Khuynh hướng chính sách toàn cầu (Kỳ I): Lạm phát “hạ nhiệt”

TS. BÙI NGỌC SƠN, Chuyên gia kinh tế độc lập ] 06/03/2023 12:00

Nỗi lo sợ về lạm phát đã giảm trên toàn cầu khi khuynh hướng lạm phát hạ nhiệt ngày càng rõ rệt.

Theo IMF, mức lạm phát toàn cầu năm 2023 được dự báo sẽ là 6,6%, thấp hơn đáng kể so với mức trong năm 2022 là 8,8% nhưng vẫn cao hơn nhiều mức trước đại dịch là 3,5%.

 Diễn biến CPI toàn cầu (đen) cùng với các nền kinh tế phát triển (hồng), các nền kinh tế mới nổi trừ Trung Quốc (xanh), và Trung Quốc (vàng). Nguồn: Bloomberg Economics

Diễn biến CPI toàn cầu (đen) cùng với các nền kinh tế phát triển (hồng), các nền kinh tế mới nổi trừ Trung Quốc (xanh), và Trung Quốc (vàng). Nguồn: Bloomberg Economics

Những nguyên nhân cơ bản

Lạm phát ở Mỹ đã có chuỗi tháng giảm liên tiếp từ mức đỉnh 9,1% hồi tháng 7/2022 xuống còn 6,4% vào tháng 1/2023. Lạm phát ở EU cũng giảm liên tiếp từ mức đỉnh 10,6% hồi tháng 10/2022 xuống còn 8,5% vào tháng 1/2023. Ủy ban châu Âu (EC) vừa đưa ra dự báo mới nhất về lạm phát ở EU, trong đó EC đã điều chỉnh giảm lạm phát năm 2023 từ 6,4% hồi tháng 9/2022 xuống còn 5,6%... Sở dĩ lạm phát toàn cầu đang có xu hướng sụt giảm mạnh do một số nguyên nhân.

Thứ nhất, đó là chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay chưa từng thấy của FED và ECB nhằm làm giảm tốc phục hồi tăng tăng trưởng sau đại dịch ở hai nền kinh tế lớn này chiếm tới hơn 40% GDP toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng ở hai nền kinh tế lớn và dẫn dắt thế giới giảm xuống cũng có nghĩa là cầu tiêu dùng và đầu tư trên toàn cầu giảm xuống. Điều này làm hạ nhiệt lạm phát toàn cầu một cách nhanh chóng như đề cập ở trên. Nói cách khác, thế giới đã hy sinh tăng trưởng để đối lấy ổn định.

Thứ hai, chiến sự Nga- Ukraine gây ra sự khan hiếm lương thực và năng lượng khiến giá hai loại mặt hàng quan trọng này tăng chóng mặt trong năm 2022, đẩy áp lực lạm phát toàn cầu tăng mạnh. Tuy nhiên, tình hình này đã được kiểm soát nhanh chóng nhờ mùa đông 2022 bất ngờ ấm áp kỷ lục ở châu Âu, mặt khác nhờ nỗ lực mạnh mẽ đa dạng hóa nguồn cung khí đốt của khu vực này nhằm tránh lệ thuộc vào Nga. Ngoài ra, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã nỗ lực giải quyết vấn đề lương thực thế giới, khiến giá hai mặt hàng này giảm nhanh chóng.

Thứ ba, các công ty đã tổ chức lại chuỗi cung ứng của mình, công nghệ mới được đưa vào để quản lý chuỗi tốt hơn, sự khan hiếm lao động ở các trung tâm logistics lớn cũng được cải thiện nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh. Kết quả, sự đứt gãy chuỗi cung ứng giảm bớt, tình trạng khan hiếm nguồn cung cũng được khắc phục khiến giá cả hạ nhiệt theo.

>> Chiến sự Nga- Ukraine: Khi nào tới hồi kết?

Vấn đề đáng chú ý ở Trung Quốc

Những phân tích ở trên cho thấy chính sách của FED là yếu tố quan trọng nhất trong việc kiểm soát lạm phát trên toàn cầu. Hai yếu tố còn lại là hiệu ứng từ chiến sự Nga- Ukraine và đứt gãy chuỗi cung ứng về cơ bản đã qua, ít có khả năng trở lại tác động mạnh đến lạm phát trong năm 2023.

