Chiến lược "sống chung với COVID-19" từ hai hình mẫu Châu Á
Mười tám tháng sau khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện, các chính phủ ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các cách thức để sống chung với dịch bệnh.
Hai hình mẫu châu Á
Sáng kiến "luồng vaccine" được đưa ra nhằm thiết lập các tuyến đường di chuyển thuận lợi đến và đi khỏi Singapore cho những người đã tiêm chủng. Cụ thể, quốc gia này đã triển khai các tuyến vận chuyển hành khách đã tiêm vaccine đầy đủ bằng đường hàng không với Đức và Brunei bắt đầu từ ngày 8/9.
Theo đó, tất cả những người đã tiêm vaccine đầy đủ khởi hành từ Đức hoặc Brunei có thể nhập cảnh Singapore mà không cần cách ly. Những luồng bay dành cho người tiêm chủng sẽ được mở cho tất cả các mục đích di chuyển khác nhau, từ công việc, vui chơi giải trí đến thăm người thân.
Đây là một phần trong chương trình hành động của Singapore nhằm hướng đến mục tiêu "sống chung với COVID-19". Hiện tại, quốc gia này đã cho phép các trung tâm mua sắm mở cửa trở lại. Doanh nghiệp Singapore sẽ có 50% nhân viên được quay lại văn phòng. Các sự kiện như hòa nhạc, hội nghị, thi đấu thể thao, rạp chiếu phim cũng được đón đến 1.000 khách nếu toàn bộ người tham gia đã tiêm vaccine… sau khi từ bỏ chiến lược “không COVID-19”.
Hiện tại, Singapore đang nỗ lực để đạt được mốc tiêm chủng diện rộng theo kế hoạch, hướng tới mục tiêu thay vì theo dõi số lượng ca nhiễm hàng ngày, các cơ quan chức năng sẽ tập trung vào số bệnh nhân diễn tiến nặng. Những người nhiễm COVID-19 sẽ được hướng dẫn điều trị tại nhà, giảm tải cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Theo Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong cho biết, Singapore chỉ muốn mở cửa nền kinh tế “vào đúng thời điểm”. Chính vì vậy, thay vì lựa chọn cách thức nới lỏng ngay lập tức các biện pháp giãn cách xã hội, quốc đảo này đã lên kế hoạch mở cửa một phần để tránh bùng phát nhanh các ca nhiễm mới.
Tương tự, thay vì tập trung ngăn chặn số ca nhiễm mới gia tăng, Israel cũng hướng nguồn lực vào các ca bệnh chuyển biến nặng, một chiến thuật mà các quan chức gọi là “áp chế mềm”. Với việc đẩy nhanh chiến lược tiêm chủng, gần 60% người dân đã được tiêm đầy đủ hai mũi, Israel đang đẩy mạnh việc tiêm chủng mũi vaccine thứ 3 để hướng tới việc tái mở cửa nền kinh tế và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế.
Chiến lược sống chung với COVID-19
Theo các chuyên gia y tế đánh giá, các quốc gia có thể theo dõi chặt chẽ các diễn biến tại Singapore và Israel để tìm cách thức sống chung với COVID-19. Cụ thể, nhà khoa học dữ liệu Eran Segal thuộc Viện khoa học Weizmann nhận định, để tiến hành tái mở cửa nền kinh tế, điều quan trọng nhất là cả 2 quốc gia châu Á nói trên đều đã tiến hành chiến dịch tiêm chủng một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Tại Israel và Singapore, tỷ lệ người dân được tiêm chủng vaccine COVID-19 đều đạt con số 80%. “Mặc dù số ca mắc mới vẫn còn cao, nhưng thay đổi là tỷ lệ lây nhiễm và số ca mắc bệnh nặng đều đã giảm xuống. Tốc độ lây lan của dịch cũng chậm lại”, chuyên gia này cho biết.
Dữ liệu mới nhất của Bộ Y tế Israel cho thấy số ca nhiễm nghiêm trọng đã giảm xuống 673 vào thứ Năm (2/9). Bên cạnh đó chỉ khoảng 20-30 ca tử vong mỗi ngày, ít hơn một nửa so với vào tháng 1/2021. “Điều này là minh chứng cho thấy tiêm đầy đủ hai mũi vaccine có hiệu quả lớn trong việc giảm tải áp lực lên hệ thống y tế”, ông Segal nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc thực thi một số các biện pháp bắt buộc như đeo khẩu trang tại nơi công cộng, hạn chế tụ tập và đẩy mạnh xét nghiệm vẫn được tiến hành tại Singapore và Israel. Đồng thời, việc tiêm mũi thứ ba vaccine COVID-19 đang được xem xét nghiêm túc để tăng cường kháng thể, đặc biệt là với những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Giáo sư Paul Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội vi sinh lâm sàng và nhiễm trùng Châu Á Thái bình dương tại Singapore chỉ ra, trên thực tế biến chủng Delta dễ lây nhiễm hơn, ngay cả trong một cộng đồng được tiêm chủng tốt. Kéo theo đó, số lượng bệnh nhân dù được tiêm chủng đầy đủ song vẫn chưa có vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Do đó, đối tượng này sẽ dễ bị nhiễm COVID-19 nếu trong cộng đồng vẫn còn người không tiêm vaccine.
Mặt khác, tác dụng miễn dịch và kháng thể của vaccine-19 sẽ giảm đi sáu tháng sau khi tiêm chủng, ở tất cả các nhóm tuổi. Do đó, để COVID-19 thành một căn bệnh bình thường, các quốc gia cần tính đến việc đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vaccine để chủ động đối phó, cũng như học cách quản lý dịch mà không làm ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế thay vì “đóng băng” một thời gian dài.
Có thể bạn quan tâm
COVID-19 phá hủy các nước nghèo như thế nào?
06:00, 05/08/2021
Các nước Đông Nam Á "loay hoay" tìm cách thoát khỏi đại dịch Covid-19
05:00, 26/07/2021
Các nước châu Á chạy đua hợp tác sản xuất vaccine COVID-19
04:20, 07/06/2021
Quỹ hỗ trợ phát triển Du lịch (Bài 3): Các nước triển khai ngân sách ra sao?
11:05, 29/05/2021
Lĩnh vực sản xuất của các nước ASEAN tăng trưởng trở lại
11:00, 07/04/2021