Kinh tế thế giới suy giảm (Kỳ I): “Ngấm đòn” biến thể Delta
Biến thể Delta lan rộng ra nhiều quốc gia, khiến kinh tế thế giới giảm tốc rõ rệt. Đà giảm tốc này có thể kéo dài sang cả năm 2022, trong đó Mỹ và Trung Quốc chịu tác động nặng nề nhất.
Giảm tốc phục hồi
Trong bối cảnh hiện tại, giá dầu phụ thuộc lớn vào đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong khi kinh tế toàn cầu phụ thuộc lớn vào Mỹ, Trung Quốc và EU. Trong đó, động thái phục hồi của Mỹ và Trung Quốc là quan trọng nhất, bởi vì hai quốc gia này tiêu thụ nhiều dầu lửa nhất thế giới với tỷ trọng lần lượt là 21% và 14%, vượt xa nước đứng thứ ba thế giới là Ấn Độ chỉ chiếm tỷ trọng 5%.
Các nền kinh tế này đã có sự phục hồi tốt từ cuối 2020 đến nay nhờ các chiến dịch tiêm chủng qui mô lớn. Tuy nhiên, kể từ tháng 5/2021 khi biến thể Delta bắt đầu lan rộng từ Ấn Độ sang nhiều nước, nó đã làm giảm tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu cho đến thời điểm hiện tại, và xu hướng này có thể kéo dài đến năm 2022.
Trên thực tế, kể cả trong trường hợp không có sự xuất hiện của biến thể Delta thì tốc độ phục hồi cũng phải chậm lại vì, sự phục hồi mạnh thường chỉ xảy ra trong thời gian ngắn khi nền kinh tế tăng tốc từ điểm xuất phát gần như bằng không. Khi đã trở lại trạng thái gần bình thường hoặc bình thường thì tốc độ sẽ chậm lại và ổn định ở mức trước đại dịch.
Dấu hiệu đáng ngại từ Mỹ - Trung
Tăng trưởng GDP (hàng năm) của Mỹ quý I và II/2021 lần lượt là 0,5% và 12,2%, cho thấy sự phục hồi rất lớn, nhưng chỉ số PMI công nghiệp chế tạo trong tháng 8 sụt giảm xuống mức 61,1 điểm từ mức 63 điểm trong tháng 7 báo hiệu sự giảm tốc trong quý III và cả quý IV/2021. Thêm vào đó, chỉ số gia tăng việc làm trong tháng 8 đã gây thất vọng khi chỉ ở mức 235.000 việc làm, hụt xa so với mức kỳ vọng 720.000 việc làm. Điều này cho thấy kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc nửa cuối năm 2021 và dần bình thường năm 2022.
Trong khi Trung Quốc có quý I tăng trưởng rất cao với mức tăng trưởng GDP lên tới 18,8% và quý II giảm tốc nhanh với mức chỉ là 7,9%. Đáng lưu ý hơn, trong 2 tháng đầu quý III khi tình hình dịch bệnh tái bùng phát thì sản xuất công nghiệp có dấu hiệu giảm khá mạnh. PMI công nghiệp tháng 7 là 50,3 điểm, chỉ cao hơn mức ngưỡng 50 điểm một chút. Sang tháng 8, chỉ số này sụt mạnh xuống còn 49,2 điểm cho thấy sản xuất công nghiệp đang bị thu hẹp.
Những dấu hiệu trên cho thấy tốc độ phục hồi ở Trung Quốc trong nửa cuối năm 2021 sẽ giảm mạnh khi, một mặt, nền kinh tế cạn kiệt dư địa tăng trưởng và, mặt khác, phải đối phó với hàng loạt khó khăn khác, như tình trạng nợ nần trong nền kinh tế rất cao, lên tới 317% GDP của nước này. Mức thất nghiệp cũng rất cao đáng báo động. Mức thất nghiệp ở thành phố là 5%, giảm từ mức 6,2% trong năm 2020, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi từ 16 - 24 lại lên tới 13,8%. Đáng lưu ý, mức thất nghiệp này không bao gồm số thất nghiệp trong số 149 triệu lao động tự doanh và 300 triệu lao động di cư. Vì vậy, tỷ lệ thất nghiệp thật của Trung Quốc phải lên tới 20%. Điều này làm cho cầu tiêu dùng nội địa khó trở thành trụ cột cho tăng trưởng trong khi nước này đối mặt với khó khăn bên ngoài.
Kỳ II: Giá dầu sẽ ra sao?
Có thể bạn quan tâm
Kịch bản nào cho kinh tế thế giới năm 2022?
12:00, 07/09/2021
Kinh tế thế giới thời Covid (Kỳ II): Thách thức và triển vọng cuối năm
04:00, 31/07/2021
Kinh tế thế giới thời COVID (Kỳ I): Phục hồi trong gian khó
11:00, 27/07/2021
"Bứt phá" tăng trưởng để bắt nhịp kinh tế thế giới
18:34, 13/06/2021
“Bắt mạch” kinh tế thế giới
11:00, 10/02/2021