“Cơn gió ngược” nào cản kinh tế thế giới?
Việc FED tăng mạnh lãi suất sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tuy nhiên khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu là không lớn.
FED vừa quyết định tăng lãi suất mạnh nhất trong vòng 30 năm khi tăng thêm 75 điểm phần trăm lãi suất lên 1,5- 1,75% nhằm quyết tâm kiểm soát lạm phát Mỹ hiện đã lên 8,6%- mức đỉnh trong vòng 40 năm qua.
>> Sức ép tỷ giá khi FED tăng lãi suất
Tăng trưởng chậm lại
Việc FED tăng mạnh lãi suất sẽ khiến tổng cầu ở Mỹ giảm vì chi phí vay cho tiêu dùng và sản xuất tăng lên. Điều này dẫn đến cầu đối với xuất khẩu thế giới giảm vì Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và đang là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu sau đại dịch.
Lạm phát tăng cao một phần lớn do đà phục hồi tốt của kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu. Do đó, khi lạm phát có nguy cơ mất kiểm soát thì làm chậm phục hồi và tăng trưởng kinh tế là cần thiết.
Tuy nhiên, điều này gây ra lo ngại rằng, động thái nói trên của FED có thể gây ra một cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ và trên thế giới. Những dấu hiệu thực tế cho thấy khả năng này là không cao dù tăng trưởng GDP quý I/2022 âm 1,4%. Hơn nữa, mức thất nghiệp ở mức thấp nhất trong lịch sử là 3,6%, cũng góp phần hạn chế đà suy giảm kinh tế Mỹ.
Thậm chí, một số chuyên gia cho rằng, dù có thể gây ra một cuộc suy thoái kinh tế thì cuộc suy thoái đó sẽ ngắn và cần thiết để kiểm soát lạm phát, đem lại triển vọng lâu dài, nên không đáng lo ngại.
Không có khủng hoảng tài chính
Việc FED và nhiều ngân hàng trung ương lớn khác nâng lãi suất cũng gây ra lo ngại là khiến thị trường tài chính rối loại vì gây ra sự tháo chạy của dòng vốn khỏi các thị trường mới nổi.
Trên thực tế, có sự thu hẹp dòng vốn trên toàn cầu do có sự dịch chuyển dòng vốn ra khỏi các thị trường mới nổi nhưng hiện tượng này không đáng lo ngại.
Việc FED và các ngân hàng trung ương nâng lãi suất đã nằm trong dự đoán của thị trường và các ngân hàng trung ương trên thế giới, và sự chuẩn bị đã diễn ra từ lâu. Do đó, thị trường thậm chí còn phản ứng tích cực vì cho rằng FED sẽ thành công kiểm soát được lạm phát.
Bên cạnh đó, các định chế ngân hàng và tài chính Mỹ và trên thế giới đều ở trong trạng thái tốt về mặt cán cân tài chính.
Ngoài ra, các ngân hàng trung ương đã có nhiều kinh nghiệm xử lý những tình huống tương tự.
Các đồng tiền mới nổi khó khăn hơn
Nhiều nền kinh tế mới nổi chưa phục hồi sau dịch COVID-19 và đang chịu áp lực lạm phát vì nguyên liệu và lương thực nay phải chịu thêm áp lực tỷ giá. Thế khó khăn xuất hiện là phải nâng lãi suất trong khi tăng trưởng chưa tốt.
Tuy nhiên, điều này đã được dự báo nên hiện chưa có cú sốc nào được báo cáo và khả năng xảy ra cú sốc tỷ giá làm mất cân bằng vĩ mô ở các nền kinh tế này cũng không cao.
>> FED dự kiến sẽ thực hiện ít nhất ba đợt tăng lãi suất lớn
Quan trọng, mức tác động lớn hay nhỏ sẽ tùy thuộc mỗi nền kinh tế có mức độ liên kết toàn cầu nhiều hay ít thể hiện trên các khía cạnh như mức lệ thuộc vào xuất khẩu, mức ổn định tỷ giá và khả năng ổn định tỷ giá, nợ nước ngoài, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, dư địa ngân sách và lãi suất.
Xét trên tổng thể, sẽ có một số nước gặp khó khăn nhưng không có suy thoái kinh tế diện rộng.
Dù có thể xảy ra cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu thì cuộc suy thoái đó sẽ ngắn và là cần thiết để kiểm soát áp lực lạm phát, đem lại triển vọng dài hạn, nên không đáng lo ngại.
Tác động tới Việt Nam
Việt Nam có nền kinh tế được xem là có mức liên kết toàn cầu rất cao, tổng kim ngạch thương mại khoảng 200% GDP, FDI là động lực quan trọng của tăng trưởng…
Sự lệ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu trong khi cầu xuất khẩu giảm như đề cập ở trên sẽ có tác động đến xuất khẩu nhưng không lớn. Lý do là hàng xuất khẩu thuộc nhóm hàng thiết yếu, mức độ bị tác động từ giảm cầu là khá nhỏ.
Trong khi đó, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (mua chứng khoán, trái phiếu…) không đáng kể nên không đáng lo ngại về sự tháo chạy của dòng vốn này và tác động xấu của nó đến cân bằng vĩ mô.
Tỷ giá cũng bị ảnh hưởng không lớn vì như đề cập ở trên, xuất khẩu vẫn có triển vọng tốt đem lại nguồn ngoại tệ vững chắc. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn là nơi hấp dẫn đầu tư nước ngoài, dòng vốn vào vẫn có triển vọng tốt tạo nguồn cung ngoại tệ ổn định. Đặc biệt, dòng kiều hối vẫn được cho là ổn định và có triển vọng tốt. Quan trọng hơn, lượng dự trữ ngoại hối có qui mô đủ lớn hiện ở mức kỷ lục 110 tỷ USD.
Tỷ giá ít bị tác động cũng sẽ không gây lo ngại làm gia tăng lạm phát vì tỷ giá tăng. Hơn nữa, lạm phát ở Việt Nam hiện này dù có áp lực từ sự tăng giá nguyên liệu nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Nợ nước ngoài của Việt Nam cũng không lớn, đặc biệt nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp không đáng kể. Do vậy, dù tỷ giá có thay đổi cũng không đáng lo ngại tình trạng thiếu ngoại tệ và vỡ nợ doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm