Lý do Mỹ và phương Tây ngại viện trợ chiến đấu cơ cho Ukraine
Việc Ukraine yêu cầu các nước phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu sẽ trở nên khó khả thi khi nhiều quốc gia đã có động thái từ chối.
>>Chiến sự Nga - Ukraine: Đòn hiểm từ xe tăng thế hệ mới
Không có dấu hiệu nào cho thấy các quốc gia phương Tây sẽ sớm đưa ra quyết định viện trợ máy bay chiến đấu tới Ukraine. Khi được hỏi về việc liệu Washington có gửi máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thẳng thắn trả lời: “Không”. Tương tự, Thủ tướng Đức Olaf Scholz dường như cũng đang lo ngại về việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định rằng, "về lý thuyết, không có gì bị loại trừ" khi nhắc đến việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, bất kỳ động thái nào đều sẽ phụ thuộc vào một số nhân tố, trong đó có yêu cầu tránh leo thang căng thẳng và đảm bảo rằng máy bay chiến đấu "sẽ không đụng vào lãnh thổ của Nga".
Hiện nay, Ukraine đang phụ thuộc vào các máy bay chiến đấu thời Liên Xô cũ, được sản xuất trước khi Kiev tuyên bố tách khỏi Liên Xô hơn 30 năm trước. Những chiếc máy bay này đã bị các máy bay phản lực hạng nặng của Nga áp đảo khi chúng có thể bắn tên lửa từ tầm xa mà không cần vào không phận Ukraine.
"Ukraine đã yêu cầu cung cấp máy bay chiến đấu bao gồm F-16 và F-35 của Hoa Kỳ, Eurofighters, Tornados, Rafales của Pháp và máy bay phản lực Gripen của Thụy Điển. Ukraine cũng đang cần trực thăng", cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói với Euronews.
Đánh giá về vấn đề này, ông Tim Sweijs, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược The Hague, cho biết: “Sự kết hợp giữa xe tăng bọc thép, quân đội, các hệ thống như HIMARS, với khả năng tiêu diệt các hệ thống radar của Nga với F-16 có thể giúp Ukraine lật ngược tình thế”.
Tương tự, ông Justin Bronk, một nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn RUSI ở London viết trên Twitter cá nhân rằng không quân Ukraine sẽ “hoàn toàn được hưởng lợi” nếu được sử dụng các máy bay chiến đấu phương Tây để thực hiện không đối không và có khả năng thực hiện các nhiệm vụ không đối đất.
>>Chiến sự Nga- Ukraine: Tiềm ẩn nguy cơ đối đầu NATO- Nga
Do đó, Mỹ và phương Tây lo ngại, việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine sẽ làm tăng rủi ro cũng như mức độ khốc liệt của cuộc chiến khi Nga cũng sẽ đưa các vũ khí hiện đại khác vào chiến trường Ukraine.
Tuy nhiên, ông Bronk nói thêm, những chiến đấu cơ này vẫn có nguy cơ cao trước các tên lửa đất đối không (SAM) của Nga nên sẽ cần phải bay ở độ cao thấp. Trong tương lai, F-16 sẽ là vũ khí phòng thủ chủ yếu cho quân đội Ukraine, giúp họ bắn hạ tên lửa Nga tốt hơn.
Trên thực tế, gần một năm sau chiến sự Nga- Ukraine, cả Nga và Ukraine đều chưa giành được ưu thế trên không. Các chuyên gia nhận định, để có thể sử dụng F-16 một cách hiệu quả, Ukraine sẽ phải đạt được ưu thế trên không ở một mức độ nào đó. Điều này có nghĩa là Ukraine sẽ phải tiêu diệt được các hệ thống phòng không S300 và S-400 của Nga.
Ngay cả khi các quốc gia phương Tây quyết định cung cấp F-16 cho Ukraine, họ cũng sẽ phải vượt qua những rào cản hậu cần quan trọng để đưa máy bay vào hoạt động như với xe tăng chiến đấu.
Các phi công Ukraine cần phải được huấn luyện để lái máy bay phản lực. Yurii Ihnat, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine, nói với CNN rằng quá trình huấn luyện có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, tùy thuộc vào kinh nghiệm của phi công.
Nhưng điểm nghẽn lớn nhất có thể là quy trình bảo dưỡng phức tạp dành cho F-16. Một số chuyên gia vũ khí đánh giá, đây là những chiếc máy bay cực kỳ phức tạp. Chúng được thiết kế và chế tạo theo cách rất khác so với máy bay MIG-29 và Sukhoi-27 mà các kỹ thuật viên Ukraine, những người cực kỳ lành nghề, đã quen vận hành và bảo dưỡng.
Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết vào tuần trước: “Chúng tôi đang cung cấp cho họ những gì chúng tôi nghĩ rằng họ có khả năng vận hành, bảo trì và duy trì. Nhưng F-16 là một hệ thống rất phức tạp".
Có thể bạn quan tâm
Nga đã chọn kịch bản kết thúc chiến sự Nga - Ukraine?
04:30, 31/01/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Crimea có thể là mục tiêu tiếp theo của Ukraine
04:00, 31/01/2023
Chiến sự Nga- Ukraine: Tiềm ẩn nguy cơ đối đầu NATO- Nga
04:00, 29/01/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Đòn hiểm từ xe tăng thế hệ mới
04:00, 28/01/2023