Việt Nam ứng phó thế nào với biến chủng Omicron?

LAM SONG (tổng hợp) 30/11/2021 02:00

Biến chủng Omicron có khả năng cao lây lan rộng hơn trên toàn cầu, có thể gây "những hậu quả nghiêm trọng". Việt Nam sẽ ứng phó như thế nào với biến chủng này?

>>Biến chủng Omicron có tạo làn sóng dịch COVID-19 mới?

Hình ảnh so sánh lượng đột biến giữa Delta và Omicron. Ảnh: Ansa.

Hình ảnh so sánh lượng đột biến giữa Delta và Omicron. Ảnh: Ansa.

Omicron có thể phát tán ở cấp độ toàn cầu

Trong báo cáo kỹ thuật được ban hành hôm 29/11, gửi tới 194 quốc gia thành viên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: "Omicron có số lượng đột biến chưa từng có, trong đó một số đột biến liên quan đến nguy cơ thay đổi quỹ đạo đại dịch".

Theo WHO, những người đã được tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm biến chủng Omicron, dù tỷ lệ nhỏ và có thể dự đoán. Họ cũng cho rằng cần có những nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ khả năng Omicron kháng vaccine và dữ liệu sẽ được công bố những tuần tới.

"Với những đột biến có thể né tránh hệ miễn dịch và có khả năng lây lan mạnh, nguy cơ Omicron phát tán ở cấp độ toàn cầu là cao. Tùy thuộc vào các đặc điểm đó, có thể có thêm các làn sóng Covid-19 mới trong tương lai, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng", WHO cảnh báo.

Biến thể Omicron (ban đầu được gọi là B.1.1.529) lần đầu tiên được báo cáo cho WHO từ Nam Phi vào ngày 24/11. Sau đó, hôm 26/11, WHO đã đặt tên cho biến thể mới là Omicron (theo bảng chữ cái Hy Lạp) và phân loại biến thể này là "biến thể đáng lo ngại". Biến thể này được cho là có 32 đột biến trong protein gai.

Tuy nhiên, không rõ liệu biến thể này thật ra bắt nguồn tại Nam Phi hay "nhập khẩu" vào quốc gia này từ những nơi khác trong khu vực.

Theo CNN, điều mà các nhà khoa học biết được chính là: nhiều khả năng virus đã biến đổi ở những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp và có mức độ lây nhiễm của virus cao.

Tính đến ngày 29/11, biến thể này đã được phát hiện tại nhiều quốc gia, trong đó có Nam Phi, Botswana, Úc, Anh, Đức, Ý, Bỉ... và đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc).

Nhiều quốc gia trên thế giới đã phản ứng với biến thể mới bằng việc nhanh chóng đóng cửa biên giới với khách đến từ các quốc gia trong khu vực phía nam châu Phi, bao gồm Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique, và Malawi.

Các nhà khoa học và các chuyên gia y tế cộng đồng đã cảnh báo rằng khoảng cách lớn giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển xét về tỉ lệ tiêm chủng có thể là nguyên nhân dẫn tới xuất hiện biến thể mới.

Ông Jeremy Farrar, giám đốc quỹ từ thiện Wellcome Trust (Anh) chuyên nghiên cứu y tế, cho biết sự xuất hiện của biến thể mới cho thấy tại sao thế giới cần đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng hơn đối với vắc xin COVID-19 và các công cụ y tế công cộng khác.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu vaccine tại Nam Phi

Các nhà khoa học đang nghiên cứu vaccine tại Nam Phi. Ảnh: Reuters

Như vậy tính trung bình cứ hai tháng lại có một biến thể mới của nCoV. Song, Omicron được WHO nhận định là “cần được quan tâm”. Còn các nhà dịch tễ thì cho rằng, chúng ta cần khoảng vài tuần để có thêm dữ liệu đánh giá mức độ nguy hại của Omicron. Và có lẽ, thông tin cảnh báo lớn nhất là việc các quốc gia phương Tây vốn đã và đang chung sống với dịch bệnh đã vội vã đóng cửa với các nước châu Phi. Thiệt hại về kinh tế, tâm lý người dân là thấy rõ. Nhưng quyết định dứt khoát này phần nào làm người ta rõ hơn về mức độ nghiêm trọng của cụm từ “cần được quan tâm” và “cần thêm dữ liệu”.

Kịch bản xấu nhất, biến thể sẽ “tăng cấp” cả về khả năng lây nhiễm, độc lực và khả năng kháng vaccine. Đây là điều tồi tệ không ai muốn diễn ra và các chuyên gia cũng nhận định rất khó xảy ra nhưng không phải không thể. Hiện tại, ghi nhận rõ nhất chỉ mới tạm ở mức độ gia tăng số ca lây nhiễm ở Nam Phi (90% số ca nhiễm là biến thể Omicron vào ngày 26/11; trong 2 tuần, quốc gia này tăng hơn 1.124% - theo New York Times).

