Vì sao Nga bị vỡ nợ nước ngoài?
Nga lần đầu bị coi là vỡ nợ nước ngoài kể từ năm 1918 do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
>>Bị ngắt khỏi SWIFT, các ngân hàng Nga còn sự lựa chọn nào?
Cụ thể, Hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho biết đến hết ngày 26/6 Nga đã không trả khoản lãi 100 triệu USD. Hạn chót này đã được gia hạn 1 tháng trước đó. Như vậy Moscow được coi là vỡ nợ kỹ thuật lần đầu tiên trong một thế kỷ qua.
Tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ đã chấm dứt khả năng Moscow trả các khoản nợ hàng tỷ USD cho các nhà đầu tư quốc tế thông qua ngân hàng của Washington; đồng thời chính phủ Mỹ thông báo không gia hạn nới lỏng trừng phạt tài chính đối với Nga để nước này thanh toán nợ cho các cá nhân và tổ chức tại Mỹ đã mua trái phiếu chính phủ Nga.
Theo Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre, kịch bản Nga vỡ nợ không gây ra tác động đáng kể đến kinh tế Mỹ và thế giới do Nga "vốn đang bị cô lập tài chính".
Đáp lại, Nga bác bỏ khái niệm "vỡ nợ" và khẳng định nước này đủ tiền để thanh toán bất cứ khoản nợ nào, nhưng bị phương Tây chặn không cho thanh toán. Nga thông báo sẽ trả khoản nợ trái phiếu 40 tỷ USD bằng đồng ruble do "bất khả kháng". Bộ trưởng Tài chính Nga cũng gọi tình huống này là một "trò hề".
Hiện nay Nga nợ khoảng 40 tỷ USD có liên quan trái phiếu nước ngoài. Trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga có khoảng 640 tỷ USD dự trữ ngoại tệ và vàng, phần lớn được giữ ở nước ngoài và hiện bị đóng băng.
Trên thực tế, thông báo vỡ nợ chính thức thường do các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đưa ra, nhưng lệnh trừng phạt của châu Âu khiến các công ty này không thể xếp hạng đối với thực thể Nga. Tuy nhiên, trái chủ có thể đưa ra tuyên bố như vậy khi bên sở hữu 25% trái phiếu nước ngoài nhất trí rằng Nga "vỡ nợ".
Trong điều kiện bình thường, các nhà đầu tư và chính phủ vỡ nợ thường thương lượng để dàn xếp, trong đó các trái chủ được phát hành trái phiếu mới có giá trị thấp hơn. Ít nhất điều này cũng giúp các chủ nợ được bồi thường một phần.
>>Cắt khỏi SWIFT, Nga đang thanh toán tín dụng bằng hệ thống nào?
Ông Tim Ash, nhà phân tích cấp cao tại BlueBay Asset Management (Anh), cho biết việc vỡ nợ “rõ ràng là không nằm ngoài tầm kiểm soát của Nga” và các lệnh trừng phạt đang ngăn nước này trả nợ. Mặt khác, giới phân tích cho rằng vỡ nợ cũng chỉ là vấn đề nhỏ so với những gì Nga đang đối mặt là lạm phát 2 con số và sụt giảm kinh tế trầm trọng.
Nga đã bị cắt đứt khỏi các thị trường vốn phương Tây, do đó, việc vay vốn trở lại sẽ là một chặng đường dài. Điện Kremlin vẫn có thể vay bằng đồng ruble trong nước, nơi chủ yếu dựa vào các ngân hàng Nga để mua trái phiếu.
Trước mắt, không ai biết khi nào xung đột ở Ukraine kết thúc hay những trái phiếu bị vỡ nợ có thể có giá trị bao nhiêu. Vì vậy các chủ nợ có thể quyết định chờ đợi.
Hiện Nga chỉ đóng một vai trò nhỏ trong chỉ số trái phiếu thị trường mới nổi, do đó, các nhà phân tích cho rằng điều này hạn chế thiệt hại cho những nhà đầu tư. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cho biết trong khi xung đột tại Ukraine đang khiến giá lương thực và năng lượng tăng trên toàn thế giới, việc vỡ nợ đối với trái phiếu chính phủ sẽ “chắc chắn không liên quan về mặt hệ thống”.
Được biết, Nga chưa từng vỡ nợ nước ngoài kể từ sau cuộc cách mạng Bolshevik vào năm 1917. Mặc dù quốc gia này từng vỡ nợ trong nước vào cuối những năm 1990, nhưng có thể phục hồi sau đó với sự trợ giúp của viện trợ quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
Nước Nga bị cô lập, quốc gia nào đang hưởng lợi?
05:12, 25/06/2022
Nga xoay trục sang BRICS để "né đòn" của Mỹ và phương Tây
04:30, 24/06/2022
Cắt khỏi SWIFT, Nga đang thanh toán tín dụng bằng hệ thống nào?
05:00, 04/04/2022
Hệ thống thanh toán của Trung Quốc khó trở thành "SWIFT mới" cho Nga
05:30, 03/03/2022
Nga bị loại khỏi SWIFT, doanh nghiệp xuất khẩu Việt gặp khó
04:12, 02/03/2022