WHO: Biến chủng Omicron gây nguy cơ rất cao trên toàn cầu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang liên tục phát đi những cảnh báo đáng lo ngại về biến chủng Omicron.
>>Thế giới trang bị cách thức ngăn chặn biến chủng Omicron
WHO khẳng định Omicron gây nguy cơ "rất cao" trên toàn cầu khi biến chủng này sở hữu khả năng lẩn tránh "lá chắn" miễn dịch của vaccine và có tốc độ lây lan nhanh. Các chuyên gia thuộc WHO đánh giá những nghiên cứu gần đây cho thấy Omicron có thể lẩn tránh được miễn dịch của vaccine, song các dữ liệu lâm sàng về khả năng nguy hiểm của Omicron vẫn còn hạn chế.
Trong một bản báo cáo tóm tắt mới đây, WHO nhận định còn nhiều điều chưa thể khẳng định được về biến chủng Omicron vốn được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 11 ở Nam Phi. "Các rủi ro liên quan đến biến chủng Omicron là rất cao do một số nguyên nhân", WHO cho biết.
"Các bằng chứng sơ bộ cho thấy Omicron có thể thoát khỏi sự miễn dịch của cơ thể và có tốc độ lây lan cao, sẽ có thể dẫn đến sự bùng phát với những hậu quả nghiêm trọng",WHO đề cập đến nguy cơ tiềm ẩn của virus trong việc trốn tránh lá chắn miễn dịch của kháng thể.
Hiện tại, thế giới ghi nhận một bệnh nhân ở Anh đã tử vong sau khi nhiễm biến chủng Omicron. Có thể thấy, ngay cả khi triệu chứng của Omicron nhẹ hơn Delta, tỷ lệ nhập viện vẫn sẽ gia tăng vì khả năng lây nhiễm cao. Điều này có thể đặt thêm gánh nặng lên hệ thống y tế và khiến nhiều người tử vong hơn. Dự kiến, sẽ có thêm nhiều dữ liệu trong những tuần tới vì độ trễ thời gian từ lúc người bệnh nhiễm virus cho đến khi xuất hiện triệu chứng.
Được biết, ngày càng có nhiều cảnh báo đáng lo ngại được đưa ra xung quanh biến chủng Omicron. Theo dữ liệu mới nhất được công bố trên trang BioRxiv của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Bắc Kinh, các chuyên gia thấy rằng ít nhất hơn 85% trong số các kháng thể trung hòa Covid-19 hiện có đã bị Omicron “qua mặt”, và đa phần các loại thuốc kháng thể trung hòa đã được phép đưa vào sử dụng khẩn cấp hiện nay đều không có tác dụng đối với chủng virus này.
Theo giáo sư Tạ Hiểu Lượng, trưởng nhóm nghiên cứu đánh giá, hai kháng thể trung hòa của hãng dược Eli Lilly, Mỹ (LY-CoV555, LY-CoV016), hai kháng thể trung hòa của hãng dược Regeneron, Mỹ (REGN10933, REGN10987) và kháng thể trung hòa của AstraZeneca (AZD1061) hoàn toàn không có hiệu quả (có giá trị IC50 trung hòa đối với Omicron vượt quá 10ng/l); một kháng thể trung hòa khác (8895) của AstraZeneca và một kháng thể trung hòa (BRII-196) của hãng Brii Biosciences, Trung Quốc (các giá trị IC50 lần lượt là 6,86ng/l và 7,258l), cũng mất tác dụng.
>>Thêm nhiều cách thức phát hiện biến chủng Omicron
Trong số 9 kháng thể trung hòa được đưa vào nghiên cứu, 2 kháng thể trung hòa có thể vô hiệu hóa hiệu quả biến chủng là kháng thể của hãng dược Vir, Mỹ (VIR-7) và kháng thể của hãng Singlomics, Trung Quốc (DXP-604) (có giá trị IC50 lần lượt là 0,181ng/l và 0,287ng/l). Hiện tại, cả 9 kháng thể trên vẫn có tác dụng chống lại chủng Delta hiện đang thống trị trên thế giới.
"Liệu pháp kháng thể là phương thuốc duy nhất được phê duyệt khẩn cấp điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và trung bình, ngăn nguy cơ chuyển nặng. Giống với vaccine, thuốc huấn luyện hệ miễn dịch sản xuất kháng thể chống lại virus. Tuy nhiên, biến chủng Omicron làm giảm hiệu quả của phương pháp này cho thấy sự cấp thiết về việc cần nhanh chóng điều chỉnh các loại thuốc hiện có để đối phó với trường hợp Omicron gây bệnh tiến triển nặng", ông Lượng cho biết.
Trong khi đó, với các loại vaccine phòng COVID-19 đang được sử dụng hiện nay, một số chuyên gia đã khẳng định tầm quan trọng của các mũi tiêm nhắc lại trong việc tăng nồng độ kháng thể trung hòa chống lại SARS-CoV-2 và ngay cả khi biến thể Omicron thoát kháng thể, nồng độ sẽ vẫn đảm bảo hiệu lực của vaccine.
Các nghiên cứu cho thấy liều vaccine tăng cường giúp cải thiện đáng kể mức độ và chất lượng kháng thể tạo ra so với hai liều ban đầu. Sau nhiều lần được củng cố, hệ thống miễn dịch có thể tiếp tục tinh chỉnh và sản sinh các kháng thể phù hợp với chủng virus mới. Dữ liệu sơ bộ của Anh cho thấy việc tiêm chủng liều tăng cường cung cấp 70 - 75% hiệu quả bảo vệ trước biến chủng Omicron, trong khi hai tiềm tiêm cách đây ba tháng trở lên mang đến mức hiệu quả 30 - 40% hoặc ít hơn.
Dù kết quả bước đầu đã cho thấy tín hiệu tích cực, các chuyên gia vẫn cần thời gian để kiểm chứng nghiên cứu của mình. Hiện tại, các quốc gia đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng liều tăng cường, nhằm làm chậm quá trình suy giảm miễn dịch và đối phó với tốt hơn biến chủng mới.
Các hãng dược phẩm đang nghiên cứu thế hệ vaccine tiếp theo, đảm bảo sẵn sàng cung cấp từ sau tháng 3/2022, giới khoa học lo ngại việc điều chỉnh vaccine có thể vẫn để lại những lỗ hổng nếu Omicron tiếp tục bị một biến chủng khác, nguy hiểm hơn thay thế. Nhiều nhà khoa học mong đợi những liều vaccine mới không chỉ phù hợp với các chủng virus hiện có, mà còn cung cấp khả năng miễn dịch toàn diện hơn để chống lại các đột biến có thể xuất hiện trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Thế giới trang bị cách thức ngăn chặn biến chủng Omicron
05:12, 13/12/2021
Thêm nhiều cách thức phát hiện biến chủng Omicron
04:00, 12/12/2021
Omicron và Delta: Đâu sẽ là biến chủng vượt trội?
10:00, 09/12/2021
Chưa có dấu hiệu biến chủng Omicron gây triệu chứng nghiêm trọng
10:46, 08/12/2021
Bộ Y tế: Nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam rất lớn
15:43, 07/12/2021