Nhịp sống thế giới tuần từ 21-26/2
Nga công nhận độc lập hai vùng lãnh thổ ly khai ở Ukraine; Tổng thống Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt; Bế mạc Olympic Bắc Kinh... là những tin tức đáng chú ý.
>>Nhịp sống thế giới tuần từ 14-18/2
1. Nga công nhận độc lập hai vùng lãnh thổ ly khai ở miền Đông Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công nhận nền độc lập, đồng thời ký kết các hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ với hai nước cộng hòa tự xưng Donest (DPR) và Luhansk (LPR) ở miền Đông Ukraine. Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng yêu cầu chấm dứt ngay lập tức hành động chiến sự ở khu vực Donbass, nhấn mạnh rằng trong trường hợp ngược lại, mọi trách nhiệm liên quan đến chiến sự đổ máu có thể diễn ra đều thuộc về Kiev.
2. Tổng thống Nga tuyên bố triển khai chiến dịch đặc biệt tại Đông Ukraine
Tổng thống Nga thông báo sẽ triển khai chiến dịch đặc biệt nhằm bảo vệ người dân tại Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng. Ngay sau đó, nhiều thành phố lớn của Ukraine đã ghi nhận những tiếng nổ lớn. Nhiều tiếng nổ và các cuộc giao tranh đã xảy ra tại thủ đô Kyiv, Ukraine, khiến nhiều nhà cửa bị tàn phá, người dân chịu khổ cực do các hoạt động quân sự từ phía Nga.
3. Ukraine cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố nước này đã cắt quan hệ ngoại giao với Nga. Đây là lần đầu tiên quan hệ Nga và Ukraine gián đoạn kể từ khi Liên Xô giải thể vào năm 1991. Động thái này nhằm thể hiện thái độ và đáp trả việc Matxcơva đưa quân vào miền đông Ukraine sáng 24/2. Hiện vẫn chưa rõ quyết định của Kiev sẽ ảnh hưởng thế nào đến những người Ukraine đang sống tại Nga.
4. Bế mạc Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022
Tại sân vận động quốc gia mang tên “Tổ Chim” ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 đã chính thức khép lại bằng một lễ bế mạc rực rỡ sắc màu, đồng thời thể hiện ý tưởng Bắc Kinh là thành phố đầu tiên trên thế giới tổ chức cả hai kỳ Olympic mùa Hè (2008) và mùa Đông (2022).
Tại kỳ Olympic lần này, đoàn thể thao Na Uy chiếm vị trí số 1 với tổng cộng 37 huy chương. Đứng thứ hai là đoàn thể thao Đức và Đoàn thể thao chủ nhà Trung Quốc đứng thứ ba với tổng cộng 15 huy chương.
5. Iran lạc quan với tiến trình đàm phán khôi phục JCPOA
Ngày 21/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh khẳng định, tiến trình đàm phán tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc thế giới, hay còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đã đạt được "tiến triển đáng kể".
Trong một tuyên bố riêng rẽ khác, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani cho hay, những cuộc đối thoại với các nhà đàm phán châu Âu đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán với Mỹ không nằm trong chương trình nghị sự vì sự kiện này không phải là nguồn gốc của "bất kỳ bước đột phá nào".
6. Đức dừng quá trình phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2
Đức quyết định dừng quá trình phê duyệt với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) do trước đó Nga đã chính thức công nhận sự độc lập của hai khu vực Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine. Được hoàn thành vào tháng 9/2021, dự án này vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì còn chờ hoàn tất thủ tục cấp phép của cơ quan quản lý Đức và các nước Liên minh châu Âu.
7. Các nước phương Tây tung đòn trừng phạt Nga
Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga. Nhà Trắng cũng đã thông báo các biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm chặn quyền tiếp cận của Nga đối với mọi sản phẩm, từ hàng điện tử thương mại và máy tính đến chất bán dẫn và bộ phận máy bay và hạn chế khả năng của Nga trong việc giao thương bằng USD, euro, bảng Anh và đồng yen của Nhật Bản.
Giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhất trí áp lệnh trừng phạt kinh tế bổ sung nhằm vào Nga. EU sẽ đóng băng tài sản Nga trong khối, đồng thời cấm các ngân hàng của quốc gia này tiếp cận thị trường tài chính châu Âu.
8. Indonesia theo đuổi FTA với Vương quốc Anh
Chính phủ Indonesia khẳng định rằng nước này mong muốn đạt được Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Anh trong tương lai. Bộ trưởng Thương mại Indonesia Muhammah Lutfi cho biết hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có tình hình quan hệ thương mại song phương và tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, thực phẩm, đồ uống, và nông nghiệp; đồng thời hai bên cũng trao đổi về khả năng tìm kiếm một FTA song phương trong tương lai.
9. Giá cả tại khu vực Eurozone có thể tiếp tục tăng
Chuyên gia Isabel Schnabel của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), lạm phát có thể chạm các mốc cao mới trong vài tháng nữa và ngày càng khó dự báo về thời điểm giá cả ở Eurozone lên tới đỉnh điểm và khó có thể giảm trở lại dưới mức mục tiêu 2% của ECB. Một trong các yếu tố làm gia tăng lo ngại về lạm phát là thị trường nhà đất nóng lên ở mức “đáng báo động”.
Bên cạnh đó, những biến động tại Ukraine đang gây thêm những rủi ro về mặt kinh tế đối với khu vực và thế giới, đồng thời cho biết IMF đang đánh giá những tác động.
10. Hội nghị bộ trưởng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Hội nghị này nhằm cụ thể hóa Chiến lược của Liên minh châu Âu (EU) về hợp tác ở AĐD - TBD, được Hội đồng châu Âu thông qua vào tháng 10-2021. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng được sự ủy quyền của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự sự kiện.
Tại diễn đàn, các lãnh đạo EU và đại diện 30 quốc gia từ khu vực cùng thảo luận ba chủ đề chính: An ninh và quốc phòng; Kết nối và các vấn đề số; Các vấn đề toàn cầu gồm biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và các đại dương, y tế.
Có thể bạn quan tâm