Phần Lan và Thụy Điển "rộng cửa" vào NATO, Nga sẽ "nhảy dựng"?
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ rút lại việc phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, khối này đã mời hai nước Bắc Âu này vào liên minh.
>>NATO như "hổ thêm cánh", Nga sẽ đối phó thế nào?
Theo tuyên bố chung từ Hội nghị Thượng đỉnh ở Madrid, Tây Ban Nha, NATO quyết định mời Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của khối và đồng ý ký kết các nghị định thư gia nhập cho 2 quốc gia Bắc Âu này. NATO cho biết việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập sẽ giúp hai nước này cùng khu vực châu Âu - Đại Tây Dương an toàn hơn, trong khi NATO cũng lớn mạnh hơn.
Trong thời gian sắp tới, Quốc hội các nước thành viên NATO sẽ cần phê duyệt quyết định mở rộng NATO và quy trình này không giống nhau ở từng nước. Tại Mỹ, quyết định kết nạp sẽ được thông qua nếu 2/3 thành viên Thượng viện bỏ phiếu thuận. Trong khi đó, Anh không yêu cầu bỏ phiếu chính thức tại Quốc hội.
Quá trình này thường mất 8-12 tháng để hoàn tất, dựa trên những tiền lệ trước đây. Bắc Macedonia, nước gần nhất gia nhập NATO, đã chờ khoảng một năm. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông hy vọng quá trình thông qua tư cách thành viên của Phần Lan và Thụy Điển sẽ diễn ra nhanh chóng.
Bên cạnh đó, các thành viên NATO nhất trí về Khái niệm Chiến lược mới, tài liệu phác thảo sứ mệnh và lập trường của liên minh đối với các nước không phải thành viên NATO. Trong đó, NATO coi Nga là "mối đe dọa chính" và mô tả Trung Quốc là thách thức đối với lợi ích, an ninh cũng như các giá trị của khối.
>>Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ "ngáng đường" Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO?
Trước đó, sau các cuộc đàm phán giữa Phần Lan, Thuỵ Điển với Thổ Nhĩ Kỳ, các bên tháo gỡ được các bất đồng và ký Thoả thuận 3 bên. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phản đối Phần Lan, Thuỵ Điển gia nhập NATO, đổi lại, hai nước này cũng phải đưa ra một số nhượng bộ về an ninh và tư pháp đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra một danh sách rõ ràng về những bất bình với Phần Lan và Thụy Điển mà họ muốn được giải quyết trước khi đồng ý để hai quốc gia này trở thành thành viên NATO. Quốc gia này cho biết họ đã có được những gì mình muốn” bao gồm “sự hợp tác đầy đủ trong cuộc chiến chống lại các nhóm nổi dậy.
Phần Lan và Thụy Điển cũng sẵn sàng làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ về các yêu cầu dẫn độ với các cá nhân bị nghi là khủng bố. Tuy nhiên, quá trình dẫn độ này sẽ diễn ra theo Công ước Châu Âu về Dẫn độ và hệ thống pháp luật ở các quốc gia này.
Cuộc thăm dò dư luận mới nhất ở Phần Lan cho thấy người dân quốc gia này không mấy mặn mà với những yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO. 70% người Phần Lan không nghĩ rằng nên có bất kỳ thay đổi nào về luật pháp, hoặc thay đổi về nguyên tắc để xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ.
Các chuyên gia nhận định, sự thay đổi trong lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO dường như là một chiến thắng cho Tổng thống Mỹ Joe Biden và là một tín hiệu xấu đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Điều này chắc chắn sẽ khiến Nga phải "nhảy dựng" vì thế lực NATO ngày càng siết chặt vòng vây đối với Nga.
Tổng thống Nga đã từng cảnh báo nước này sẽ có biện pháp phản ứng nếu NATO thiết lập cơ sở hạ tầng quân sự tại Phần Lan và Thụy Điển. Nay 2 quốc gia này sắp trở thành thành viên NATO, thì khó tránh khỏi việc NATO sẽ thiết lập hạ tầng quân sự tại đây để bảo vệ thành viên của mình.
Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde dự đoán trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi nước này và Phần Lan chính thức trở thành thành viên NATO, căng thẳng có khả năng gia tăng và Nga có thể sẽ “điều thêm nhiều binh sĩ áp sát biên giới”.
Đặc biệt, ông Matti Muukkonen, Giáo sư luật tại Đại học Đông Phần Lan, cho hay, nếu Phần Lan gia nhập NATO, đây sẽ là sự bổ sung đáng kể cho khối khi quốc gia này là một siêu cường quân sự tại khu vực Bắc Âu và Baltic. "Chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc giúp Phần Lan có thể huy động hàng nghìn binh sĩ chỉ trong vài ngày. Phần Lan cũng đầu tư lớn cho quốc phòng trong những thập kỷ qua, gần đây nhất là mua 64 tiêm kích tàng hình F-35 từ Mỹ", ông Matti Muukkonen nói.
Có thể bạn quan tâm