y tế tại TeleMed2U thông tin thêm, một số nhà sản xuất cũng đã bắt đầu phát triển một loại vaccine phòng Covid-19 xịt qua mũi. Dự kiến, vaccine dạng xịt qua mũi có thể ra mắt vào năm 2022, tuy nhiên điều này có thể kéo dài dựa trên hiệu quả của vaccine trong các thử nghiệm lâm sàng.
Dù được phát triển dưới hình thức nào, chuyên gia này cũng thông tin thêm, các thế hệ vaccine trong tương lai sẽ được tăng cường hoạt động chống lại các biến chủng của virus. Đồng thời, việc có thể bảo quản vaccine ở nhiệt độ phòng cũng sẽ giúp việc sử dụng trở nên dễ dàng hơn nhiều.
“Các nhà khoa học, chính phủ và các viện nghiên cứu đang nỗ lực cải thiện những gì chúng ta có từ vaccine dạng tiêm. Từ dữ liệu của các loại vaccine hiện tại, các nhà nghiên cứu có thể biết rõ bộ phận nào của virus kích thích phản ứng miễn dịch. Từ đó các loại vaccine thế hệ mới sẽ trở nên ưu việt hơn và tạo ra sự bảo vệ lâu dài, cũng như cung cấp sự bảo vệ khỏi các biến chủng”, ông đánh giá.
Mặc dù vậy, tại thời điểm này, còn quá sớm để biết liệu những loại vaccine này có hiệu quả như vaccine tiêm hay không. Mặt khác, do không phải bảo quản ở chế độ lạnh, các nước phát triển không thực sự quan tâm đến việc nghiên cứu những loại vaccine này.
Tuy nhiên, công nghệ này được kỳ vọng sẽ là chìa khóa để phát triển các loại vaccine có thể được sử dụng bằng đường uống mà không làm giảm hiệu quả; cũng như có tiềm năng giải quyết những thách thức của vaccine truyền thống như tiết kiệm chi phí sản xuất cũng như giảm sự phụ thuộc của hệ thống y tế vào các chuyên gia y tế được đào tạo để điều hành các chương trình tiêm chủng.
Có thể bạn quan tâm