Châu Á đối mặt “cơn gió ngược”

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 19/04/2022 01:19

Kinh tế Trung Quốc suy giảm mạnh do “zero COVID”; FED dự kiến tăng mạnh lãi suất; và chiến sự Nga- Ukraine đã và đang tạo trở lực với tăng trưởng kinh tế Châu Á.

>>Tác động từ Nga - Ukraine: Tiền tệ suy yếu gây áp lực với các quốc gia châu Á

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Châu Á năm 2022 sẽ đạt khoảng 5,2%, giảm so với mức 6,9% năm 2021.

 Theo WB, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 dự kiến đạt 5,3%.

Theo WB, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 dự kiến đạt 5,3%.

Ba cú sốc lớn

Ngân hàng thế giới (WB) cũng bày tỏ quan ngại về triển vọng kinh tế khu vực Đông Á trong năm nay. Trong đó, Trung Quốc vẫn giữ chính sách chống dịch riêng biệt, hạn chế hoạt động ở những trung tâm công nghiệp lớn. Thượng Hải- nơi có cảng container phân phối hàng hóa toàn cầu, đã phong tỏa 2 tuần nay. Điều này góp phần đẩy giá nguyên vật liệu, hàng hóa thế giới tăng cao hơn, đồng thời kéo giảm đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng như các quốc gia có liên quan. Kinh tế Trung Quốc được dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 5% so với 8,1% hồi năm ngoái.

Trong khi đó, chiến sự Nga - Ukraine khiến những mặt hàng thiết yếu cho nông nghiệp, công nghiệp năng lượng, ô tô, điện tử… bị thiếu hụt trầm trọng. Đặc biệt, vấn nạn thiếu hụt lương thực gây áp lực lên hàng chục triệu người sống dưới mức nghèo khổ. Nếu giá lúa mì, gạo tăng thêm 10%, người nghèo theo chuẩn Philippines sẽ tăng hơn 1 triệu người năm nay.

FED dự kiến tăng lãi suất khoảng 6 lần trong năm nay, sẽ khiến dòng vốn giá rẻ tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi, gây mất giá đồng nội tệ ở các thị trường này, đẩy áp lực lạm phát tăng cao hơn, buộc NHTW các nước này cũng phải thắt chặt tiền tệ, cản trở đà phục hồi kinh tế.

Áp lực vĩ mô toàn diện

Nhiều nền kinh tế Châu Á có liên quan mật thiết với Trung Quốc bắt đầu cảm thấy khó khăn từ đầu năm nay khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chững lại. Chẳng hạn, du khách Trung Quốc đóng góp 27% thu nhập cho ngành du lịch Thái Lan nên kinh tế nước này cũng chịu cú sốc mạnh. Đó là chưa kể tác động từ chiến sự Nga-Ukraine. WB dự báo kinh tế Thái Lan sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 2,6% năm nay.

Trong khi đó, khảo sát của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho thấy, chỉ số lòng tin kinh doanh của các nhà sản xuất lớn tại nước này lần đầu tiên xuống mức tồi tệ trong 7 quý vào tháng 3/2022, do bị ảnh hưởng bởi chi phí năng lượng và nguyên liệu thô tăng mạnh. Không thể xuất khẩu sang Nga, ngoại thương Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trong khu vực sẽ mất mát 250 - 300 tỷ USD. IMF dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo 3,3% được đưa ra hồi tháng 1 vừa qua.

Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy tác động nói trên khi giá vật liệu xây dựng cơ bản tại Việt Nam đã phá kỷ lục, tạo áp lực không nhỏ đối với các dự án trọng điểm quốc gia đã khởi công. Giá phân bón cao nhất trong 50 năm qua đang quét sạch túi nông dân. Mục tiêu xuất khẩu nông sản chủ lực đạt 50 tỷ USD bị đe dọa. Mặc dù vậy, WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,3% năm 2022, chỉ giảm khoảng 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo hồi đầu năm nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Le Pen và chính trị cực hữu - nỗi sợ của châu Âu!

    05:30, 18/04/2022

  • 3 xu hướng khởi nghiệp hàng đầu châu Á

    05:15, 14/04/2022

  • Giá bất động sản Châu Á bất ngờ giảm "nóng"

    01:02, 13/04/2022

  • Tác động từ Nga - Ukraine: Tiền tệ suy yếu gây áp lực với các quốc gia châu Á

    05:15, 08/04/2022

TRƯƠNG KHẮC TRÀ