Trung Quốc chật vật phục hồi hậu zero COVID
Những "vết thương" từ chính sách zero COVID của Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để có thể lành lại.
>>Chờ đợi biến số kinh tế Trung Quốc năm 2023
Theo SCMP, trong quá trình thực hiện chiến lược cứng rắn zero COVID, nhiều tỉnh, thành địa phương tại Trung Quốc đã chi những khoản tiền khổng lồ để xây dựng các cơ sở cách ly và bệnh viện dã chiến để ứng phó với COVID-19, cũng như triển khai xét nghiệm hàng loạt.
Chỉ riêng tỉnh Quảng Đông đã chi 71,1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 10,5 tỷ USD) cho công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch vào năm ngoái, tăng 57% vào năm 2021. Tỉnh Phúc Kiến ở phía Đông Nam Trung Quốc cũng đã đầu tư 13,04 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái để đối phó với dịch COVID-19, tăng 56% so với năm 2021. Trong ba năm qua, tỉnh này đã chi tổng cộng 30,5 tỷ nhân dân tệ, theo báo cáo tài chính được công bố chính thức.
Báo cáo của Minsheng Securities công bố vào tháng 5/2022 cho thấy, Trung Quốc có thể đã chi 25,4 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái để xây dựng các bệnh viện dã chiến, cùng với khoảng 739,3 tỷ nhân dân tệ cho các địa điểm xét nghiệm COVID-19, cao hơn tổng sản phẩm quốc nội năm 2022 của Luxembourg.
Nhưng sau khi Bắc Kinh đột ngột thay đổi chính sách nghiêm ngặt zero COVID vào tháng 12/2022, sự gia tăng các ca nhiễm bệnh đã tạo áp lực lên hệ thống y tế của quốc gia này, trong khi nhiều hiệu thuốc cũng hết thuốc hạ sốt và thuốc giảm đau. SCMP ghi nhận tình trạng thiếu nguồn lực y tế ở Trung Quốc không giống bất cứ điều gì từng thấy trong suốt những năm vừa qua khi số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 đã tăng nhanh chóng.
Tiến sĩ Hui-Ling Yen, Phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Y tế Công cộng nhận định với SCMP rằng, các bệnh viện dã chiến đóng vai trò tương đối hiệu quả khi bắt đầu đại dịch, vì các bệnh viện này có thể cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh để ngăn chặn sự lây lan của virus. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc chưa thiết lập được một hệ thống y tế nào có thể chống lại COVID-19 một cách hiệu quả trong 3 năm qua. Vai trò của bệnh viện dã chiến rất hạn chế vì thứ mà bệnh nhân cần thực sự là mặt nạ dưỡng khí và máy thở.
>>Trung Quốc "tất bật" khôi phục chuỗi cung ứng
“Nếu Trung Quốc đã chi hơn 730 tỷ nhân dân tệ cho nghiên cứu và phát triển y học, mở rộng số giường ICU, tuyển dụng và đào tạo nhân viên y tế, thì hệ thống y tế hiện tại sẽ không bị phá vỡ như vậy", ông George Magnus, cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford, cho biết.
Trong khi đó, trong ba năm qua, zero COVID đã ám ảnh các doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài và công dân ở Trung Quốc. Ngành du lịch và dịch vụ bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa và cấm tụ tập nơi công cộng. Nông dân buộc phải phá bỏ ruộng đồng vì họ không thể mang sản phẩm thu hoạch ra thị trường.
Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động do chính sách zero-Covid. Tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát chính thức đối với thanh niên trong độ tuổi 16-24 là trên 15% trong cả năm ngoái, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 14,9% do Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính.
Mặc dù những lý do đằng sau việc Bắc Kinh đột ngột từ bỏ chính sách này vào cuối năm ngoái vẫn chưa rõ ràng, nhưng các nhà phân tích cho rằng, việc đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo mới của đất nước cần thay đổi cách thức quản lý trong nhiệm kỳ này.
Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng tăng trưởng kinh tế trên 5% trong năm nay là rất quan trọng để Trung Quốc duy trì ổn định xã hội và nâng cao niềm tin của thị trường. Năm ngoái là lần đầu tiên kể từ năm 1994, Trung Quốc không đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm.
Ngân hàng Thế giới ước tính tốc độ tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc chậm lại ở mức 2,7% do các biện pháp phong tỏa vì COVID-19 nhưng sẽ phục hồi lên mức 4,3% trong năm nay do quốc gia này bỏ chính sách zero Covid.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ cần nhiều thời gian để thực hiện một sự thay đổi mạnh mẽ và phải có một mô hình phát triển kinh tế bền vững hơn để quay trở lại mức tăng trưởng kinh tế trước đại dịch.
Có thể bạn quan tâm