Lợi ích song trùng Việt - Mỹ

NGUYỄN LONG thực hiện 08/03/2022 00:00

LTS: Hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ có lợi ích song trùng với nhau cả về chính trị, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống và cả về phát triển kinh tế, hợp tác hỗ trợ cho nhau.

Trả lời phỏng vấn DĐDN, ông Phạm Quang Vinh – nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, quan hệ hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ đang hướng tới mục tiêu bao quát cả khu vực.

- Qua Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2022, ông đánh giá ra sao về quan điểm của Việt Nam và Hoa Kỳ trong thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước?

Quan hệ hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ đã sang năm thứ 27, hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ đã phát triển một cách toàn diện và có những cơ sở nguyên tắc để hai bên phát triển hơn nữa. Thủ tướng đã nói, trên nền tảng tốt đó có cả những nguyên tắc chỉ đạo như bình đẳng, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập tự chủ…

Hai nước lại có lợi ích song trùng về nhiều mặt cả về chính trị, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống và về phát triển kinh tế... Mỹ cũng cần vị trí địa chính trị chiến lược của Việt Nam trong khu vực, Việt Nam cũng thấy Mỹ có những đóng góp tích cực cho ASEAN.

Đặc biệt, hai bên các nhà lãnh đạo, giới kinh doanh đều mong muốn phát triển mối quan hệ này. Những mong muốn này được thể hiện rất rõ từ các chuyên thăm của Nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao gần đây.

- Vậy đâu là tiềm năng phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước thưa ông?

Cơ sở để phát triển kinh tế giữa hai nước là rất nhiều, cộng đồng doanh nghiệp hai nước rất kỳ vọng mở rộng hợp tác, lãnh đạo hai nước cũng nhận thấy như vậy. Hội nghị không chỉ tập trung vào phát triển những cái đang có trong quan hệ giữa hai nước mà hướng tới những lĩnh vực bổ sung, hỗ trợ nhau. Điểm rất mới trong hội nghị lần này là chỉ ra các lĩnh vực cần tập trung trong thời gian tới, cùng với đó chỉ ra hợp tác không chỉ song phương mà còn bao quát cả khu vực.

p/Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ.

Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ.

Lần này Mỹ đưa ra cách nhìn tổng thể về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với 5 trụ cột: Tự do rộng mở dựa trên luật pháp quốc tế; tăng cường kết nối, phát huy sức mạnh và năng lực tổng thể của khu vực ASEAN, kết nối giữa Mỹ với các đối tác trong đó có cơ chế, tổ chức khu vực và đặc biệt là ASEAN...

Cụ thể, nhiều lĩnh vực hai nước có thể tập trung phát triển trong thời gian tới như: cùng vượt ra khỏi đại dịch, hỗ trợ nhau vaccine, nhưng đồng thời nối lại chuỗi cung ứng một cách bền vững... Đây là điều cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ hai nước rất quan tâm.

Hai bên cũng có tiềm năng hợp tác chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại số, phát triển kinh tế xanh, năng lượng sạch thực hiện cam kết tạo ra chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng kinh tế ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động ra sao để phát triển xuất khẩu các mặt hàng chủ lực sang thị trường Mỹ thưa ông?

Để đưa sản phẩm vào thị trường Mỹ, điều đầu tiên doanh nghiệp cần lưu ý là những mặt hàng lâu nay của Việt Nam phải tiếp tục đảm bảo chất lượng vì thị trường Mỹ rất lớn, nhưng cũng là thị trường cạnh tranh khốc liệt, do đó cần đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, tránh những kiện cáo, tranh chấp thương mại xảy ra.

Ngoài ra, đây không chỉ là câu chuyện giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp mà rõ ràng chính phủ với chính phủ liên quan đến khung chính sách tạo thuận lợi thương mại cho cả hai bên thì cấp chính phủ cũng phải làm. Việt Nam – Hoa Kỳ cũng đã có Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA). Hai bên cần tích cức đối thoại để xây dựng chính sách liên quan thúc đẩy hai chiều, đồng thời cũng là để xử lý những khó khăn khúc mắc giữa quan hệ hai bên. Đơn cử như khúc mắc về thao túng tiền tệ là vấn đề rất lớn nhưng khi hai bên đối thoại hợp tác chia sẻ để cùng tháo gỡ đã giải quyết rất nhanh.

