Thế giới lại "phát sốt" vì làn sóng COVID-19 mới ở Trung Quốc
Kinh tế Trung Quốc khó phục hồi trong quý I/2023 do tình trạng tái bùng phát COVID-19, chỉ báo xấu với kinh tế toàn cầu.
>>Nới lỏng zero-Covid, kinh tế Trung Quốc sẽ ra sao?
Tái mở cửa muộn hơn phần còn lại, Trung Quốc đang một mình đối phó với làn sóng dịch bệnh COVID-19 với tính chất và mức độ “không thể theo dõi” như thừa nhận của nhiều quan chức ngành y tế nước này. Nhưng thế giới quan tâm sâu sắc hơn với những tác động liên đới đến hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nước này sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, đặc biệt làm chậm hàng loạt đơn hàng?
Khoảng 1/2 đến 3/4 lực lượng lao động nhiễm COVID-19 khiến nhiều công ty ở Trung Quốc không thể hoạt động hết công suất. Ba trong số những cảng vận tải quốc tế lớn nhất thế giới ở Trung Quốc đang gặp vấn đề về chuỗi cung ứng. Đơn cử, cảng container Thượng Hải, Thâm Quyến, Thanh Đảo ghi nhận tình trạng hủy đơn hàng gia tăng.
Dữ liệu của MarineTraffic cho thấy rằng trong tuần đầu tiên của năm 2023, sức tải trung bình của tàu container chờ vượt quá giới hạn cảng là 321.989 TEU, đây là số lượng cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 4/2022.
Với rủi ro dịch tễ, theo chuyên gia virus học Christophe Brechot, trong một quần thể dân số có quá đông người bị nhiễm virus sống chung, có nguy cơ xuất hiện những biến thể mới. Virus càng lan truyền nhanh thì khả năng sinh ra các biến thể mới cùng với những đặc tính phức tạp hơn càng lớn.
Tiếp đến là hệ quả về mặt kinh tế, tình trạng các nhà máy ngừng hoạt động sản xuất, xuất khẩu đình trệ của năm 2020 có thể sẽ tái diễn. Sản xuất ở Trung Quốc tê liệt thì sẽ kéo theo những hệ lụy đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, kéo theo kinh tế thế giới vào vòng xoáy khủng hoảng, suy thoái trầm trọng hơn.
Còn nhớ cách đây 3 năm, thế giới chỉ đối phó với dịch COVID-19 thì nay xuất hiện thêm “quả bom” chiến sự Nga - Ukraine, giá năng lượng neo ở mức cao, lãi suất và lạm phát kỷ lục; các nền kinh tế lớn đã rơi vào suy thoái.
Nếu "thảm họa" diễn ra như năm 2020, các chính phủ trên thế giới chắc chắn không thể dùng đến đòn bẩy tài chính để cứu vãn doanh nghiệp, bởi tất cả đang trong giai đoạn thắt chặt tiền tệ, chống lạm phát.
Dù có nhiều dự báo trái chiều về việc dịch chuyển “công xưởng thế giới”, nhưng Trung Quốc vẫn là đầu mối kinh tế không thể thiếu. Nhiều thập kỷ nay chúng ta quá quen với mô hình đặt nhà máy ở Trung Quốc và phân phối hàng hóa đi toàn cầu. Nói cách khác, dòng chảy thương mại chủ đạo từ Trung Quốc sang Âu - Mỹ đối với hàng thành phẩm. Nguyên vật liệu đến các quốc gia đang phát triển và ngược lại với nông sản, khoáng sản, hàng thấp cấp.
Các chỉ số u ám này đặt ra rất nhiều thách thức cho nhiệm vụ nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã vụn vỡ từ vài năm nay, hối thúc yêu cầu cấp bách hơn về việc tái cấu trúc, hoặc xây dựng mới chuỗi cung ứng, trong đó khái niệm “chuỗi cung ứng ngắn” đã được các nhà kinh tế thảo luận trở lại.
Diễn biết bất thường ở Trung Quốc sẽ “phá bĩnh” các dự báo kinh tế 2023, ít nhất tác động đến các điểm rơi như “đáy suy thoái”, “thời gian phục hồi”,…từ đó các chính phủ và doanh nghiệp có căn cứ lý luận để ứng phó.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc mở cửa, Nhân dân tệ tăng giá
04:40, 04/01/2023
Nguy cơ làn sóng dịch COVID-19 mới từ Trung Quốc
04:00, 04/01/2023
Thách thức tái mở cửa nền kinh tế Trung Quốc
04:00, 03/01/2023
Thách thức COVID-19 của Trung Quốc trong năm 2023
20:32, 02/01/2023
Năm 2023, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ “khởi sắc”
00:00, 02/01/2023