“Cuộc chiến” ngành chip (Kỳ II): Cơ hội trong cấu trúc mới

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 26/08/2022 12:00

Phương Tây nắm công nghệ nguồn nhưng không thể “một mình một ngựa” trong cuộc đua sản xuất chip.

Đây là cơ hội cho các quốc gia có tiềm năng đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong cấu trúc mới.

 Samsung chuẩn bị sản xuất sản phẩm bán dẫn tại Việt Nam. Ảnh: Trần Hải

Samsung chuẩn bị sản xuất sản phẩm bán dẫn tại Việt Nam. Ảnh: Trần Hải

>> “Cuộc chiến” ngành chip (Kỳ I): Bước đi táo bạo của Mỹ

“Săn lùng” đối tác mới

Tháng 4/2018, Samsung đã đóng cửa một nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng tại Thâm Quyến và một nhà máy sản xuất điện thoại thông minh ở Thiên Tân, Trung Quốc. Động thái này của Samsung đã châm ngòi cho làn sóng thoát khỏi Trung Quốc, kéo theo Hyundai Motor, Kia Motors và LG.

Một loạt “ông lớn” ngành chip như Intel, USI Electronics, Renesas Electronics tất bật chuyển đến đại bản doanh mới. Riêng nguồn vốn đầu tư của bộ ba Mỹ - Nhật - Hàn cho ngành chip khoảng 300 tỷ USD.

Samsung đã và đang đầu tư mạnh vào Việt Nam. Sau điện thoại thông minh, tivi công nghệ cao, Việt Nam sẽ là trung tâm sản xuất linh kiện bán dẫn từ tháng 7/2023.

Trong khi đó, thung lũng silicon Bangalore (Ấn Độ), nơi quy tụ gần 2 triệu lao động trí óc, có hạ tầng “cứng” lẫn “mềm” hoàn hảo, được dự báo vượt mặt San Francisco (Mỹ) trở thành trung tâm công nghệ lớn nhất hành tinh. Dĩ nhiên, có thể tìm thấy bất cứ nhà phát triển chip nào ở đây.

Ông Terry Gou, nhà sáng lập Foxconn dùng thuật ngữ “G2” để mô tả hiện tượng phân cực ngành công nghệ toàn cầu. Ông này dự báo Ấn Độ, Đông Nam Á và châu Mỹ có thể sẽ trở thành một hệ sinh thái sản xuất chip chuyên dụng mới trong tương lai.

>> “Cơn khát” chất bán dẫn của ngành chip ô tô

“Nút thắt” cần tháo gỡ.

Việt Nam gần Trung Quốc- nơi đến hàng đầu của các doanh nghiệp dịch chuyển, có thể tiết kiệm chi phí logictics, và có thị trường dồi dào ở phân khúc người tiêu dùng trung lưu.

Quan trọng hơn, Việt Nam có nhiều chính sách hấp dẫn, kèm theo các chương trình chủ động phát triển kinh tế công nghệ tương thích với chiến lược đầu tư của Intel, Samsung, Amkor, Hana Micron, Renesas...

Tuy nhiên, tín hiệu đầu tư vào Việt Nam chỉ mới “le lói” so với quy mô ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay. Việt Nam hiện mới chỉ ở giai đoạn sản xuất linh kiện bán dẫn, chứ chưa phải là “đầu não” nghiên cứu và phát triển; vận dụng tài nguyên, tinh chế.

Các chuyên gia cho rằng, có một số “nút thắt” cần tháo gỡ để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Thứ nhất, Việt Nam có đội ngũ lao động dồi dào nhưng thiếu chuyên gia, đặc biệt lập trình viên tiệm cận với trình độ thế giới. “Tập trung khai thác quá mức lợi thế chi phí lao động thấp sẽ là một trở ngại với doanh nghiệp trong việc dần phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao”, chuyên gia Võ Trí Thành nhận định.

Thứ hai, hạ tầng “cứng” chưa đồng bộ, khâu quy hoạch ban đầu còn hạn chế tầm nhìn chiến lược. Ví dụ, thời điểm 1998 Khu công nghệ cao Hòa Lạc được xem là bước đột phá về tư duy kinh tế giàu chất xám, cùng xuất phát với một số khu vực của Thái Lan, Malaysia, Indonesia, nhưng hơn 2 thập kỷ vẫn ngổn ngang.

Thứ ba, tài nguyên đất hiếm, ngành khai khoáng và luyện kim màu là ba điều kiện không thể thiếu nếu muốn trở thành trung tâm công nghệ bán dẫn.

Có thể bạn quan tâm

  • “Cuộc chiến

    “Cuộc chiến" Silicon (Kỳ III): Việt Nam có thể sản xuất chip

    05:00, 21/08/2022

  • Trung Quốc khó thoát phụ thuộc chip của Đài Loan

    Trung Quốc khó thoát phụ thuộc chip của Đài Loan

    15:30, 17/08/2022

  • TSMC và cuộc cạnh tranh chip Mỹ- Trung

    TSMC và cuộc cạnh tranh chip Mỹ- Trung

    15:17, 04/08/2022

  • Thượng viện Hoa Kỳ sẽ sớm thông qua Đạo luật CHIPS trị giá 52 tỷ USD

    Thượng viện Hoa Kỳ sẽ sớm thông qua Đạo luật CHIPS trị giá 52 tỷ USD

    00:06, 21/07/2022

TRƯƠNG KHẮC TRÀ