Trung Quốc sẽ "thống nhất" Đài Loan?
"Những khuynh hướng tiếp cận của Trung Quốc với Đài Loan trong 13 năm qua đã cho thấy cách tiếp cận của Trung Quốc với Đài Loan đã chuyển từ mềm dẻo sang cứng rắn".
Ngày 9/10, phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng người dân Trung Quốc có “truyền thống vẻ vang” là chống lại sự chia cắt.
“Chủ nghĩa ly khai đòi độc lập ở Đài Loan là trở ngại lớn nhất để đạt được sự thống nhất với đất mẹ, và là mối nguy hiểm tiềm ẩn nghiêm trọng nhất đối với sự hồi sinh của quốc gia”, ông Tập nói trong lễ kỷ niệm cuộc cách mạng lật đổ triều đại phong kiến cuối cùng vào năm 1911.
“Tái thống nhất” một cách hoà bình “đáp ứng tốt nhất lợi ích chung của người dân Đài Loan và Trung Quốc sẽ bảo vệ chủ quyền và sự thống nhất của mình", ông Tập nói.
“Đừng ai nên đánh giá thấp quyết tâm kiên cường, ý chí kiên định, khả năng mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia và thống nhất lãnh thổ... Nhiệm vụ lịch sử về việc hoàn thành thống nhất với đất mẹ phải được thực hiện, và chắc chắn sẽ được thực hiện”, nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố.
Phát biểu của ông Tập Cận Bình được đánh giá là mềm mỏng hơn hồi tháng 7, lần gần đây nhất mà ông đề cập đến Đài Loan. Khi đó, ông tuyên bố sẽ “đập tan” bất kỳ nỗ lực nào nhằm giúp Đài Loan độc lập. Năm 2019, ông thẳng thắn tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo về dưới quyền kiểm soát.
Câu hỏi đặt ra là: Liệu Trung Quốc sẽ "thống nhất" Đài Loan?
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn đề này, TS Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: "Một tín hiệu rất đáng chú ý trong giới nghiên cứu về an ninh chiến lược đó là Trung Quốc thường xuyên nhắc đến những thách thức an ninh trong quan điểm của họ, bao gồm 4 vùng: Tây Tạng, Biển Đông, Tân Cương và Đài Loan. Tuy nhiên, ngay trước Hội nghị Trung ương 6, chỉ 2 vùng là Đài Loan và Tân Cương được nhắc đến. Điều này cho thấy tư tưởng nhất quán của Trung Quốc đối với Đài Loan.
Những khuynh hướng tiếp cận của Trung Quốc với Đài Loan trong 13 năm qua đã cho thấy cách tiếp cận của Trung Quốc với Đài Loan đã chuyển từ “mềm dẻo” sang “cứng rắn”. Ví dụ như Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất, tuyên bố có thể dùng vũ lực nếu cần thiết."
Tuy nhiên, TS Phạm Sỹ Thành cũng cho rằng trong thời gian tới, chiến lược của Trung Quốc vẫn sẽ duy trì quan hệ kết nối với Đài Loan nếu như hai bên tìm được tiếng nói. Còn trên trường quốc tế, Trung Quốc sẽ tìm cách ngăn cản Đài Loan gia nhập các định chế đa phương quốc tế hoặc cô lập vùng lãnh thổ này trong các mối quan hệ mà Trung Quốc có thể loại bỏ được.
Theo đó, một cố vấn giấu tên về các vấn đề Đài Loan của chính phủ Trung Quốc cho biết giới lãnh đạo Bắc Kinh cảm thấy vấn đề Đài Loan đã được kiểm soát. "Ban lãnh đạo nói rằng không cần phải lo lắng, miễn là chúng ta kiểm soát được tình hình chung", quan chức này cho hay.
Bình luận này tương tự với nội dung nghị quyết lịch sử được Hội nghị Trung ương 6 đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua gần đây, trong đó nêu rõ Bắc Kinh giữ thế chủ động trong quan hệ hai bờ eo biển và thời điểm, động lực để thống nhất hoàn toàn Đài Loan thuộc về phía đại lục.
Có thể bạn quan tâm
Nghĩ về lời tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
05:02, 24/11/2021
Trung Quốc đã bành trướng đến mức nào? (Bài 1)
04:00, 24/11/2021
Trung Quốc thay đổi định hướng chiến lược
22:19, 23/11/2021
Tính khả thi của chiến lược "Zero Covid" mà Trung Quốc kiên quyết theo đuổi
05:00, 23/11/2021
“Thời đại” ông Tập và tương lai Trung Quốc sẽ ra sao với nghị quyết lịch sử thứ 3?
06:00, 22/11/2021