- Xin cảm ơn ông!

ÔNG PHẠM TẤN CÔNG - CHỦ TỊCH VCCI:

Bối cảnh mới doanh nghiệp hai nước càng cần có sự tin tưởng lẫn nhau để cùng phát triển

"Đây là lần thứ 5 Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam được VCCI phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington (US Chamber) tổ chức và là hội nghị đầu tiên được tổ chức trong giai đoạn 2021-2026 khi thế giới bắt đầu bước vào thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Qua 5 năm được tổ chức thành công, Hội nghị đã trở thành sự kiện được mong đợi nhất của doanh nghiệp hai nước. Cộng đồng doanh nghiệp hai nước đặc biệt ghi nhận sự cam kết ủng hộ mãnh mẽ của Chính phủ hai nước trong thúc đẩy kinh tế thương mại song phương.

Cùng với khát vọng trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, với giả định Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7%/năm giai đoạn 2021-2045, qui mô nền kinh tế vào năm 2045 sẽ đạt khoảng 1.850 tỷ USD (theo một nghiên cứu của nhóm TS. Cấn Văn Lực tại BIDV), và thu nhập bình quân đầu người có khả năng đạt mức 14.730 USD (với giả định GDP tăng trưởng 7%/năm và dân số tăng 1,1% giai đoạn 2021-2030 và 1,05% giai đoạn 2031-2045). Với vị thế của Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và vị thế của Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ cùng với rất nhiều dư địa để phát triển, có thể khẳng định rằng hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đóng một vai trò quan trọng vào việc Việt Nam đạt được những mục tiêu kinh tế nêu trên.

Phó Tổng thống Kamala Harris đã từng nói “Giờ đây, nền kinh tế Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các chuỗi cung ứng mà Hoa Kỳ dựa vào. Đây là trọng tâm lớn của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á". Định hình quan hệ tương lai của chúng ta, tôi thấy có rất nhiều lĩnh vực tiềm năng mà doanh nghiệp của cả hai nước có thể hợp tác tốt.

Để ứng phó với các cú sốc kinh tế trong tương lai, doanh nghiệp hai nước càng cần có sự tin tưởng lẫn nhau, chủ động, sáng tạo và đoàn kết hơn nữa để vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ của cách mạng công nghệ số để phát triển bền vững, đặc biệt trong những dư địa hai bên còn rất nhiều tiềm năng hợp tác, đầu tư như phát triển kinh tế số, năng lượng sạch và bền vững, chế tạo – chế biến, hàng không, y tế, dược phẩm…

Tôi tin tưởng rằng với sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp, sự ủng hộ và quan tâm của Chính phủ hai nước, quan hệ kinh tế thương mại hai nước sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện, tin cậy, thịnh vượng và bền lâu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

(Trích bài phát triển của ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 5)

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương:

Ở góc độ vĩ mô, tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế Việt Nam và Hoa Kỳ là đặc điểm quan trọng giúp Việt Nam định hình chính sách kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ theo hướng hài hòa và bền vững, đảm bảo các nền tảng quan trọng và duy trì lợi ích quốc gia trong hợp tác song phương, từ đó đưa Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Hầu hết các Tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ đều đã có mặt tại Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam sẽ trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham):

Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 5 là sự kiện chào mừng quan hệ đối tác Việt Nam Hoa Kỳ trong vòng 25 năm qua, cũng như hoạt động gắn kết của doanh nghiệp hai nước. Chúng tôi sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi và tăng trưởng của Việt Nam, thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần vào quá trình bình thường hoá quan hệ 2 quốc gia. Đồng thời momg muốn thúc đẩy quan hệ thương mại hai quốc gia với hàng trăm tỷ USD.

NGUYỄN LONG thực hiện