Kinh nghiệm từ thế giới trong việc ngăn chặn biến chủng Omicron
Trước những lo ngại biến chủng Omicron không nhẹ hơn Delta, các quốc gia trên toàn cầu đang nỗ lực tìm cách thức ngăn chặn tối đa sự lây lan của biến chủng này.
>>Những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống biến chủng Omicron
Mới đây, Giáo sư Neil Ferguson, Cố vấn y tế chính phủ Anh cho biết, chưa có bằng chứng cho thấy Omicron ít nghiêm trọng hơn Delta. Các nghiên cứu về biến chủng Omicron sử dụng dữ liệu từ Cơ quan An ninh Y tế Anh và dịch vụ y tế của nước này, trong đó ghi nhận tất cả ca nhiễm được xác nhận bằng PCR ngày 29/11-11/12.
Các chuyên gia đánh giá, nghiên cứu bằng tỉ lệ người có kết quả dương tính với nCoV và xuất hiện triệu chứng hoặc tỷ lệ bệnh nhân nhập viện. Tuy nhiên, dữ liệu chỉ có 24 ca nhập viện nghi nhiễm biến chủng Omicron, nhóm chuyên gia nhận định "dữ liệu bệnh nhân nhập viện vẫn còn rất hạn chế".
Các chuyên gia ước tính nguy cơ người khỏi Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron cao hơn 5,4 lần so với Delta. Ferguson cho biết nghiên cứu của ông và các cộng sự "cung cấp thêm bằng chứng về mức độ Omicron né miễn dịch ở người đã tiêm vaccine hoặc từng nhiễm nCoV". Giáo sư Ferguson cảnh báo "điều này có nghĩa là Omicron sẽ sớm gây ra mối đe dọa lớn với sức khỏe cộng đồng".
Dù số ca tử vong liên quan đến biến chủng Omicron còn thấp và một số nghiên cứu sơ bộ nhận định biến chủng này có thể không nghiêm trọng hơn, các chuyên gia y tế nhiều lần cảnh báo số ca nhiễm tăng vọt có thể làm tăng số ca tử vong và gây quá tải cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Một nghiên cứu của các chuyên gia thuộc khoa y của Đại học Hong Kong được công bố tuần này cho biết biến chủ Omicron "nhân bản trong đường hô hấp của con người nhanh hơn 70 lần so với chủng Delta", song dường như ít gây tổn thương phổi hơn so với chủng ban đầu.
Cho đến thời điểm hiện tại, ba quốc gia Nam Phi, Anh, và Đan Mạch đang là những nước ghi nhận biến thể Omicron bùng phát mạnh mẽ nhất. Theo Michael Head, chuyên gia từ ĐH Southampton nhận định, việc các ca nhiễm Omicron tăng nhanh chóng tại các quốc gia này cho thấy, các biện pháp ngăn chặn sự lây lan được thế giới áp dụng đã không còn nhiều hiệu quả.
Chính vì vậy, theo chuyên gia này khuyến cáo, các quốc gia chưa ghi nhận sự xuất hiện của Omicron cần tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp can thiệp phi dược phẩm để giảm lây truyền virus trong không khí, chẳng hạn như cách xa xã hội và cải thiện hệ thống thông gió.
>>WHO: Biến chủng Omicron gây nguy cơ rất cao trên toàn cầu
“Các quốc gia có thể và phải ngăn chặn sự lây lan của Omicron bằng các biện pháp có hiệu quả hiện nay. Nó không chỉ là vắc xin, mà là cả khẩu trang, giãn cách, thông gió hoặc vệ sinh tay. Hãy làm tất cả", ông nhấn mạnh. Bên cạnh đó, cần phải chuẩn bị sẵn các trang thiết bị thiết yếu trong việc phòng tránh và chữa trị bệnh nhân Covid-19. Bởi khi Omicron bùng phát, nhu cầu sẽ tăng đột biến, từ khẩu trang, nước rửa tay, dụng cụ chuẩn đoán, thiết bị điều trị… cho đến vắc xin - bởi mũi tiêm tăng cường để chống lại Omicron là có thể cần thiết trong thời gian tới.
Đồng thời, theo khuyến cáo của CDC Mỹ, những người dù đã tiêm phòng đầy đủ trước khi có kết quả xét nghiệm với Covid-19 nên cách ly trong nhà 10 ngày, và tránh tiếp xúc với bất kỳ ai khác; thậm chí sử dụng phòng tắm riêng và đeo khẩu trang nhiều nhất có thể.
Mặt khác, việc nhanh chóng xác định biến chủng Omicron đã mang lại cơ hội để toàn thế giới đẩy nhanh việc tiêm chủng vaccine mũi tăng cường. "Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm bạn cần tiêm mũi 1, mũi 2 hoặc mũi bổ sung ngay khi có thể", Giám đốc y tế khu vực tại London, ông Kevin Fenton kêu gọi.
Các nhà nghiên cứu cho biết hai liều vaccine Pfizer có tác dụng bảo vệ 33% chống lại sự lây nhiễm, nhưng 70% hiệu quả trong việc ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Trong khi đó, nguy cơ phải nhập viện thấp hơn 29% đối với Omicron ở người lớn, so với chủng Delta trước đó.
Ngay cả khi biến thể Omicron có xu hướng gây bệnh nhẹ hơn trung bình, nhưng vẫn còn một tỷ lệ nhỏ những người chưa được tiêm chủng sẽ bị nhiễm bệnh. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực cho hệ thống y tế khi biến chủng Delta vẫn chưa thực sự được đẩy lùi. Do đó, các quốc gia cần thực sự nghiêm túc trong việc áp dụng các biện pháp hạn chế người dân ra nơi công cộng, đeo khẩu trang và tiêm chủng diện rộng càng nhanh càng tốt.
Có thể bạn quan tâm
Những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống biến chủng Omicron
06:34, 15/12/2021
TP.HCM: 8 giải pháp ứng phó với biến chủng Omicron
00:00, 15/12/2021
WHO: Biến chủng Omicron gây nguy cơ rất cao trên toàn cầu
06:38, 14/12/2021
Thế giới trang bị cách thức ngăn chặn biến chủng Omicron
05:12, 13/12/2021
Thêm nhiều cách thức phát hiện biến chủng Omicron
04:00, 12/12/2021