Nhật Bản tái cấu trúc kinh tế toàn diện
Tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio hứa hẹn sẽ tạo ra nền kinh tế tư bản chủ nghĩa mang đặc sắc Nhật Bản trong bối cảnh kinh tế nước này suy giảm mạnh.
Nhật Bản được xếp vào nhóm nước “tư bản già” một cách toàn diện, từ lịch sử ra đời đến kết cấu kinh tế.
Nền kinh tế “già cỗi”
Chủ nghĩa tự do mới không giúp kinh tế Nhật tạo ra “thần kỳ thứ hai”, trong khi chính sách thắt lưng buộc bụng dồn lực phát triển công nghệ, kinh tế không thể áp dụng như thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ II.
Nhìn toàn cảnh, các công ty công nghệ rường cột tại Nhật Bản ngày càng “lép vế” so với những cái tên mới nổi. Theo bảng xếp hạng Fortune Global 500 (Mỹ), chỉ còn Hitachi trong top 10 toàn cầu nhưng có doanh thu và lợi nhuận không đáng kể.
Những chính sách gắn liền với các đời Thủ tướng Nhật Bản như Abenomics, Suganomics vẫn không cứu nổi đà suy thoái chưa từng có tiền lệ của kinh tế Nhật. Tính chung trong năm tài khóa 2020, kết thúc vào cuối tháng 3/2021, GDP thực tế của Nhật Bản giảm 4,6% so với năm tài khóa trước đó. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ khi Nhật Bản bắt đầu thu thập dữ liệu về GDP từ năm tài khóa 1955 và là năm thứ hai liên tiếp Nhật Bản rơi vào suy thoái.
Những ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19 đang khiến kinh tế Nhật rơi vào tình trạng suy thoái kép hình chữ “W”, với tiêu dùng cá nhân suy giảm mạnh và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.
Cải tổ như thế nào?
Với việc nhắc đến thể chế gắn với đặc sắc dân tộc, Thủ tướng thứ 100 của xứ sở hoa anh đào được cho sẽ tiến hành cuộc cải tổ toàn diện đất nước, không chỉ tập trung vào tiền tệ, tín dụng hay tiêu dùng mà còn tác động vào kiến trúc thượng tầng, làm mới guồng máy tư bản.
Chiến lược tái cấu trúc kinh tế của tân Thủ tướng Nhật gồm có 3 cam kết: Lắng nghe đầy đủ tiếng nói của nhân dân; hình thành xã hội tôn trọng tính cá biệt và đa dạng; hướng tới xã hội chia sẻ, và 3 chính sách: Toàn lực ngăn ngừa đại dịch COVID-19; hình thành chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản; củng cố chính sách ngoại giao.
Với chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản, các nhà kinh tế phương Tây đưa ra bình luận rằng, nó gần giống với chủ nghĩa xã hội, khi thị trường tân tự do bị xem xét, thay vào đó tăng quyền lực nhà nước. Nhật Bản sẽ thiết kế lại chế độ phân phối hài hòa với tăng trưởng kinh tế, theo hướng san sẻ nhiều hơn cho tầng lớp yếu thế với quan điểm không phân phối đủ thì khó kích thích tiêu dùng.
Thuật ngữ “4 trụ cột Kishida” bắt đầu phổ biến, “thay máu” nền công nghệ; hình thành quốc gia công nghệ số; đảm bảo an ninh kinh tế; và tăng cường an sinh xã hội cho tầng lớp người cao tuổi.
Tín hiệu thay đổi ở Nhật Bản là chỉ dấu rất đáng chú ý trong bộ máy tư bản chủ nghĩa hiện nay. Xét về góc độ phương pháp luận, chúng đều trên một trục quay giống Mỹ và Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Lào nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số với sự trợ giúp từ startup Nhật Bản
04:26, 05/10/2021
Kỳ vọng và thách thức đối với Tân Thủ tướng Nhật Bản
05:19, 01/10/2021
Lộ diện tỷ phú soán ngôi giàu nhất Nhật Bản của ông chủ Uniqlo
02:02, 15/09/2021
Việt Nam, Nhật Bản bàn về Biển Đông và Hoa Đông
19:00, 12/09/2021