Tiêm chủng mũi thứ ba có ngăn chặn biến chủng Omicron?

CẨM ANH 20/12/2021 05:30

Liều vaccine tăng cường có thể cung cấp khả năng bảo vệ khoảng 85%, chống lại nguy cơ mắc bệnh nặng ở người nhiễm biến chủng Omicron.

>> Kinh nghiệm từ thế giới trong việc ngăn chặn biến chủng Omicron

Một y tá đang quan sát tình trạng bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong phòng bệnh đặc biệt tại Mỹ

Một y tá đang quan sát tình trạng bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong phòng bệnh đặc biệt tại Mỹ

Theo CDC Mỹ, các triệu chứng được báo cáo phổ biến nhất ở những bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron thường ở thể nhẹ, bao gồm ho, mệt mỏi, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi. Bên cạnh đó, những báo cáo ban đầu từ Nam Phi cho thấy các bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron ít diễn biến nặng hơn biến chủng khác.

Bác sĩ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, chuyên gia đầu tiên cảnh báo cho giới chức y tế Nam Phi về biến chủng mới, cho biết các bệnh nhân của bà hầu hết chỉ có triệu chứng vừa và nhẹ. "Triệu chứng nặng nhất mà tôi gặp phải ở những bệnh nhân của mình chỉ là tình trạng kiệt sức kéo dài từ một đến 2 ngày, sau đó là đau đầu, đau cơ", bác sĩ Coetzee nói.

Tuy nhiên, đáng lo ngại, một nghiên cứu của ICL cho thấy biến chủng Omicron gây nguy cơ tái nhiễm gấp 5 lần Delta. Được biết, kết quả trên được thu thập từ dữ liệu phân tích dựa trên 333.000 ca mắc Covid-19, bao gồm 122.062 ca nhiễm biến chủng Delta và 1.846 ca được xác nhận nhiễm Omicron thông qua giải trình tự gene.

"Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng (về nguy cơ nhập viện và tình trạng triệu chứng) cho thấy Omicron có mức độ nghiêm trọng khác với Delta", nghiên cứu cho biết. Các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu cho biết thêm rằng dữ liệu về số lần nhập viện vẫn còn rất hạn chế. Đặc biêt, khả năng bảo vệ của những người đã mắc Covid-19 chống lại sự tái nhiễm với Omicron có thể thấp tới 19%.

Hiện tại, tỷ lệ mẫu dương tính mắc chủng Omicron tại Mỹ tăng từ 0,4% lên 2,9% chỉ trong một tuần. Ở một số khu vực, tỷ lệ này cao hơn nhiều. Các nhà khoa học tại một phòng thí nghiệm của Đại học Washington thông báo tỷ lệ ca bệnh Covid-19 dương tính với biến chủng Omicron tăng từ 3% lên 20% chỉ trong một vài ngày.

Mặc dù vậy, có một quan điểm được giới khoa học thống nhất rằng, vaccine vẫn có hiệu quả nhất định. Bên cạnh đó, dữ liệu ban đầu cho thấy mũi tiêm bổ sung nhiều khả năng cung cấp thêm một lớp bảo vệ chống lại virus. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo những ai chưa tiêm vaccine Covid-19 lập tức đăng ký tiêm chủng. Những người được tiêm mũi ba cũng nên tiến hành tiêm chủng nếu đã đủ thời hạn.

Nhiều nước đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cũng như mở rộng đối tượng tiêm phòng nhằm tạo miễn dịch cộng đồng. Singapore thúc đẩy chương trình tiêm chủng mũi bổ sung nhằm gia tăng sức đề kháng cho người dân, mở rộng chương trình tiêm cho đối tượng từ 18-29 tuổi bắt đầu từ ngày 14/12. Tương tự, Campuchia sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm tăng cường cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi trong tháng 1/2022.

>>Những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống biến chủng Omicron

Vaccine tăng cường sử dụng vaccine của Pfizer có thể làm tăng đáng kể khả năng chống chọi với Omicron

Vaccine tăng cường của Pfizer có thể làm tăng đáng kể khả năng chống chọi với Omicron

Tại Việt Nam, Bộ Y tế Việt Nam đã nhanh chóng triển khai tiêm mũi 3 vaccine Covid-19 (liều bổ sung, liều nhắc lại) cho nhóm nguy cơ cao. Những người đã tiêm đủ liều vaccine Sinopharm, Sputnik V cũng cần nhanh chóng tiêm mũi vaccine tăng cường. Vaccine tiêm bổ sung sử dụng vaccine cùng loại hoặc vaccine mRNA để tăng thêm hiệu quả bảo vệ.

Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine véc tơ virus (vaccine Astrazeneca). Người dân cần tiêm 01 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản. 

Quyết định này dựa trên khuyến cáo của Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các nước. Khoảng 200 triệu liều vaccine đã ký hợp đồng đến hết năm 2021, Việt Nam đảm bảo đủ vaccine để tiêm các mũi bổ sung và nhắc lại.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng thường không được bảo vệ bằng phác đồ vaccine 2 liều của Moderna và Pfizer-BioNTech. Đây đều là những loại vaccine cho hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng. Chính vì vậy, Việt Nam đang có những bước đi nhanh chóng để có thể chuẩn bị nguồn lực đối phó với sự xuất hiện của biến chủng Omicron trong thời gian tới.

Mặt khác, để hạn chế sự lây lan của biến chủng Omicron cũng như biến chủng Delta, các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các biện pháp khác như tăng cường xét nghiệm diện rộng, phân phối khẩu trang chất lượng cao, thúc đẩy việc nâng cấp các hệ thống thông gió, cũng như đưa ra quy định rõ ràng về các hoạt động được cho là an toàn, dựa trên từng tình huống dịch cụ thể.

Các chính quyền địa phương, trường học hay doanh nghiệp cũng cần bắt đầu lên kế hoạch ứng phó khi một đợt bùng phát dịch lớn ập đến, hay khi số ca bệnh nặng lên đến mức độ nhất định và công khai rộng rãi. 

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh nghiệm từ thế giới trong việc ngăn chặn biến chủng Omicron

    Kinh nghiệm từ thế giới trong việc ngăn chặn biến chủng Omicron

    04:00, 19/12/2021

  • Những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống biến chủng Omicron

    Những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống biến chủng Omicron

    06:34, 15/12/2021

  • TP.HCM: 8 giải pháp ứng phó với biến chủng Omicron

    TP.HCM: 8 giải pháp ứng phó với biến chủng Omicron

    00:00, 15/12/2021

  • WHO: Biến chủng Omicron gây nguy cơ rất cao trên toàn cầu

    WHO: Biến chủng Omicron gây nguy cơ rất cao trên toàn cầu

    06:38, 14/12/2021

  • Thế giới trang bị cách thức ngăn chặn biến chủng Omicron

    Thế giới trang bị cách thức ngăn chặn biến chủng Omicron

    05:12, 13/12/2021

CẨM ANH