 Lạm phát ở EU cũng giảm liên tiếp từ mức đỉnh 10,6% hồi tháng 10/2022 xuống còn 8,5% vào tháng 1/2023.

Lạm phát ở EU cũng giảm liên tiếp từ mức đỉnh 10,6% hồi tháng 10/2022 xuống còn 8,5% vào tháng 1/2023.

Gần đây, FED cũng cho biết các bước tăng lãi suất sẽ thu hẹp lại đáng kể vì lạm phát đã qua đỉnh và đang trong chiều hướng giảm. Tuy nhiên, quan điểm này của FED sẽ chỉ được duy trì nếu chiều hướng giảm lạm phát vẫn như dự đoán giảm tiếp trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy đang xuất hiện một số yếu tố có thể khiến lạm phát tái phát trái với nhận định của FED. Đó là sự tái mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc, biến cố lớn vượt ngoài dự đoán từ chiến sự Nga- Ukraine khiến nguồn cung lương thực và nhiên liệu lại trở nên khan hiếm, và có thể cả những thiên tai lớn cũng khiến đứt gãy chuỗi cung ứng… Tất cả những điều này sẽ thúc đẩy giá hàng đầu vào và cả đầu ra tăng.

Trong số các yếu tố kể trên thì sự tái mở cửa nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 là yếu tố đáng kể nhất, nó khiến cầu tiêu dùng và đầu tư có thể tăng đột biến, khiến lạm phát có nguy cơ cao quay trở lại.

Các yếu tố khác như chiến sự Nga- Ukraine hay biến cố thiên tai không có tác động lớn. Tác động tiêu cực từ chiến sự Nga- Ukraine về cơ bản đã qua khi mùa đông ở châu Âu ấm áp và sắp hết; cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã không xảy ra, giá năng lượng toàn cầu về cơ bản sẽ không còn căng thẳng như trước, trái lại, lại có xu hướng dịu đi đáng kể.

Bên cạnh đó, IMF cũng cho biết dù Trung Quốc tăng trưởng trở lại thì giá dầu vẫn sẽ giảm vì tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại so với năm 2022. Vấn đề còn lại đáng lưu tâm chỉ là tình hình tái mở cửa nền kinh tế Trung Quốc sẽ như thế nào mà thôi.

Đầu tháng 1/2023, IMF tăng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2023 lên mức 5,2% so với mức dự báo trước hồi tháng 10/2022 chỉ là 4,4% nhờ tái mở cửa nền kinh tế. Tổ chức này dự báo mức tăng trưởng GDP năm 2024 của Trung Quốc sẽ chỉ còn 4,5% và sau đó tiếp tục xuống dưới 4% do tình hình cải cách chậm, giới kinh doanh mất lòng tin.

Mức phá sản doanh nghiệp Trung Quốc đang gia tăng mạnh, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính quyền địa phương cạn tiền khiến dòng đầu tư từ nguồn này không còn; khu vực bất động sản dù đã được nỗ lực giải cứu nhưng vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, thậm chí luôn đe dọa một cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế vì sự sụp đổ của nó; làn sóng FDI rời đi đang tăng nhanh khiến xuất khẩu sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, đặc biệt là thất nghiệp trong giới trẻ lên tới 19%; chi tiêu tiêu dùng trong nước bị suy yếu nghiêm trọng, và nhiều bất ổn xã hội khác đang gia tăng.

Kỳ II: Đối sách của các quốc gia

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Nga - Ukraine và nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu

    Chiến sự Nga - Ukraine và nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu

    05:00, 14/02/2023

  • Kinh tế toàn cầu: Soi chiếu điểm sáng

    Kinh tế toàn cầu: Soi chiếu điểm sáng

    12:00, 11/02/2023

  • “Xung lực” định hình kinh tế toàn cầu

    “Xung lực” định hình kinh tế toàn cầu

    12:00, 29/01/2023

  • Xoay xở trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu 2023

    Xoay xở trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu 2023

    04:30, 26/01/2023

  • “Phác họa” kinh tế toàn cầu 2023

    “Phác họa” kinh tế toàn cầu 2023

    12:00, 21/01/2023

TS. BÙI NGỌC SƠN, Chuyên gia kinh tế độc lập ]