>>Bộ Y tế thông tin quan trọng về biến chủng mới Omicron

>>Thế giới cảnh báo mối nguy hiểm từ biến chủng Omicron

Việt Nam ứng xử sao với Omicron?

Trao đổi với báo chí, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng: Đây là biến chủng mới thì đương nhiên khi xuất hiện nó sẽ lây lan sang các khu vực khác của thế giới nếu như công tác phòng dịch không đảm bảo an toàn.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, cũng giống như các biến chủng khác, khi B.1.1.529 đã xuất hiện thì kiểu gì cũng sẽ lây lan. Tuy nhiên, tác động của nó ở mức độ nào thì Tổ chức Y tế thế giới hiện vẫn đang trong giai đoạn đánh giá. Ngoài ra, WHO xếp loại các chủng theo thang, từ nhóm cần quan tâm đặc biệt đến nhóm cảnh báo thì chủng mới B.1.1.529 đang được xếp vào thang cần quan tâm đặc biệt.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho rằng: Hiện nay, vì đây biến chủng cần quan tâm đặc biệt nên Tổ chức Y tế thế giới đang dồn sức vào để xem xét, đánh giá thế nào. Sau khi đánh giá xong thì mọi chính sách mới quyết định chính xác được. Với Việt Nam thì vẫn phải cảnh giác, loại chủng mới này thì các nước đều phải cẩn trọng chứ không riêng gì nước ta.

“Chúng ta phải thận trọng để chờ đánh giá tiếp về chủng mới này của các chuyên gia bởi B.1.1.529 mới phát hiện nên đánh giá về tác động, tác hại vẫn chưa có thông tin đầy đủ”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khẳng định.

Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), WHO dự đoán biến chủng Omicron nguy hiểm do đột biến trên protein gai quá nhiều, gấp đôi so với biến thể Delta. Với những đặc điểm của biến chủng Omicron, dự báo biến chủng này lây lan nhanh hơn nhiều lần biến thể Delta. 

Hiện nay vẫn còn nghiên cứu biến chủng mới Omicron có đáp ứng với các loại vaccine phòng COVID-19 hay không, nếu trong trường hợp biến chủng kháng lại vaccine thì sẽ ra sao?

“Trong trường hợp này lại phải sản xuất loại vaccine mới, nhưng vaccine mới không quá phức tạp như vaccine lúc đầu, mà dựa trên công nghệ vaccine cũ có những thay đổi để tạo ra vaccine mới phòng chủng mới, nên có khả năng sẽ có vaccine sớm hơn. Giống như bệnh cúm hàng năm, xuất hiện chủng cúm mới, chúng ta lại nghiên cứu sản xuất vaccine mới trên nền công nghệ cũ”, ông Phu nói.

Tuy nhiên, theo ông Phu biến thể mới nếu vô hiệu hóa các vaccine phòng COVID-19 hiện nay và mức độ lây lan nhanh thì sẽ rất nguy hiểm. Việc khẳng định mức độ lây lan, mức độ vô hiệu hóa vaccine còn tiếp tục nghiên cứu. Việc bao phủ vaccine vẫn cần nhanh chóng thực hiện để đảm bảo phòng, chống dịch cho cộng đồng, không chỉ ở biến chủng mới mà còn phòng và ngăn chặn biến chủng Delta.

Trao đổi thêm về vấn đề này, TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho rằng, liên quan đến vaccine hiện đã có bằng chứng về việc nhiễm trên những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Tuy nhiên, liệu có tăng tỷ lệ nặng trên những người đã tiêm đủ mũi vaccine hay chưa thì còn cần phải theo dõi trong thời gian tới. Hiện tại, các hãng sản xuất vaccine cũng đang ráo riết thực hiện những giám sát tác động cùng với chính phủ các nước.

TS.BS Phạm Quang Thái cũng cho biết, nhà sản xuất Moderna đang khẩn trương làm việc để kiểm tra khả năng vô hiệu hóa biến thể của vaccine và dự kiến sẽ có dữ liệu trong những tuần tới. AstraZeneca đang tiến hành nghiên cứu ở các địa điểm, nơi mà biến thể đã được xác định. Pfizer cũng đang điều tra tác động của biến thể này đối với mũi tiêm của họ, với dữ liệu được dự kiến sẽ có trong vòng vài tuần tới. Johnson & Johnson tuyên bố công ty cũng đang thử nghiệm hiệu quả của vaccine chống lại Omicron.

Có thể bạn quan tâm

  • Biến chủng Omicron có tạo làn sóng dịch COVID-19 mới?

    04:00, 29/11/2021

  • Bộ Y tế thông tin quan trọng về biến chủng mới Omicron

    01:00, 29/11/2021

  • Thế giới cảnh báo mối nguy hiểm từ biến chủng Omicron

    07:51, 27/11/2021

LAM SONG (tổng hợp)