Cơ hội nào từ chuỗi cung ứng xanh?
Nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong phát triển nền kinh tế đã và đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Bởi vậy, chuỗi cung ứng xanh ngày càng chiếm ưu thế.
>> Làm thế nào xây dựng chuỗi cung ứng xanh tại các cơ sở lưu trú?
Chuyển dịch chiến lược theo hướng xanh là xu thế tất yếu đối với các doanh nghiệp nhằm đáp ứng tốt hơn những yêu cầu từ quy định, luật lệ, tiêu chuẩn… về môi trường; từ cạnh tranh; và từ thị trường.
Xu hướng tất yếu
Từ thập niên 90, các nhà sản xuất ở châu Âu, Mỹ buộc phải đối mặt với áp lực giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường trong hoạt động kinh tế của họ. Kể từ đó, khái niệm “chuỗi cung ứng xanh” đã bắt đầu phổ biến.
Chuỗi cung ứng xanh kết hợp yếu tố môi trường trong quản trị chuỗi cung ứng, từ khâu thiết kế, tìm kiếm nguyên liệu, công nghệ sản xuất, phân phối, tiêu dùng và sử dụng sản phẩm,… nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.
Vào năm 2015, Tập đoàn bán lẻ khổng lồ Walmart (Mỹ) yêu cầu các nhà cung ứng phải làm rõ danh mục 10 loại hóa chất độc hại. Tập đoàn Fujitsu (Nhật Bản) cũng áp dụng điều kiện “thu mua xanh”. Ngay cả nhà sản xuất laptop HP (Mỹ) cũng yêu cầu nhà cung cấp giảm 20% phát thải khí nhà kính trong hoạt động vận tải,…
Có thể thấy chuỗi cung ứng xanh đã xuất hiện dưới mọi hình thức trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt trong ngành công nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng, được biểu hiện cụ thể thông qua chính sách thương mại dựa trên hàng rào kỹ thuật ngày càng tăng độ khó, các FTAs thế hệ mới.
Nếu như trước đây các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ có ở các phân khúc cao cấp ở các quốc gia tiên tiến hàng đầu, thì nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường.
Hiện nay, chuỗi cung ứng xanh vẫn chỉ ở trong trạng thái tuyên chiến với phương thức cung ứng truyền thống. Nhưng những lợi ích lâu dài của nó sẽ đem lại động lực tăng trưởng bền vững, giảm thiểu tác dụng phụ, tiết kiệm chi phí không chính thức.
Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chuỗi cung ứng xanh là động lực tăng trưởng chính trong thời đại hậu công nghiệp. Lý thuyết về nguồn lực đưa ra năm 1984 chứng minh rằng, quản lý tốt môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Hiện có rất nhiều minh chứng. Ví dụ, Uỷ ban Thương mại châu Âu chuẩn bị sẵn “thẻ vàng”, “thẻ đỏ” để truất quyền buôn bán với những doanh nghiệp không tuân thủ vệ sinh an toàn, nguồn gốc xuất xứ của mặt hàng thủy sản. Rõ ràng những doanh nghiệp đủ điều kiện “xanh” tự động loại bỏ rất nhiều đối thủ.
Lý thuyết “tâm lý học hành vi kinh tế” khám phá ra bất kỳ doanh nghiệp nào cũng hướng tới việc làm hài lòng các bên liên quan gồm chính phủ, khách hàng, ngân hàng, cộng đồng và các hiệp hội,… Do vậy, các doanh nghiệp buộc phải triển khai chuỗi cung ứng xanh nhằm thỏa mãn yêu cầu từ các bên liên quan khác nhau. Đạt được trạng thái tâm lý này cũng là một loại lợi thế cạnh tranh đầy sức mạnh.
Động lực mới cho Việt Nam
Thay đổi tính chất chuỗi cung ứng tạo ra đường đua mới giúp các quốc gia thay đổi vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn dân số già hóa, tài nguyên nhiên nhiên cạn kiệt; hệ thống động lực cũ không đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Về tổng quan, áp lực “xanh hóa” chuỗi cung ứng giúp đả phá điểm nghẽn cố hữu trong nền kinh tế nước ta. Đặc biệt Việt Nam là nền kinh tế lấy xuất khẩu làm chủ đạo thì việc tiếp cận với quy tắc “xanh” toàn cầu là yêu cầu không thể né tránh.
Chẳng hạn, tại Mỹ, các nhà nhập khẩu bán lẻ và các công ty cung cấp suất ăn theo hợp đồng có mức cam kết thân thiện môi trường ở mức cao nhất. Hay như tại châu Âu, chuỗi siêu thị bán lẻ, chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh yêu cầu các sản phẩm thuỷ sản phải đảm bảo thân thiện với môi trường qua nhãn sinh thái và các chứng nhận bền vững (FAO, 2008)…
Năm 2022, Mỹ trở thành thị trường thương mại ngoại biên lớn nhất của Việt Nam, xuất siêu của Việt Nam đạt mức kỷ lục sang châu Âu, Nhật Bản, đã cho thấy doanh nghiệp nội địa sẵn sàng đáp ứng yêu cầu sản phẩm “xanh”, thân thiện môi trường.
Tuy nhiên, khả năng tổ chức chuỗi cung ứng xanh ở Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề. Các lý do vĩ mô được chỉ ra là: tư duy sản xuất nhỏ lẻ, phi thị trường; doanh nghiệp hạn chế tiềm lực; chưa bắt kịp với hệ thống quy chuẩn toàn cầu,…
Một trong những mục tiêu sát sườn nhất với Việt Nam hiện nay là “xuất khẩu xanh” để không bị loại khỏi cuộc chơi mới- đặt nhiệm vụ bảo vệ môi trường ngang hàng với hiệu suất kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cần tích hợp với mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26.
“Xuất khẩu xanh” chỉ có thể dựa vào chuỗi cung ứng xanh, đó là một loạt nhiệm vụ từ vĩ mô đến vi mô, có tầm ảnh hưởng đến cấu trúc nền kinh tế và tư duy hành động của từng cá thể trong nền sản xuất.
Có thể bạn quan tâm