"Nước cờ" cao tay của Phương Tây khi cấm vận dầu mỏ Nga
Phương Tây đã chừa cho mình một kẻ hở để không rơi vào tình trạng khủng hoảng sâu về năng lượng, đồng thời cứu vớt các nhà máy lọc dầu đang bị đóng cửa vì không có dầu thô.
>>"Nước cờ độc” của phương Tây với dầu mỏ Nga
Ngày 3/2, Liên minh châu Âu (EU), khối các nền kinh tế phát triển (G7) và Australia đạt được thống nhất về việc áp dụng trần giá 100USD/thùng với sản phẩm dầu tinh chế của Nga và 50USD/thùng với dầu nhiên liệu.
Trong vòng 2 tháng, phương Tây đã tung 3 đòn đánh rất nặng vào lĩnh vực công nghiệp năng lượng Nga, một kênh kiếm tiền dồi dào và có mối liên hệ mật thiết với chiến sự Nga- Ukraine.
Lần đầu tiên, ngày 5/12/2022 EU quyết định không nhập dầu thô Nga bằng đường biển, ngay sau đó là mức giá “o ép” 60 USD/thùng với dầu thô Nga và lần này đến phân khúc dầu tinh chế.
Nhiều chuyên gia cùng quan điểm rằng: Việc thực thi lệnh cấm bảo hiểm trên toàn cầu có thể khiến lượng lớn dầu thô Nga biến mất khỏi thị trường và làm giá dầu tăng vọt. Điều này khiến các nền kinh tế phương Tây bị ảnh hưởng, trong khi thu nhập của Nga có thể tăng lên từ bất cứ sản phẩm dầu mỏ nào mà họ xuất khẩu bất chấp lệnh cấm vận.
Nhưng đến nay, các tín hiệu với kinh tế Nga hầu hết được giữ bí mật, cho nên giới phân tích không thể đánh giá hết mức độ ảnh hưởng của những lệnh cấm vận với nền kinh tế có quy mô xếp hạng thứ 11 toàn cầu.
Số liệu khách quan trên thị trường dầu mỏ toàn cầu cho thấy sự trung tính. Giá dầu không biến động quá mạnh, chưa thấy dấu hiệu khủng hoảng năng lượng diện rộng. Không thể biết chính xác Nga đã bán dầu với mức giá nào.
Lần này, khả năng dự báo tác động khi dầu diesel Nga bị áp giá cũng không hề dễ dàng, mặc dù đây là sản phẩm đặc biệt quan trọng trong các loại hình năng lượng. Nhưng phương Tây, trọng tâm là EU có lý do của họ khi thúc đẩy cam kết mới này.
>> Nga đã vuột khỏi tay “mỏ vàng” dầu khí như thế nào?
Thứ nhất, khối này đã vượt qua mùa đông một cách nhẹ nhàng mà không trực tiếp nhập năng lượng Nga như bình thường, không như những dự báo đáng sợ trước đó. Một trong những điểm sáng là EU đã sử dụng tới 22% năng lượng “sạch” trong tổng nhu cầu từ tháng 12 năm ngoái đến nay. Đây là dấu hiệu cho thấy EU hoàn toàn có thể “cai” năng lượng Nga.
Thứ hai, Trung Quốc và Ấn Độ âm thầm trở thành nhà cung ứng năng lượng hóa thạch sau khi “kiên cường” nhập khẩu ồ ạt từ Nga. Chuyến thăm bất ngờ của Thủ tướng Đức, Olaf Scholz đến Trung Quốc hồi cuối năm 2022 rất có thể đã đạt được thỏa thuận mua bán năng lượng (!?).
Diễn biến này phản ánh quy luật rất ly kỳ trong quan hệ giữa các quốc gia. Trong thị trường năng lượng không có phe cánh nào cả - chỉ có lợi ích là trên hết. Xét cho cùng, Nga không quá bí thế, Trung Quốc và Ấn Độ kiếm được tiền; trong khi châu Âu vẫn tỏ ra cứng rắn.
Và rằng, cấm dầu Nga không có nghĩa là tuyệt đối không sử dụng dầu Nga, trong khi OPEC cắt giảm sản lượng khai thác. Vậy châu Âu lấy đâu ra năng lượng cho mùa đông, duy trì nền kinh tế - nếu đó không phải là dầu Nga chảy lòng vòng?
Thứ ba, rất nhiều quốc gia châu Âu tìm ra nguồn cung thay thế từ Trung Đông, Bắc Phi và rất có thể từ đối tác dấu kín có quan hệ không quá căng thẳng với Nga. Một số thành viên EU “xin” và được Brussels “đồng ý” miễn tham gia cấm vận.
Các lệnh cấm vận dầu mỏ Nga được thiết kế với hai mục đích chính, đó là cắt giảm nguồn thu chủ yếu của Nga và tạo ra kẻ hở để mua dầu Nga với giá rẻ. Vì vậy, lệnh cấm vận không gây ra khủng hoảng thiếu mà chỉ là các biến động không đáng kể trong khâu phân phối dầu mỏ.
Có thể bạn quan tâm