Nhịp sống thế giới tuần từ 14-18/2
Ấn Độ cấm hàng loạt ứng dụng Trung Quốc; Nga rút quân khỏi một số khu vực gần biên giới với Ukraine; Mở cửa cây cầu nối Canada-Mỹ... là những tin đáng chú ý.
1. Mở cửa trở lại cây cầu nối Canada và Mỹ
Cầu Ambassador nối Windsor với Detroit (Mỹ) đã mở cửa lại vào cuối ngày 13/2 hoặc sáng sớm ngày 14/2 (giờ địa phương). Trước đó, cầu Ambassador đã bị tê liệt trong 7 ngày qua, khi những người biểu tình phản đối các quy định về tiêm vaccine và các biện pháp y tế khác liên quan đến đại dịch COVID-19 đã phong tỏa cây cầu từ ngày 7/2. Dự kiến, việc mở cửa trở lại cây cầu cho phép nối lại "dòng chảy thương mại tự do giữa nền kinh tế Canada và Mỹ.
2. Giá trị nền kinh tế Eurozone sụt giảm trước cú sốc nguồn cung khí đốt
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) dự báo giá năng lượng tăng cao sẽ khiến sản lượng kinh tế của Eurozone giảm khoảng 0,2% trong năm 2022 so với mức cơ bản của GDP, với tác động mạnh nhất trong quý I năm nay. Theo ECB, hơn 90% lượng khí đốt sử dụng trong Eurozone được nhập khẩu từ bên ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc tác động tiêu cực đối với kinh tế sẽ ngày càng trầm trọng hơn nếu khu vực này mất một số nguồn cung khí đốt.
3. Mỹ đề xuất gặp cấp Ngoại trưởng với Nga bàn về Ukraine
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang đề xuất gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ở châu Âu vào tuần tới để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ các cuộc đàm phán và hoạt động ngoại giao về những căng thẳng biên giới Nga- Ukraine, đồng thời nói rằng, Moscow coi việc Tổng thống Mỹ Joe Biden sẵn sàng đối thoại là một dấu hiệu tích cực.
4. Tổng thống Mỹ đề xuất bổ sung 30 tỷ USD vào quỹ chống dịch
Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, dự kiến 17,9 tỷ USD sẽ dành cho vaccine và thuốc điều trị. 4,9 tỷ USD dành cho xét nghiệm, bao gồm cả mở rộng xét nghiệm cộng đồng, và tiếp tục phát triển và sản xuất bộ xét nghiệm tại nhà đối với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. 3 tỷ USD được đề xuất cho việc tăng cường cung cấp thiết bị xét nghiệm, điều trị và tiêm phòng cho những người không có bảo hiểm và những người được bảo hiểm ở mức thấp.
Khoảng 3,7 tỷ USD sẽ dành để phát triển vaccine, giúp bảo vệ trước các biến thể có thể xuất hiện trong tương lai và nửa tỷ USD sẽ dành cho các chương trình truy vết dịch. Hiện các quan chức Nhà Trắng và Quốc hội đang thảo luận về vấn đề này.
5. Anh-Australia chuẩn bị ký thỏa thuận an ninh trị giá gần 44 triệu USD
Ngày 16/2, chính phủ Anh thông báo sẽ ký một thỏa thuận an ninh trị giá 25 triệu Bảng Anh (xấp xỉ 44 triệu USD) với Australia. Bên cạnh đó, Thủ tướng Boris Johnson và người đồng cấp Australia Scott Morrison cũng nhấn mạnh cam kết của mình đối với quan hệ đối tác Anh-Australia trong thỏa thuận an ninh 3 bên với Mỹ (AUKUS), trong đó có nội dung trang bị tàu ngầm năng lượng hạt nhân cho Canberra.
6. Mỹ tung chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới
Chiến lược này đề ra tầm nhìn của ông Biden nhằm củng cố vững chắc hơn vị trí của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời cũng tăng cường sức mạnh cho cả khu vực trong quá trình đó. Trọng tâm chính của Chiến lược là sự hợp tác bền vững và sáng tạo cùng với các nước đồng minh, đối tác, cũng như các thể chế cả trong và ngoài khu vực.
Theo đó, Mỹ theo đuổi 5 mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao gồm tự do và rộng mở; kết nối, thịnh vượng, an ninh và có sức chống chịu.
7. Nga bất ngờ rút một số lực lượng khỏi biên giới Ukraine
Ngày 15/2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết, một số đơn vị thuộc Quân khu phía Nam và phía Tây của nước này sẽ rời khởi khu vực biên giới với Ukraine và trở về các căn cứ quân sự sau khi đã hoàn thành các cuộc tập trận.
Đây là thông báo rút quân đầu tiên của Nga trong nhiều tuần qua. Động thái này có thể làm xuống thang căng thẳng giữa Moscow và phương Tây. Điều này cũng gây bất ngờ lớn với giới quan sát quốc tế cũng như các cường quốc phương Tây sau nhiều đồn đoán của những nước này rằng, khả năng Nga sẽ phát động một cuộc tấn công Ukraine bất cứ lúc nào.
8. Căng thẳng mới giữa Ấn Độ-Trung Quốc
Theo một sắc lệnh mới, Ấn Độ cấm 54 ứng dụng của Trung Quốc với lý do lo ngại về an ninh. Đây là một động thái căng thẳng mới nhất giữa hai nước láng giềng liên quan tới cuộc tranh chấp biên giới kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến các thương vụ kinh doanh.
Đối tượng bị cấm bao gồm các ứng dụng của các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Tencent, Alibaba và NetEase, vốn là các phiên bản được đổi thương hiệu của những ứng dụng đã bị Ấn Độ cấm hồi năm 2020. Hiện người phát ngôn của Bộ Nội vụ chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
9. Pháp rút quân khỏi Mali
Khi tuyên bố Pháp và châu Âu rút quân khỏi Mali, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lo ngại trước việc lính đánh thuê thuộc công ty quân sự tư nhân Nga Wagner đang ở Mali để đảm bảo lợi ích kinh doanh của họ và chính quyền quân sự ở Bamako. Đồng thời nhấn mạnh thái độ của chính quyền quân sự Mali đã buộc Pháp phải rút quân.
10. Anh tiến thêm bước mới trong tiến trình tham gia CPTPP
Nhật Bản thông báo, các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã nhất trí để Anh có thể tiến hành giai đoạn đàm phán tiếp theo để tham gia hiệp định này.
Dự kiến, Anh sẽ đệ trình đề nghị tiếp cận thị trường, chẳng hạn như thuế quan, với các nước thành viên CPTPP trong 30 ngày tới. Thông báo nêu rõ: “Các bước tiếp theo đang được điều phối giữa các thành viên CPTPP và Vương quốc Anh.”