Gập gềnh đường đến Mỹ của các doanh nghiệp Trung Quốc
Theo kết quả của cuộc khảo sát kinh doanh của Phòng Thương mại Trung Quốc (CGCC), chỉ 10% doanh nghiệp Trung Quốc hy vọng quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc được cải thiện trong năm tới.
>>Trung Quốc củng cố quân đội "răn đe" Mỹ
Sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến Đài Loan, triển vọng cải thiện quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang trở nên mờ mịt hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, các công ty Trung Quốc hoạt động tại Mỹ khó lại càng khó, nhất là trong việc nỗ lực hiện diện thương hiệu của mình tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Kết quả của cuộc khảo sát kinh doanh hàng năm của Phòng Thương mại Trung Quốc (CGCC) đối với các doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ vừa được công bố cho thấy chỉ 10% số người được hỏi hy vọng quan hệ song phương giữa hai nước được cải thiện trong năm tới. Đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 2018. Trong số 111 công ty trả lời cuộc khảo sát, chỉ có 19% cho rằng quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ - Trung sẽ cải thiện vừa phải hoặc về cơ bản trong năm nay, trong khi con số này là 39% trong năm 2021.
Chuyên gia Abby Li tại CGCC cho biết: “Rất nhiều công ty Trung Quốc đang xem xét lại mục tiêu đầu tư của họ đối với thị trường Mỹ. Chỉ có 74% các công ty cho biết họ có kế hoạch tái đầu tư, cũng như bình thường hoá các hoạt động kinh doanh tại Hoa Kỳ. Trong khi tỷ lệ này vào lần lượt là 90% và 80% trong hai năm 2021 và 2020."
Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm, một trong những thách thức lớn mà các công ty Trung Quốc phải đối mặt tại Mỹ là xây dựng thương hiệu riêng cũng như xây dựng niềm tin với người tiêu dùng Mỹ. Những thách thức này bao gồm sự tin tưởng thấp đối với các thương hiệu Trung Quốc. Ông Li nói: “Các công ty đôi khi sẽ chọn cách che giấu gốc gác Trung Quốc của mình và cố gắng thể hiện mình như một thương hiệu Hoa Kỳ hoặc là một thương hiệu toàn cầu”.
Cũng theo khảo sát của CGCC, các công ty Trung Quốc gặp không ít khó khăn trong việc tuân thủ theo luật của Mỹ. Trong số tất cả những người được hỏi, có tới 50% cho biết các luật và quy định phức tạp của Hoa Kỳ là thách thức hàng đầu của họ, tiếp theo là 49% lo ngại về những xung đột tiềm ẩn giữa luật pháp Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Đứng trước tình trạng trên, ông Peter Reisman - Giám đốc điều Bank of China USA đưa ra nhận xét: "Tôi đã thấy các công ty Mỹ thực sự hòa mình vào văn hóa Trung Quốc và thuê nhân viên địa phương. Khi các công ty Trung Quốc muốn thâm nhập vào thị trường Mỹ, theo tôi họ cũng phải làm như vậy."
Đồng tình với ông Reisman, ông Wally Hsueh - Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của FedEx, đã nhắc lại lời kêu gọi bản địa hóa tại hội đồng. Ông cho biết sự tham gia của lao động bản địa, cũng như thiết lập mối quan hệ với các chính trị gia địa phương là bước đi rất quan trọng để các công ty Trung Quốc xây dựng lòng tin ở Mỹ.
Cả ông Reisman và ông Hsueh đều nhấn mạnh rằng các công ty Trung Quốc nếu muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại Mỹ thì việc đầu tiên họ cần làm là mở rộng các mối quan hệ, đặc biệt là với chính phủ. Đây là một quá trình lâu dài nhưng rất đáng giá. "Một ví dụ rất phù hợp là Đài Loan, làm thế nào mà các công ty Đài Loan giờ đây trở nên khá phổ biến tại Mỹ? Vì họ luôn dành thời gian đầu tư và mở rộng các mối quan hệ với chính phủ, tìm hiểu nhu cầu của thị trường cũng như xây dựng thương hiệu về giá trị nhân văn của họ", ông Hsueh chia sẻ.
Ở một khía cạnh khác, ông Reisman bổ sung thêm rằng với căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa hai nước, việc kết bạn ở Mỹ càng trở nên cần thiết hơn đối với các công ty Trung Quốc. Nhà kinh tế này chia sẻ: "Bạn có thể tìm thấy một số người Mỹ thực sự sẽ ủng hộ bạn và các sản phẩm của bạn. Bạn sẽ nhận thấy có những người tiêu dùng sẽ cho rằng, tất cả những điều xung đột về địa chính trị giữa hai nước là điều không liên quan tới sản phẩm, và đây là một công ty Trung Quốc thật tuyệt vời”.
>> Nguy cơ bùng phát Chiến tranh Lạnh mới Mỹ- Trung
Trên thực tế, mặc dù hoạt động tại thị trường Mỹ đặt ra nhiều thách thức cho các công ty Trung Quốc, nhưng mối quan tâm đến việc thâm nhập thị trường Mỹ của rất nhiều công ty đại lục vẫn còn mạnh mẽ.
Chris Pereira - người sáng lập và chủ tịch của công ty quan hệ công chúng Hệ sinh thái Bắc Mỹ, cho biết yêu cầu từ các doanh nghiệp Trung Quốc đến mở cửa hàng tại Mỹ đã tăng gấp 5 lần trong năm nay. Ông cho biết công ty của ông đang tư vấn cho khoảng 40 công ty đang trong quá trình chuẩn bị ra mắt tại Mỹ. Một nửa trong số đó đến từ Trung Quốc và một nửa do người Trung Quốc thành lập ở Mỹ.
Ông Pereira cho biết: “Vì COVID-19 cũng như các lý do kinh tế khác, bất kỳ công ty nào trên khắp thế giới đang tìm cách tăng thêm nguồn doanh thu, việc mở rộng thị trường đến Hoa Kỳ hay bất kỳ một khu vực nào khác cũng là điều rất hợp lý. Mặc dù vậy, tôi không chắc về chính sách ở Trung Quốc, rằng liệu Trung Quốc có tiếp tục mở cửa thị trường hay không".
Để đến Mỹ không quá khó, nhưng tồn tại ở thị trường Mỹ lại không phải là điều đơn giản. Đây là bài học mà các công ty Trung Quốc đã học được trong nhiều năm qua. Ông Pereira nói: “Tôi nghĩ trong 10 năm qua, rất nhiều công ty Trung Quốc tại Mỹ đã thất bại vì họ không nội địa hóa. Rất dễ để thuê đội ngũ lao động tại địa phương, nhưng họ lại quá đa nghi để tin tưởng đội ngũ người bản địa... Điều nay đã dẫn đến rất nhiều xích mích giữa người Trung Quốc và người Mỹ. Nếu như hiện nay các công ty Trung Quốc có một tư duy dài hạn hơn và thay đổi chiến lược kinh doanh thì không có lý do gì ngăn cản họ thành công, bất kể mối quan hệ Mỹ - Trung có như thế nào!”
Có thể bạn quan tâm