Nga chuyển dòng năng lượng sang Châu Á
G7 áp giá trần, dầu thô Nga sẽ đổ về Châu Á là điều chắc chắn. Nhưng không có nghĩa nó sẽ mang lại lợi ích cho tất cả!
>>G7 chật vật áp giá trần dầu thô Nga
Sau khi nhóm G7 khởi động chương trình áp giá trần dầu thô Nga, phía Mỹ đã có “tư vấn” định lượng. Theo cách tính của Washington bao gồm chi phí sản xuất, bảo hiểm rủi ro do chiến sự Nga- Ukraine và biến động giá, mỗi thùng dầu thô Nga dự kiến xoay quanh 60USD/thùng.
Bộ Tài chính Mỹ cho hay, G7 dùng phương pháp lấy giá thị trường hợp lý trừ phần bù rủi ro từ chiến sự tại Ukraine. Một số tài liệu từ Kremlin từng tiết lộ, chi phí sản xuất cận biên mỗi thùng dầu là 44 USD. Chuyên gia phương Tây cho rằng, con số thực còn thấp hơn!
Đối với ngành khai khoáng và bán thô sản phẩm, đặc biệt lâu đời như ngành dầu mỏ Nga, chi phí sản xuất không đáng kể. Đây là cách thức mà Moscow tối đa hóa lợi nhuận từ lĩnh vực kinh tế xương sống.
Giả sử dầu Nga bị áp 60USD/thùng, mức thất thu không hề nhỏ! Giá dầu Brent Biển Bắc hiện hơn 91USD/thùng, dầu ngọt nhẹ WTI gần 87USD/thùng, với dầu Ural Nga là 84USD/thùng.
Theo cách tính của phương Tây, Nga mất 24USD/thùng, tương đương khoảng 50% lợi nhuận. Với thông tin Nga thu về 161 tỷ USD từ xuất khẩu dầu, khí đốt nửa đầu năm 2022, con số thiệt hại của nước này ước tính hàng chục tỷ USD.
Cơ chế giá trần sẽ có lợi cho châu Âu, bởi họ có đầy đủ công cụ để mua dầu từ bên thứ ba thông qua “thị trường xám”. Đối với các hãng bảo hiểm ở Anh, đa phần công ty buôn bán dầu thô đến từ Mỹ và châu Âu, thị trường giao dịch lớn nhất cũng ở đó.
Dòng năng lượng Nga “chảy” sang châu Á là lẽ tất yếu, nơi đây là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, hai cường quốc Trung Quốc và Ấn Độ là đối tác mua dầu thô Nga nhiều nhất kể từ khi chiến sự Nga- Ukraine xảy ra. Dự báo nguồn cung còn nhiều hơn khi G7 chính thức thông qua cơ chế áp giá trần.
>> Giá dầu thế giới và giải pháp ứng phó của Việt Nam
Về lý thuyết, thị trường châu Á được hưởng lợi rất lớn, trực tiếp là thị trường thứ cấp như xăng và phụ phẩm sẽ giảm giá, giúp các quốc gia đối phó hiệu quả hơn với đà tăng lạm phát.
Tại sao ông Laurent Ruseckas, Giám đốc điều hành S&P Global Global Commodity Insights, đặt câu hỏi: “Nếu mức giá trần được áp dụng, ai có quyền được mua dầu giá rẻ và ai phải mua dầu với giá thị trường?”.
Và, chuyên gia Brenda Shaffer từ Hội đồng Đại Tây Dương bình luận về thị trường “3 mặt”: “Người mua sẽ lựa chọn giữa giá chuẩn toàn cầu bình thường, giá dầu thô Nga được áp trần và giá “thị trường xám” đối với các thùng dầu Nga được giao dịch ngầm, sử dụng những biện pháp che giấu nguồn gốc xuất xứ”.
Chỉ có Ấn Độ, Trung Quốc sẵn sàng tiêu thụ dầu Nga, nghĩa là ở vị thế nước lớn, có nhiều phương thức giao dịch, chấp nhận rủi ro phi bảo hiểm. Còn đa số các nước nhỏ thận trọng sợ “vạ lây” nếu bị phương Tây quy chụp “tiếp tay cho Nga”.
Về cơ sở hạ tầng, đường ống ở phía Đông Siberi không thể nào vận chuyển hết khối lượng khai thác khổng lồ, lưu lượng dầu Nga sang Trung Quốc đạt đỉnh 1,98 triệu thùng/ngày, gần bằng tổng sản lượng khai thác giảm sâu nhất kể từ năm 1991.
Có một thực tế rằng, trong lịch sử buôn bán dầu mỏ, chưa bao giờ người ta tiêu hủy nó khi giá thấp và dù mức giá cao đến mấy thì nhân loại cũng cắn răng chịu đựng để duy trì sự sống. Lần này không ngoại lệ, giá dầu là cuộc chơi giữa các cường quốc, không loại trừ những thỏa thuận ngầm để trục lợi.
Có thể bạn quan tâm