Nhiều quốc gia "cấp tập" đối phó khủng hoảng năng lượng

QUỲNH MAI 25/08/2022 12:00

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Thế giới chưa bao giờ chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn như vậy cả về chiều sâu và mức độ phức tạp của nó”.

Theo ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sự siết chặt toàn cầu đối với nguồn cung năng lượng đã đẩy giá nhiên liệu và giá điện tăng cao.

“Thế giới chưa bao giờ chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn như vậy cả về chiều sâu và mức độ phức tạp của nó. Chúng ta thậm chí còn chưa thấy được sự tồi tệ nhất của nó, điều này đang ảnh hưởng lớn đến toàn thế giới", ông Fatih Birol nhấn mạnh.

>>"Báo động đỏ" khủng hoảng năng lượng ở Châu Á

Toàn bộ hệ thống năng lượng toàn cầu đang rối loạn sau khi chiến sự Nga- Ukraine được phát động, bởi vì Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, nên các lệnh trừng phạt Nga đã làm gián đoạn nguồn cung. Giá dầu khí tăng cao, đang làm tăng thêm áp lực lạm phát và dẫn đến các cuộc biểu tình từ châu Phi đến Sri Lanka, giống như cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970. 

Trong quá trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch hơn, Trung Quốc có thể trở thành kẻ “thống trị” năng lượng khi quốc gia này kiểm soát khoảng 80% chuỗi cung ứng toàn cầu về điện mặt trời, dự kiến sẽ tăng lên 95% vào năm 2025, theo IEA. Trung Quốc thống trị phần lớn lĩnh vực pin lithium-ion, là nhà sản xuất chủ chốt của tuabin gió và đang tìm cách nhanh chóng xây dựng năng lực trong công nghệ hydro sạch. 

Sau các quy định thành lập liên doanh và chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp tuabin gió nước ngoài, Trung Quốc trở thành quốc gia sản xuất điện gió lớn nhất thế giới. Ảnh: China.org.

Sau các quy định thành lập liên doanh và chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp tuabin gió nước ngoài, Trung Quốc trở thành quốc gia sản xuất điện gió lớn nhất thế giới. Ảnh: China.org.

Trong khi đó, Thụy Sĩ là quốc gia vốn phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu. Do đó, quốc gia này vừa thông báo kế hoạch cắt giảm 15% tiêu thụ khí đốt so với mức trung bình 5 năm qua để đối phó với khủng hoảng năng lượng. Hành động này của Thụy Sĩ tương tự như tuyên bố mới nhất của Châu Âu. Để ứng phó khẩn cấp với tình trạng thiếu năng lượng cũng như giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, kể từ ngày 9/8, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thực hiện mục tiêu giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023.

Tại Đức, để bảo đảm nguồn cung năng lượng cho những tháng mùa Đông sắp tới, Chính phủ nước này mới đây thông báo thu phụ phí sử dụng khí đốt từ tháng 10/2022 đến 1/4/2024. Italy và Hy Lạp cũng quy định giới hạn 27 độ C đối với điều hòa không khí trong các tòa nhà công cộng. Kể từ tháng 7 vừa qua, thủ đô Paris của Pháp đã đưa ra mức phạt 150 euro (153 USD) đối với các doanh nghiệp mở cửa sổ và cửa ra vào trong khi bật điều hòa.

Nhà máy điện hạt nhân Mihama.

Nhà máy điện hạt nhân Mihama, Nhật Bản

Nắng nóng đang làm trầm trọng thêm khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu, trong đó Na Uy chịu tác động mạnh nhất. Nước này vốn có sản lượng từ các nhà máy điện cung cấp đến 90% điện năng và xuất khẩu sang các nước láng giềng, đã giảm xuống mức thấp nhất trong 25 năm qua, gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng và giá cả tăng. Tại Pháp, Đức, hay Anh, nhiệt độ tăng cao, hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến cho nguồn năng lượng điện đã hạn chế, nay lại càng khó khăn hơn.

“Cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng là phải độc lập với khí đốt Nga càng nhanh càng tốt. Nhưng đó là thách thức lớn", Giám đốc điều hành của Agder Energi, ông Syvertsen nhấn mạnh.

Trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng, Nhật Bản cũng đã công bố sẽ mở lại nhiều nhà máy điện hạt nhân. Thủ tướng Nhật Bản Kishida cũng cho biết sẽ xem xét kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hạt nhân hiện có. Bởi vì, chiến sự Nga- Ukraine đã và đang làm tăng chi phí năng lượng, buộc Nhật Bản phải thay đổi quan điểm về chính sách đối với năng lượng hạt nhân.

Kể từ sau trận động đất và sóng thần lớn vào năm 2011 gây ra sự cố tại Nhà máy điện Fukushima Daiichi, Nhật Bản nói sẽ không xây dựng các lò phản ứng mới. Do đó, sự thay đổi chính sách lần này được xem là bước ngoặt đáng kể của quốc gia này. Những kế hoạch “chuyển đổi xanh” đang được Nhật Bản vạch ra nhằm đảm bảo phát triển năng lượng đáp ứng các mục tiêu về môi trường. 

Có thể bạn quan tâm

  • [LONGFORM] Chiến tranh, khủng hoảng năng lượng và hơn thế nữa…

    [LONGFORM] Chiến tranh, khủng hoảng năng lượng và hơn thế nữa…

    06:10, 03/06/2022

  • Mỹ cứu châu Âu khỏi khủng hoảng năng lượng?

    Mỹ cứu châu Âu khỏi khủng hoảng năng lượng?

    05:30, 18/01/2022

  • [eMagazine] Khủng hoảng năng lượng và nền chính trị “bốc lửa”

    [eMagazine] Khủng hoảng năng lượng và nền chính trị “bốc lửa”

    11:00, 01/11/2021

QUỲNH MAI