Tiếng chuông cảnh báo từ châu Âu
Việc châu Âu đứng trước nguy cơ tái phong tỏa là bài học cho các nước trên thế giới tính toán lại cách thức "sống chung với Covid-19".
>> Hồi chuông cảnh báo về làn sóng dịch mới từ châu Âu
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những quốc gia tại châu Âu đang nới lỏng các biện pháp hạn chế đều chứng kiến dịch bùng lên trở lại. Bất chấp tỉ lệ tiêm ngừa cao, số ca mắc COVID-19 mới hằng ngày tại châu Âu tăng 55% trong vòng 1 tháng qua và gần chạm các mức kỷ lục ghi nhận trong suốt đại dịch. Tình hình có thể khiến hơn 500.000 người tử vong trong giai đoạn từ nay đến tháng 2-2022.
Tình trạng tăng vọt ca nhiễm nhiều nhất hiện được ghi nhận ở Áo và Hà Lan, trong khi con số ở Đức cũng gần tương tự. Để so sánh, tỉ lệ lây nhiễm ở Anh, một trong số quốc gia có tình trạng đại dịch tồi tệ nhất Châu Âu vào tháng trước, giờ chỉ bằng một nửa so với ở Áo.
Điều này đã buộc một số nước phải tái áp dụng các biện pháp phong tỏa trở lại. Mới đây, Chính phủ Áo đã đưa ra biện pháp ứng phó bằng cách hạn chế nghiêm ngặt chỉ đối với những người chưa tiêm chủng vaccine COVID-19. Những người này bị cấm đến các nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ và nhiều địa điểm công cộng khác.
Tuy nhiên, rõ ràng các biện pháp này là không đủ, vì vậy, Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg tuyên bố triển khai một đợt phong tỏa tối đa 20 ngày đối với tất cả mọi người, bắt đầu từ ngày 22.11. Đáng chú ý, Áo sẽ triển khia yêu cầu tiêm chủng bắt buộc sẽ được áp dụng từ tháng 2/2022. Như vậy, Áo sẽ nằm trong số 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện tiêm chủng bắt buộc - sau Indonesia, Micronesia và Turkmenistan.
Trong khi đó, tại Đức,Tiến sĩ Lothar Wieler, người đứng đầu Viện Robert Koch, cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức đang kêu gọi một cuộc phong tỏa trên phạm vi toàn quốc ngay lập tức. Phát biểu trước truyền thông, ông nhấn mạnh: "Đây là tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Chúng tôi cần phải hãm phanh khẩn cấp".
Có thể thấy, trong bối cảnh nhiệt độ xuống thấp, khiến người dân ở trong không gian kín nhiều hơn, cùng mùa cúm đang đến gần, dịch bệnh ở châu Âu được dự báo sẽ càng thêm nghiêm trọng. ECDC cảnh báo số ca bệnh và trường hợp tử vong trong 2 tuần tới ở khu vực này sẽ tăng khoảng 50%.
Bên cạnh đó, khi các quốc gia phát hiện ra, ngay cả tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao cũng không đủ để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, và các dấu hiệu cảnh báo từ Đức và Áo, nơi các ca nhiễm mới đã tăng vọt trong những tuần gần đây đã cho thấy sự nguy hiểm của việc thiếu cảnh giác và nới lỏng quá nhanh các biện pháp chống dịch.
Mặt khác, khi làn sóng đại dịch tái bùng phát, hầu hết bệnh nhân nằm trên các giường chăm sóc đặc biệt trong các bệnh viện ở Châu Âu đều là những người chưa được tiêm chủng. Điều này khiến các chính phủ ở Châu Âu đang dần mất kiên nhẫn với quan điểm cho rằng nên để người dân tự nguyện tiêm chủng.
Charles Bangham, giáo sư miễn dịch học và đồng giám đốc Viện Nhiễm trùng của Đại học Imperial College London, chỉ ra, các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay vẫn tiếp tục cung cấp khả năng chống lại bệnh nặng và tử vong. Nhưng biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn rất nhiều. Đồng thời, đã có những thay đổi trong xã hội và hành vi cùng một số biện pháp phòng ngừa nới lỏng đã làm suy yếu hiệu quả của vaccine khi virus tấn công nhóm người không tiêm chủng.
"Nói một cách đơn giản, khi nói đến việc giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, ngay cả khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao không phải lúc nào cũng đủ tốt", Ralf Reintjes, giáo sư về dịch tễ học và giám sát sức khỏe cộng đồng tại Đại học Khoa học Ứng dụng Hamburg ở Đức, nhận định. “Tiêm phòng chỉ là một thành phần của quá trình ngăn chặn virus. Nhưng chỉ riêng nó thì không đủ mạnh".
Bất kể tỷ lệ tiêm chủng của một quốc gia có ấn tượng đến đâu, các chuyên gia vẫn nhấn mạnh rằng chỉ riêng vắc xin không thể ngăn chặn được dịch bệnh của một quốc gia. Bên cạnh đó, việc thực thi các biện pháp phong tỏa khác nhau giữa các quốc gia có nghĩa là ngay cả những quốc gia được tiêm phòng tốt như Ireland cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các chuyên gia cảnh báo, châu Âu cần thay đổi lại cách tiếp cận, tức tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ở những người chưa tiêm, tiêm mũi tăng cường cho những người nguy cơ cao, nhưng cùng với đó phải tiếp tục truyền thông để người dân không mất cảnh giác, duy trì thường xuyên các biện pháp giãn cách như đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách hay tránh tụ tập quá đông người trong không gian kín để tránh kịch bản phong tỏa diện rộng trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Hồi chuông cảnh báo về làn sóng dịch mới từ châu Âu
05:00, 25/10/2021
Đề nghị châu Âu ưu tiên vaccine cho Việt Nam
00:00, 09/09/2021
Tiếp tục thử nghiệm thành công "hộ chiếu vaccine" với chuyến bay từ Việt Nam đi châu Âu
11:09, 03/09/2021
Chủ nghĩa thực chứng giúp châu Âu “đè” COVID-19?
05:29, 30/08/2021