Hồ sơ Pandora: Phơi bày bí ẩn khối tài sản khổng lồ của nhiều tỷ phú và chính trị gia
Mới đây Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã công bố một báo cáo rò rỉ mới về những bí mật tài chính của nhiều tỷ phú và quan chức chính phủ.
Với sự tham gia của các nhà báo đến từ Washington Post, BBC, Guardian... "Hồ sơ Pandora" tập hợp 11,9 triệu tập tài liệu bị rò rỉ từ hàng chục công ty dịch vụ tài chính, hé lộ giao dịch và tài sản nước ngoài của hơn 100 tỷ phú, 35 lãnh đạo thế giới ở những thiên đường thuế như Panama, Dubai, Monaco, Thụy Sĩ và quần đảo Cayman.
Khối tài liệu khổng lồ này đã tiết lộ bí mật về các nguồn tài chính cùng giao dịch ở nước ngoài của 35 lãnh đạo thế giới, hơn 300 quan chức như bộ trưởng, thẩm phán, thị trưởng và tướng lĩnh quân đội ở hơn 90 nước. Hơn 100 tỷ phú từ Nga, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác cùng những người nổi tiếng và các lãnh đạo doanh nghiệp cũng bị điểm tên trong Hồ sơ Pandora.
Ngoài nhiều lãnh đạo đương chức và nghỉ hưu của thế giới, hơn 330 chính trị gia và quan chức cấp cao có liên quan đến các tài khoản ở nước ngoài. Theo "Hồ sơ Pandora", những người có quyền lực, thay vì có thể giúp dọn dẹp hệ thống "thiên đường thuế" ở nước ngoài lại hưởng lợi từ chúng thông qua những công ty bình phong hay quỹ tín thác.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng lên tiếng phản đối việc trốn thuế trong nhiều thập kỷ, song những rò rỉ tiết lộ rằng ông và vợ có thể đã sở hữu một tòa nhà trị giá 8,8 triệu USD (7,6 triệu euro) khi mua một công ty bất động sản nước ngoài của gia đình Bộ trưởng Công nghiệp và Du lịch Bahrain Zayed bin Rashid al-Zayani. Bằng cách mua cổ phần của công ty - chứ không phải trực tiếp mua tòa nhà, ông Blair và vợ đã có thể tránh phải nộp thuế tài sản tổng cộng 400.000 USD.
Các tài liệu từ Hồ sơ Pandora cũng tiết lộ thêm, vua Abdullah II của Jordan tạo ra mạng lưới các công ty ở nước ngoài và các thiên đường thuế để tích lũy khối tài sản trị giá 100 triệu USD từ Malibu, California đến Washington và London.
Hồ sơ cũng tiết lộ gia đình và các cộng sự của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã bí mật tham gia vào các thương vụ mua bất động sản trị giá hàng trăm triệu USD ở Anh.
Tổng cộng, ICIJ đã tìm thấy mối liên hệ giữa gần 1.000 công ty ở các thiên đường thuế nước ngoài và 336 chính trị gia, quan chức cấp cao, gồm hơn chục người đang là lãnh đạo các nước cùng loạt bộ trưởng, đại sứ và các chức vụ khác.
Báo cáo này cũng chỉ ra, công ty luật hàng đầu của Mỹ Baker McKenzie là một trong số những thực thể đứng đằng sau hệ thống thiên đường thuế ở nước ngoài, nơi các cá nhân có thể che giấu tài sản bí mật. Ngoài ra, hơn 2/3 trong số các công ty đó được thành lập ở Quần đảo Virgin thuộc Anh, một khu vực được biết đến như một chốt quan trọng trong hệ thống thiên đường thuế.
Có thể thấy, "Hồ sơ Pandora", với 2,94 terabyte dữ liệu, là vụ rò rỉ lớn nhất trong những năm gần đây so với "Hồ sơ Panama" (2016) và "Hồ sơ Paradise" (2017). Các phát hiện của ICIJ và các đối tác truyền thông đã cho thấy tài chính bí mật đã thâm nhập sâu vào nền chính trị toàn cầu như thế nào; đồng thời cung cấp những hiểu biết sâu sắc về lý do tại sao các chính phủ và các tổ chức quốc tế đã đạt được rất ít tiến bộ trong việc chấm dứt việc lạm dụng tài chính ở nước ngoài.
Theo một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2020 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế có trụ sở tại Paris, ít nhất 11,3 nghìn tỷ đô la Mỹ được giữ ở các thiên đường thuế. Do tính phức tạp và bí mật của hệ thống, không thể biết được có bao nhiêu tài sản được lưu trữ tại đây gắn liền với tội trốn thuế và các tội khác.
Có thể bạn quan tâm