Thỏa thuận an ninh Trung Quốc-Solomon: Mỹ và đồng minh lo ngại gì?
Việc Trung Quốc thông báo về việc nước này đã ký thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon khiến Australia và Mỹ lo ngại.
Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tại cuộc họp báo ngày 19/4 cho biết: Ngoại trưởng Trung Quốc và Solomon đã chính thức ký thỏa thuận khung về hợp tác an ninh. Thỏa thuận hợp tác liên quan đến duy trì trật tự xã hội, bảo vệ an toàn cho người dân, viện trợ, chống thiên tai và bảo vệ an ninh quốc gia.
Phát biểu trước Quốc hội Quần đảo Solomon ngày 20/4, Thủ tướng nước này Manasseh Sogavare cho biết, thỏa thuận này không bao gồm nội dung cho phép Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự tại đây mà chỉ mở đường cho việc tăng cường hợp tác về thương mại, giáo dục và hợp tác trong lĩnh vực nghề cá với Trung Quốc. Thủ tướng Sogavare cũng cho hay ông phản đối ý tưởng cho phép Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự tại nước này.
Theo Thủ tướng Sogavare, thỏa thuận an ninh mà nước này ký với Trung Quốc không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào hoặc liên minh nào mà là vấn đề an ninh nội bộ của nước này vì vậy Thủ tướng Sogavare yêu cầu các quốc gia láng giềng, các đối tác và bạn bè tôn trọng quyết định thuộc chủ quyền của nước này.
“Thỏa thuận hợp tác an ninh giữa Solomon và Trung Quốc dựa trên sự tôn trọng của hai nước đối với chủ quyền, tuân thủ các điều luật của mỗi quốc gia và luật pháp quốc tế. Tôi muốn đảm bảo rằng chúng ta tham gia thỏa thuận với Trung Quốc với một tâm thế mở và vì lợi ích của quốc gia”.
Trước đó một ngày, Nhà Trắng xác nhận các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ sẽ đến Solomon và các đảo quốc Thái Bình Dương khác trong tuần này vì lo ngại khả năng thỏa thuận an ninh hình thành.
Chuyến công du do điều phối viên về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) Kurt Campbell và trợ lý ngoại trưởng Daniel Kritenbrink dẫn đầu. Trong đoàn còn có các đại diện khác của NSC, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cảnh báo thỏa thuận an ninh giữa quần đảo Solomon và Trung Quốc có thể làm mất ổn định an ninh quốc đảo này và tạo ra "một tiền lệ đáng lo ngại" cho khu vực. "Chúng tôi tin rằng việc ký kết thỏa thuận an ninh có thể gia tăng bất ổn ở quần đảo Solomon và có thể tạo ra tiền lệ cho khu vực", người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói.
Việc Trung Quốc thông báo về việc nước này đã ký thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon khiến Australia và Mỹ lo ngại.
“Hành động của Trung Quốc ở Solomon nhắc nhở toàn bộ khu vực rằng chương trình nghị sự của Bắc Kinh là mở rộng ảnh hưởng và kiềm chế sức mạnh của Mỹ và các đồng minh”, ông Patrick Cronin, chuyên gia hàng đầu về châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Hudson (Mỹ) nói.
Tiến sĩ Mark Harrison, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Tasmania (Úc) cho rằng thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Honiara là “thảm họa” đối với Canberra. “Úc đã đánh giá sai hoàn toàn tác động từ sự trỗi dậy của Trung Quốc vào đầu những năm 2010, việc tái xem xét chính sách thì diễn ra chậm chạp và phiến diện”, ông nói với Al Jazeera.
Trong khi đó, Thủ tướng Solomon nhiều lần bác bỏ những chỉ trích liên quan đến thỏa thuận an ninh với Bắc Kinh và khẳng định Honiara không có kế hoạch cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân. Phát biểu trước quốc hội hôm qua, ông Sogavare nói hợp tác an ninh với Trung Quốc không nhằm vào bất cứ nước nào hay liên minh nào, mà xuất phát từ “tình hình an ninh trong nước” của chính Solomon. “Tôi yêu cầu tất cả các nước láng giềng, bạn bè và đối tác tôn trọng các lợi ích tối cao của Quần đảo Solomon và tôi đảm bảo rằng quyết định này sẽ không gây tác động bất lợi hay phá hoại hòa bình và ổn định ở khu vực”, ông nói.
Về phía Việt Nam, tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 21/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về diễn biến này, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: “Hoạt động hợp tác an ninh quốc phòng của các quốc gia cần phù hợp vào luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp Quốc, các điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới”.
Có thể bạn quan tâm
Ông Putin giúp Mỹ vĩ đại trở lại như thế nào?
05:10, 18/04/2022
Mỹ “đe dọa” trừng phạt Trung Quốc thông qua dự trữ ngoại hối
05:00, 10/04/2022
Nỗi ám ảnh kinh tế Mỹ
03:17, 09/04/2022
Mỹ và phương tây "siết" đòn trừng phạt Nga
11:23, 06/04/2022
Khi Chính phủ Mỹ cần nhân tài
04:06, 04/04/2022
Mỹ ra kế hoạch mới “ghìm cương” giá khí đốt
13:00, 31/03/2022