"Đòn bẩy" thương mại đầu tư Việt Nam - Vương quốc Anh
Sau hơn một năm thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam- Vương quốc Anh (UKVFTA), lĩnh vực thương mại và đầu tư song phương ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.
>> Thúc đẩy UKVFTA trong bối cảnh "hậu Brexit"
Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam, trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh Nghiệp về những lợi ích từ Hiệp định và xu thế hợp tác song phương trong thời gian tới.
- Sau hơn một năm có hiệu lực thi hành, UKVFTA đã có tác động như thế nào đến các hoạt động thương mại và kinh doanh song phương, thưa ông?
UKVFTA có hiệu lực thi hành từ cuối tháng 3/2021 song có nhiều lợi ích hồi tố kể từ tháng 1 cùng năm. Đây là một trong những FTA có quá trình đàm phán diễn ra nhanh nhất, phần lớn nhờ vào mối quan hệ đối tác chiến lược bền chặt giữa Chính phủ hai nước.
Các lĩnh vực xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như quần áo, giày dép, điện thoại và các mặt hàng điện tử rõ ràng đã được hưởng lợi từ FTA nhờ sự gia tăng khối lượng thương mại. Các lĩnh vực được hưởng lợi khác bao gồm các sản phẩm nông nghiệp.
Từ tháng 5/2021 đến tháng 5/2022, xuất khẩu từ Vương quốc Anh sang Việt Nam tăng 38% từ 51,7 triệu bảng Anh (62,6 triệu đô la) lên 71,4 triệu bảng Anh (86,45 triệu đô la), trong khi nhập khẩu tăng 7% từ 356 triệu bảng Anh (431 triệu đô la) lên 381 bảng Anh triệu (461 triệu đô la).
Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Vương quốc Anh sang Việt Nam trong giai đoạn này bao gồm tuabin khí, rượu và dược phẩm, trong khi các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam vào Vương quốc Anh là điện thoại, dệt may, da giày, cà phê và máy tính.
- Thưa ông, UKVFTA có mang tới những thay đổi trong bức tranh đầu tư của Anh Quốc vào Việt Nam, cũng như tạo ra xu hướng mới trong lĩnh vực này?
Với việc hơn 12.000 sinh viên Việt Nam hiện đang học tập tại Vương quốc Anh và số lượng các trường học, cơ sở giáo dục đại học ngày càng tăng cao tại đất nước này phù hợp với nhu cầu đang gia tăng tại Việt Nam – lĩnh vực giáo dục đang trở thành điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.
Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống như dịch vụ tài chính, chuyên môn và bảo hiểm, mối quan hệ song phương ngày càng được mở rộng và hiện tại đã bao gồm cả lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Vương quốc Anh tại Việt Nam kể từ khi UKVFTA có hiệu lực là dự án trang trại điện gió ngoài khơi của tập đoàn Enterprize Energy với tổng vốn đầu tư theo từng giai đoạn hơn 10 tỷ đô la. Tuy nhiên, cho tới gần đây dự án này vẫn đang trong quá trình thảo luận.
>> 1 năm thực thi UKVFTA: Vẫn còn nhiều dư địa
Các tổ chức tài chính của Anh đặc biệt quan tâm tới việc hỗ trợ Việt Nam thông qua nguồn tài chính xanh (như trái phiếu xanh) và hình thức tài trợ này sẽ rất quan trọng giúp Việt Nam có thể đạt được cam kết về không phát thải ròng vào năm 2050.
- Các doanh nghiệp và nhà đầu tư kỳ vọng các cam kết FTA sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách hành chính, và cải thiện môi trường kinh doanh. Xin ông cho biết những cải thiện trong các lĩnh vực này trong thời gian qua?
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong cải cách hành chính và môi trường kinh doanh, nhưng những thay đổi này dường như chưa đạt như kỳ vọng trong mắt nhiều nhà đầu tư.
Một trong những thách thức là việc thực thi các mong muốn của chính phủ tại các tỉnh, thành. Các vướng mắc khác bao gồm giấy phép lao động và thẻ cư trú, đặc biệt là viêc yêu cầu trình độ, bằng cấp phù hợp với từng công việc cụ thể từ phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Về điều này, chúng ta dường như đang đi ngược lại 10 năm và không có nhiều tiến triển.
Nhìn chung, các nhà đầu tư Anh hiện đang ở Việt Nam, hay quan tâm tới Việt Nam có đánh giá rất tích cực về triển vọng phát triển của đất nước, một phần nhờ vào sức mạnh của mối quan hệ đối tác chiến lược và quan hệ song phương giữa hai nước. Và chúng ta kỳ vọng giá trị thương mại và đầu tư hai chiều sẽ ngày càng tăng trưởng trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm