Thách thức với Ấn Độ sau cú tăng trưởng thần tốc
Ấn Độ bất ngờ trở thành điểm sáng hiếm hoi của thế giới trong quý 2. Tuy nhiên, nếu không tiếp tục cải cách, kinh tế nước này khó duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ như vậy.
>> Ấn Độ mới là cường quốc “âm thầm trỗi dậy”
Kinh tế Ấn Độ đã đạt mức tăng trưởng 13,5% trong quý II năm nay, trở thành quốc gia gia phát triển nhanh nhất, và thay thế vị trí nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới của nước Anh.
Chính phủ Ấn Độ cho biết, nền kinh tế nước này vẫn đang đi đúng hướng, nhắm tới mục tiêu phát triển 7% trong năm 2022, gấp đôi dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vốn chịu ảnh hưởng bởi chiến sự Nga - Ukraine, giá năng lượng tăng cao và tình trạng phong tỏa do dịch bệnh COVID- 19 gây ra ở Trung Quốc.
Ấn Độ có được bước tiến thần tốc này là do Ấn Độ đã thúc đẩy mạnh nhu cầu nội địa hơn là xuất khẩu. Đặc biệt, Ấn Độ đã có những bước đi quan trọng để cải thiện nền kinh tế, đưa ra hàng loạt chính sách bao gồm tăng cường đầu tư công, cứu trợ cho các con nợ, và đảm bảo tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Các biện pháp can thiệp đã giữ mức độ lạm phát - vốn từng ở mức cao - tương đối trong tầm kiểm soát. Và bất chấp mong muốn của Hoa Kỳ và châu Âu, Ấn Độ vẫn mua dầu khí giá rẻ từ Nga, đảm bảo an ninh năng lượng trong nước.
Bà Trinh Nguyen, Chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Natixis ở Hồng Kông, cho biết nhiều cơ hội mở ra cho Ấn Độ nếu như nước này tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho dân số trong độ tuổi lao động tìm kiếm việc làm, từ đó thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và năng lượng...”
Câu hỏi đặt ra là, các nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội “rót vốn” ở đâu? Những nhà đầu tư lĩnh vực du lịch sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu nghỉ dưỡng và sử dụng khách sạn cao cấp tăng cao. Triển vọng cho lĩnh vực giải trí cũng tỏ ra hứa hẹn, với nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cho các gói đăng ký và trở thành khách hàng trung thành ngay cả ở các thành phố cấp 2 và cấp 3. Bên cạnh đó, các công ty bất động sản, công ty cung cấp các sản phẩm liên quan đến gia đình và chăm sóc cá nhân, ngành hàng tiêu dùng nhanh cũng được hưởng lợi.
>> Dư địa hợp tác đầu tư Việt Nam - Ấn Độ còn rất lớn
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, sở dĩ Ấn Độ tăng trưởng cao trong quý 2 do quốc gia này có nền tăng trưởng thấp trong 2 năm COVID-19 vừa qua. Trên thực tế, trong 3 năm qua, GDP ở Ấn Độ chỉ tăng trưởng từ hơn 3% đến dưới 4. Với năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2023, khó có thể chứng kiến sự bứt phá tăng trưởng của Ấn Độ: Tăng trưởng GDP thực tế sẽ khó đạt 7%.
Đáng chú ý, tại Ấn Độ, các công ty hỗ trợ việc làm và tăng trưởng kinh tế như các doanh nghiệp nhỏ hoặc những công ty trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng - không được chú ý nhiều. Ngay cả các nhà đầu tư chứng khoán toàn cầu cũng lưu ý rằng, trong 10 năm qua, chứng khoán Ấn Độ không mang lại lợi nhuận tốt hơn thị trường Mỹ, vốn minh bạch hơn nhiều. Đặc biệt, vấn đề cải cách hành chính và tư pháp không được đẩy mạnh. Trong khi giải quyết tranh chấp ở Ấn Độ cũng là một cơn ác mộng với nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp. Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, Ấn Độ xếp thứ 163 trên thế giới về khả năng thực thi hợp đồng. Trung bình mất 1.445 ngày để giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua hệ thống tòa án ở Ấn Độ...
Một giải pháp xử lý tình trạng trên là tạo điều kiện cởi mở hơn cho trọng tài, bao gồm cả trọng tài quốc tế. Nhưng trong thập kỷ qua, Ấn Độ lại đi theo hướng ngược lại, khi đơn phương thoát khỏi các hiệp ước đầu tư song phương và chuyển sang củng cố vị thế ưu tiên của các tòa án trong nước. Các chuyên gia cho rằng, những chính sách đó là thiển cận và cần thay đổi.
Bối cảnh toàn cầu đã thay đổi. Ấn Độ không chỉ cần cho các nhà đầu tư thấy rằng họ có thể đạt được lợi nhuận tốt, đồng thời khẳng định mức độ an toàn của nguồn vốn đầu tư. Điều đó đòi hỏi một loạt cải cách mới so với những gì mà chính phủ Ấn Độ vẫn làm cho đến nay. Nếu các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ gặp khó khăn trong việc thay đổi môi trường đầu tư, sẽ khó thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân để đảm bảo đà tăng trưởng đạt được tính bền vững.
Có thể bạn quan tâm